Thai nhi 10 tuần tuổi phát triển như thế nào?
Tuần thứ 10 của thai kỳ, bé có kích thước cỡ quả quất, dài khoảng 4cm và phát triển gần đầy đủ các bộ phận như một người trưởng thành. Tuy nhiên, lúc này mẹ bầu vẫn chưa cảm nhận được vì bé còn khá nhỏ. Phải đến các tuần sau nữa khi bé lớn hơn mẹ mới cảm nhận được rõ ràng.
- Tay bé sẽ sớm xòe ra và nắm lại thành nắm đấm. Bé yêu của mẹ bầu lúc này đã có cả móng tay và móng chân. Đặc biệt hơn bé còn biết mút cả ngón tay vô miệng nữa đấy.
- Xương bé bắt đầu cứng lại và dần dần rắn chắc hơn trong các tuần kế tiếp. Dưới nướu của bé sẽ dần xuất hiện những chồi răng nhỏ.
- Trán bắt đầu phồng lên cùng sự phát triển của bộ não.
- Thận, ruột, não và gan đang bắt đầu hoạt động theo đúng chức năng của chúng.
- Dạ dày của bé đang sản xuất dịch tiêu hóa, thận sản xuất lượng nước tiểu lớn hơn và nếu là bé trai thì bé của bạn đã sản xuất testosterone.
- Tủy sống của bé bắt đầu sản sinh ra bạch cầu.
- Lông mi sẽ phủ đầy để bảo vệ an toàn cho đôi mắt.
Ngoài ra, thai nhi 10 tuần tuổi còn vận động không ngừng. Bé có thể đá, trườn, vặn mình và xoay người. Mẹ đa phần đều không cảm nhận được vì bào thai còn khá nhỏ.
Những động tác co duỗi nhẹ nhàng của bé giống như múa ba lê trong nước. Bé sẽ thực hiện những động tác này thường xuyên hơn khi cơ thể bé lớn lên, phát triển và có nhiều chức năng hơn.
Mẹ bầu có thay đổi gì khi bước sang tuần thai nhi thứ 10?
Bụng mẹ bầu khi bước sang tuần thai nhi thứ 10 đã có sự nhô ra, tuy nhiên ở mỗi mẹ bầu sẽ có kích thước bụng khác nhau. Ngực và bụng mẹ bầu bắt đầu xuất hiện các gân xanh. Các gân xanh này đang cung cấp máu và dinh dưỡng đến cho bé, giúp bé dần phát triển. Và chúng sẽ biến mất đi sau khi mẹ bầu sinh con.
Nếu như trước đây, kích thước tử cung mẹ ước tính bằng quả lê, thì hiện giờ tử cung mẹ bầu ước tính to bằng quả bưởi. Vùng rốn dưới bụng mẹ bầu sẽ xuất hiện một đường màu sậm kéo dài. Mẹ bầu đừng quá lo lắng vì đây là dấu hiệu tốt, chứng tỏ bé đang phát triển rất bình thường. Mụn trên da của mẹ bầu cũng dần biến mất thay vào đó là một làn da láng mịn và rạng rỡ hơn.
Trong đợt khám định kỳ này, mẹ bầu cũng sẽ có cơ hội nghe thấy nhịp tim của bé với sự trợ giúp của ống nghe Doppler – một thiết bị siêu âm cầm tay đặt trên bụng của mẹ. Nhiều mẹ bầu đã chia sẻ rằng, khi lần đầu lắng nghe nhịp đập từ trái tim nhỏ bé của con vang lên, họ có cảm giác như cả đàn ngựa đang phi đến, kèm theo đó là cảm giác hạnh phúc tràn ngập trong tâm hồn.
Mẹ nên làm gì khi thai nhi 10 tuần tuổi?
Mẹ hãy trao đổi và trò chuyện cùng những mẹ bầu khác để có thêm kiến thức thai sản, cũng như giảm căng thẳng nếu như đây là lần mang thai đầu tiên.
Dinh dưỡng
Và tất nhiên dinh dưỡng luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các mẹ bầu. Ở tuần mang thai thứ 10, mẹ hãy cố gắng đạt một sự cân bằng có lợi cho sức khoẻ bằng cách chọn các loại thức ăn phù hợp từ tất cả các nhóm thực phẩm, vì mẹ đang nuôi dưỡng bé bằng nhiều loại dưỡng chất khác nhau.
Dưới đây là các khẩu phần thuộc các nhóm thực phẩm chính được Cơ quan An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến nghị:
- 6 đến 11 khẩu phần bánh mì và ngũ cốc
- 3 đến 4 khẩu phần protein
- 4 đến 5 khẩu phần các sản phẩm sữa
- 5 đến 10 khẩu phần rau và trái cây, gồm 2 hoặc nhiều khẩu phần thực phẩm giàu vitamin C
Vận động
Hoạt động thể chất vừa phải với thời gian 30 phút/ngày trong hầu hết các ngày trong tuần được xem là an toàn và có lợi cho phụ nữ mang thai và thai nhi. Một số phương pháp tập luyện mà bạn có thể cân nhắc như:
- Đi bộ, đạp xe đạp, chạy bộ, và bơi lội
- Tập tạ nhẹ
- Các bài tập dưới nước giúp giảm stress cho cơ thể, và giảm tình trạng quá nóng
- Yoga
- Tập Pilates
Một số lưu ý mà mẹ mang thai tuần thứ 10 cần quan tâm?
Mẹ bầu hãy tìm hiểu và tham gia các lớp học tiền sản để có thêm kiến thức về mang thai. Có rất nhiều các thông tin bổ ích mà mẹ sẽ cần ghi nhớ đấy.
Những thay đổi trong quá trình mang thai dễ khiến mẹ bầu khó chịu, tuy nhiên đừng để những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến cả mẹ và bé nhé. Chúc mẹ bầu luôn có sức khỏe và tinh thần thoải mái chào đón thai nhi 11 tuần tuổi nhé!