Nuốt nghẹn khám ra ung thư

Anh Nguyễn Hoàng Đạo (47 tuổi, trú tại Nam Định) đến khám trong tình trạng mệt mỏi vì anh đã đoán được bệnh của mình. Anh kể thời gian qua thường xuyên cảm giác nuốt nghẹn, người mê mệt. Nhưng lúc đó anh đang đi làm phụ hồ ở Hạ Long nên chủ quan nghĩ do thời tiết, nắng nóng, ăn không ngon và vẫn cố gắng làm.

Khi tình trạng nặng kèm theo cơn đau bụng, đau thượng vị và nuốt khó hơn, anh đến Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh khám, bác sĩ chẩn đoán ung thư thực quản.

Anh Đạo không tin vào kết quả này nên đến Bệnh viện K trung ương khám và kiểm tra lại. Vừa nhìn kết quả nội soi, bác sĩ đã nghĩ nhiều tới ung thư thực quản nhưng kết luận cuối phải chờ vào kết quả sinh thiết giải phẫu tế bào học.

Không riêng gì anh Đạo, tại khoa Thăm dò chức năng Bệnh viện K còn nhiều bệnh nhân có dấu hiệu nuốt nghẹn đang chờ làm nội soi để sàng lọc bệnh.

Chị Nguyễn Thuỳ Linh (Hà Nội) tâm sự chị cũng có cảm giác nuốt nghẹn, đau cổ 3 tuần nay. Sử dụng kháng sinh không đỡ. Chị Linh đi khám vì sợ dấu hiệu ung thư thực quản. May mắn, kết quả nội soi hoàn toàn bình thường không có ung thư, bác sĩ cho biết chị bị trào ngược thực quản.

Trường hợp của anh Đỗ Văn Chấn (Tân Lạc, Hoà Bình) được chẩn đoán ung thư thực quản giai đoạn 3. Anh Chấn nuốt nghẹn kèm theo triệu chứng đầy bụng khó tiêu. Anh đi khám bác sĩ vì nghi ngờ dấu hiệu ung thư thực quản và kết quả ung thư biểu mô tuyến.

Cần nhận biết sớm dấu hiệu ung thư thực quản - Ảnh minh họa: Internet

Anh Chấn tâm sự anh về quê chuẩn bị chuyển BHYT và tuần sau lên nhập viện để mở thông dạ dày vì u ung thư thực quản đã xâm lấn bao lòng thực quản chỉ một thời gian ngắn nữa anh sẽ không ăn, không uống được. Nếu không mở thông ống dạ dày bệnh nhân sẽ tử vong do suy kiệt vì không ăn uống được.

Dấu hiệu ung thư thực quản cần biết

TS Bùi Ánh Tuyết – trưởng khoa Thăm dò chức năng, bệnh viện K trung ương cho biết ung thư thực quản là bệnh ung thư đường tiêu hoá phổ biến. Ung thư phát triển ở vùng thực quản ban đầu gây tổn thương ở lớp niêm mạc thực quản sau đó đến giai đoạn muộn xâm lấn sâu vào thành thực quản và di căn sang các bộ phận lân cận.

Theo thống kê của Tổ chức nghiên cứu ung thư thế giới, ung thư thực quản là một trong 10 loại ung thư thường gặp ở nam giới, đứng thứ 3 trong các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa sau ung thư đại trực tràng và ung thư dạ dày. Riêng năm 2018, ung thư thực quản có 500.000 ca được chẩn đoán và 450.000 ca tử vong.

Tại Việt Nam, ung thư thực quản phổ biến thứ 4 trong các bệnh ung thư đường tiêu hóa. Đây là một trong 5 bệnh ung thư phổ biến ở nam giới và đến nay, ung thư thực quản tiên lượng khá dè dặt. Tiên lượng của ung thư thực quản vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thời gian phát hiện sớm của bệnh.

TS Tuyết cho biết, giống như ung thư dạ dày, ung thư thực quản cũng khó được phát hiện sớm, các giai đoạn sớm dấu hiệu thường rất mơ hồ, người bệnh không thể nhận biết sớm. Đến khi xuất hiện các triệu chứng như nuốt khó, tăng tiết nước bọt, buồn nôn, nôn, ợ nóng, đau họng… thì bệnh đã ở giai đoạn xâm lấn.

Bệnh nhân được nội soi chẩn đoán sớm ung thư thực quản - Ảnh BVCC

 

Thống kê của Bệnh viện K trung ương cho biết có khoảng 85% bệnh nhân ung thư thực quản đến khám ở giai đoạn muộn.

Các bác sĩ chỉ có thể xạ trị, hoá chất kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Bệnh nhân sống trên 5 năm của ung thư thực quản hiện nay khoảng 20%, phụ thuộc hoàn toàn vào giai đoạn phát hiện sớm của bệnh. Một số nghiên cứu của Nhật Bản chỉ ra rằng ở giai đoạn sớm của ung thư thực quản tỷ lệ điều trị thành công lên tới 90%.

Để phát hiện bệnh được sớm, TS Tuyết khuyến cáo những người có tiền sử gia đình người thân bị ung thư đường tiêu hoá như dạ dày, thực quản, ung thư đại trực tràng cần đi kiểm tra sàng lọc sớm bệnh ung thư thực quản. Ngoài ra, những người tiền sử uống rượu, hút thuốc lá, bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản nên đến sớm để kiểm tra xem mình có nguy cơ bị ung thư thực quản hay không. 

Việc sàng lọc rất đơn giản. Qua hệ thống nội soi bác sĩ có thể nhìn thấy tổn thương, định vị vị trí cũng như các chi tiết sắc nét để đánh giá và đưa ra tư vấn cho người bệnh.

Phòng ung thư thực quản, TS Tuyết cho biết cách tốt nhất là tăng cường thực phẩm an toàn, rau xanh, trái cây các loại vitamin A, C, E. Ngoài ra, nên hạn chế bia rượu, thuốc lá đặc biệt là các loại rượu mạnh cũng là biện pháp ngăn ngừa ung thư thực quản.

Khi có các dấu hiệu nuốt nghẹn lâu ngày trên 1 tuần cần tới các cơ sở y tế kiểm tra sàng lọc sớm bệnh ung thư thực quản.