Dấu hiệu thoái hóa xương sụn tuổi thiếu niên
Thoái hóa xương sụn thiếu niên là một nhóm bệnh hay gặp ở trẻ em đang tuổi phát triển nhưng chưa rõ nguyên nhân. Người ta cho rằng có thể yếu tố vi chấn thương lặp đi lặp lại là nguyên nhân khởi phát bệnh. Từ đó dẫn đến sự giảm hay mất máu nuôi dưỡng tới vị trí trung tâm cốt hóa ở đầu xương của một số xương, gây tổn thương trung tâm cốt hóa, hoại tử tại chỗ, mọc xương tân tạo, hậu quả là xương phát triển không bình thường.
Biểu hiện bệnh thường khó nhận biết
Nhìn chung bệnh có tiến triển âm ỉ, đau ít tại vị trí xương bị tổn thương. Một số bệnh như bệnh Kienbock có thể có biểu hiện sưng đau ở vùng cổ tay, chỗ vị trí xương nguyệt, hoặc bệnh Legg-Perthes-Calve đau nhiều, hạn chế vận động tại vùng khớp háng, đi lại khó khăn hoặc bệnh Scheuermann có biểu hiện đau nhiều kèm biến dạng gù cột sống.
Bệnh viêm xương sụn bóc tách là do một số mảnh xương hay sụn tự tách rời ra khỏi xương, rơi vào trong khớp gây ra các triệu chứng như “tiếng kêu chuột khớp” do chúng di chuyển ở trong khớp, dấu hiệu kẹt khớp, đau hạn chế vận động khớp.
Điều trị bao gồm thuốc điều trị triệu chứng, phục hồi chức năng, sử dụng nẹp cố định, nghỉ ngơi tránh làm việc nặng và phẫu thuật chỉnh sửa khi cần thiết.
Nhìn chung kết quả điều trị rất thay đổi, phụ thuộc vào vị trí tổn thương, phát hiện bệnh sớm hay muộn. Đa số các các trường hợp mắc bệnh Sever hay bệnh Freiberg tự khỏi, không đau, xương không biến dạng. Ngược lại bệnh Legg-Perthes-Calve hay gây đau nhiều, để lại di chứng nặng nề, thường cần phải thay chỏm xương đùi.
Một số bệnh trong nhóm thường gặp và phương pháp điều trị
Thoái hóa xương sụn cột sống
Là một bệnh gây biến dạng cột sống ngực hoặc cột sống thắt lưng, hay gặp ở trẻ em. Lâm sàng bao gồm triệu chứng đau âm ỉ tại khu vực tổn thương, cảm giác tức nặng, thường cách quãng không liên tục và liên quan đến hoạt động thể lực, giảm khi nghỉ ngơi. Khám bệnh nhân thấy gù cột sống, có thể có vẹo gây giảm, hạn chế vận động rõ. Co cơ cạnh cột sống, đặc biệt ở ngay trên và dưới vị trí gù. Các triệu chứng thần kinh do chèn ép hiếm khi gặp.
Điều trị bao gồm bảo tồn nội khoa và chỉnh hình ngoại khoa. Điều trị nội khoa phục hồi chức năng, dùng thuốc giảm đau, nghỉ ngơi, tránh công việc mang vác nặng. Khi gù nặng hơn, cần mặc áo nẹp cột sống giữ cho lưng thẳng kèm các biện pháp phục hồi chức năng cột sống kết hợp thư giãn nghỉ ngơi, nằm trên giường cứng.
Điều trị phẫu thuật ít khi chỉ định trong bệnh Scheuermann, chủ yếu khi đau nhiều không đáp ứng với điều trị bảo tồn nội khoa và gù gây mất thẩm mỹ. Nhìn chung, điều trị cần căn cứ vào tuổi tác, mức độ biến dạng cột sống, mức độ đau và đánh giá hiệu quả chức năng đạt được sau mỗi giai đoạn.
Bệnh dẹt chỏm xương đùi
Còn gọi là bệnh Legg-Perthes-Calve: do tổn thương ở đĩa sụn phát triển ở đầu xương, gần chỏm xương đùi. Bệnh hay gặp ở tuổi từ 3-12, hay gặp ở nam giới hơn (gấp 4-5 lần nữ). Tổn thương thường ở một bên, có thể gặp ở hai bên (15-20% trường hợp).
Triệu chứng đau tự nhiên ở khớp háng, gối hoặc vùng đùi, đi lại khập khiễng. Khám thấy hạn chế vận động khớp háng, đặc biệt động tác xoay trong hay dạng, có thể teo cơ nếu ở giai đoạn muộn. Chân tổn thương thường ngắn hơn chân lành. Xét nghiệm máu thường không phát hiện gì đặc biệt.
Chụp Xquang khớp háng, đặc biệt ở tư thế dạng chân (chân ếch) có giá trị chẩn đoán: chỏm xương đùi bên tổn thương nhỏ hơn bên lành, có thể dẹt hẳn chỏm; có xơ hóa và hình ảnh giảm thấu quang ở vùng tổn thương dưới sụn; có thể có các nang xương nhỏ ở vùng cổ xương đùi.
Thường chia 5 giai đoạn tổn thương trên Xquang và tiến triển bệnh: giai đoạn ngừng phát triển của đầu xương, biểu hiện bên tổn thương chỏm xương đùi nhỏ hơn, khe khớp rộng hơn; giai đoạn gẫy xương dưới sụn: hình vạch tăng thấu quang ở vùng cổ nối với chỏm; tiêu xương; thoái hóa thứ phát với mọc xương tân tạo; giai đoạn ổn định.
Việc điều trị bao gồm nghỉ ngơi hợp lý, tránh vận động mạnh, tập phục hồi chức năng, nẹp khớp háng khi cần để tránh trật khớp khỏi ổ cối.
Thuốc điều trị triệu chứng giảm đau, giãn cơ. Phẫu thuật chỉnh sửa những biến dạng nhiều ở chỏm xương, khi cần có thể xét thay khớp háng (thường khi trẻ đến tuổi trưởng thành). Nhìn chung tuổi khởi phát bệnh càng nhỏ tiên lượng càng tốt, khởi phát sau tuổi lên 10 thì trẻ dễ bị thoái hóa khớp háng thứ phát.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...