Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đông Thành phố (TP.HCM), cho biết tại TP.HCM, số lượng trẻ dưới 16 tuổi mắc Covid-19 chiếm tỷ lệ không quá cao so với tổng số F0. Tuy nhiên, nước ta vẫn có tỷ lệ nhất định trẻ chuyển nặng và nguy kịch do Covid-19.

Nguy cơ cao ở nhóm trẻ thừa cân, béo phì

Theo bác sĩ Vũ, Bệnh viện Nhi đông Thành phố đang chăm sóc, điều trị khoảng 200 trẻ mắc Covid-19. Một trong số này có những trường hợp nguy kịch. Đa số trẻ diễn biến nặng thường không bệnh lý nền nhưng thừa cân, béo phì hoặc có bệnh mạng tính (ung thư, tim bẩm sinh...)

'Nhiều trường hợp trẻ cân nặng quá khổ có diễn biến bệnh rất nhanh, nặng, khi vào Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã tổn thương phổi 2 bên nặng nề cần thở máy không xâm nhập', bác sĩ Vũ cho biết.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Vũ, vẫn có số ít trường hợp trẻ không có bệnh lý nền, sức khỏe ổn định nhưng chuyển biến nặng, chỉ số SpO2 hạ thấp.

 Bệnh viện Nhi đông Thành phố đang cấp cứu cho trẻ béo phì chuyển biến nặng do Covid-19. Ảnh: Phương Vũ.

'Mới đây, một sinh viên y khoa trong đội tham vấn F0 từ xa tham khảo ý kiến chúng tôi về một ca trẻ 3 tuổi F0 có chỉ số SpO2 rất thấp. Điều này cho thấy dù trẻ em thường ít có nguy cơ diễn biến nặng, người lớn tuyệt đối không bỏ qua dấu hiệu nguy cơ ở trẻ', bác sĩ Vũ chia sẻ.

Bác sĩ Vũ cho biết nếu trẻ là F0 điều trị tại nhà, phụ huynh cần biết cách đo SpO2 chuẩn cách, không bị nhiễu, kèm các dấu hiệu cần biết để đưa con đi khám và nhập viện kịp thời.

Bác sĩ Vũ phân tích hơn bất kỳ ai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những nhóm cần được theo dõi SpO2 thường xuyên. Nguyên nhân là cơ thể của trẻ chưa ổn định như người lớn, các chỉ số SpO2, nhịp tim, nhịp thở, nhiệt độ, huyết áp..., có thể thay đổi thất thường.

Hơn nữa, trẻ chưa có đầy đủ nhận thức về sức khỏe, chưa thể nói cho người lớn biết về những dấu hiệu bất thường bên trong cơ thể.

Dấu hiệu bất thường ở trẻ qua nhịp thở

Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ khuyến cáo khi trẻ xuất hiện triệu chứng khó thở, thở hụt hơi, nhịp thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào. Ngoài ra, các dấu hiệu cần lưu ý là:

  • Mạch nhanh trên 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút với người lớn và trẻ lớn >= 5 tuổi.
  • Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo)
  • Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
  • Thay đổi ý thức: Lú lẫn, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.
  • Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

Trẻ không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn, có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống như sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban.

- Mắc thêm bệnh cấp tính: sốt xuất huyết, tay chân miệng... hoặc suy thận mạn, các bệnh mạn tính khác phải nhập viện can thiệp điều trị thường xuyên.

Về chỉ số SpO2, khi trẻ có dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần đo lại 2 lần sau 30 giây đến 1 phút, tẩy sơn móng tay (nếu có) trước khi đo. Khi đo, người lớn cần giữ bé ngồi yên, bình tĩnh, không quấy khóc. Thiết bị đo cần phù hợp với tuổi của bé để kết quả không nhiễu.

'Chỉ số SpO2 không phản ánh được tất cả tình trạng bệnh cũng như tiên đoán bệnh, nhưng nó cũng sẽ là một chỉ điểm quan trọng để bố mẹ, người thân chăm sóc và theo dõi các trẻ F0 phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển nặng', bác sĩ Vũ cho biết.

Do đó, trong tình huống trẻ mắc Covid-19 có dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần liên lạc với cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà, trạm y tế, trung tâm cấp cứu..., để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời. Bên cạnh đó, phụ huynh cần bình tĩnh xử lý theo hướng dẫn của nhân viên y tế để trấn an trẻ hợp tác điều trị.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, toàn thành phố hiện có 40.888 bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó có 3.145 trẻ em dưới 16 tuổi. Đa số trẻ mắc Covid-19 được theo dõi tại nhà.

Trong trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà, bệnh nhi được điều trị tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 4 (do Bệnh viện Nhi đồng Thành phố phụ trách), Bệnh viện dã chiến số 11 (do Bệnh viện Nhi đồng 2 phụ trách) và Bệnh viện dã chiến Củ Chi (do Bệnh viện Nhi đồng 1 phụ trách).

Riêng với trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19 có diễn tiến nặng, người bệnh sẽ được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố hoặc Bệnh viện Nhi đồng 2 để tiếp tục điều trị chuyên sâu.