Đau dây thần kinh liên sườn là gì?

Đau dây thần kinh liên sườn là một hội chứng bệnh hay gặp ở nhiều người trong thời gian gần đây. Thần kinh liên sườn là một thuật ngữ dùng để chỉ các dây thần kinh xuất phát từ đoạn tủy ngực D1 đến D12.

Bộ phận có tên gọi rễ thần kinh tủy ngực sau khi qua lỗ ghép sẽ được chia thành hai nhánh: Nhánh sau (còn được gọi là nhánh lưng) chi phối phần da và cơ lưng; nhánh trước (hay gọi là nhánh bụng) chi phối cho phần da, cơ phía trước bụng và ngực, bộ phận này còn gọi là dây thần kinh liên sườn.

Dây thần kinh liên sườn sau khi tách khỏi rễ chung sẽ cùng với mạch máu tạo thành bó mạch – thần kinh gian sườn nằm ở bờ dưới của mỗi xương sườn.

Chính vì có mối liên quan mật thiết như vậy nên những bệnh lý của tủy sống, cột sống hay xương sườn và thành ngực đều có thể có tác động trực tiếp tới dây thần kinh liên sườn. Hơn thế nữa, các dây thần kinh liên sườn cũng thường nằm ở vị trí nông nên càng dễ bị tác động của các yếu tố ngoại cảnh.

Những bệnh lý của tủy sống, cột sống, xương sườn hay thành ngực đều có thể ảnh hưởng trực tiếp tới bệnh đau dây thần kinh liên sườn - Ảnh minh họa: Internet

Dấu hiệu đau dây thần kinh liên sườn

Dấu hiệu một người khi bị đau dây thần kinh liên sườn ban đầu chỉ đau ở một bên (bên trái hoặc phải) hay đau từ trước ngực (xương ức) rồi lan theo mạn sườn ra phía sau cạnh cột sống. Cơn đau sẽ tăng cao khi sở và ấn mạnh ở vùng đau.

Đau dây thần kinh liên sườn rất dễ xuất hiện khi cơ thể mắc các chứng bệnh nhiễm khuẩn như cúm, lao, thấp khớp hoặc các bệnh ở các cơ quan bên trong như phổi, màng phổi, tim và gan.

Những tổn thương ở đốt sống lưng như ung thư nguyên phát hay di căn, u tủy, thoái hóa cũng khiến người bệnh dễ mắc chứng đau dây thần kinh liên sườn.

Nhiều trường hợp bệnh nhân đau dây thần kinh liên sườn có biểu hiện đau từ vùng ngoại vi (vùng ngực và xương ức) trở vào cột sống, cảm giác này càng tăng khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc thay đổi tư thế.

Đau dây thần kinh liên sườn thường bắt đầu từ dấu hiệu đau một bên sườn - Ảnh minh họa: Internet

Nhiều trường hợp virus tấn công vào dây thần kinh gây đau do zona liên sườn. Biểu hiện ban đầu của bệnh sẽ là những cơn đau nhẹ, sau đó cơ thể bị phát ban đỏ và có nhiều nốt mụn nước ở những vùng da có dây thần kinh liên sườn đi qua. Dấu hiệu cuối cùng là xuất hiện vùng ban da hình dãy kéo dài từ cột sống tới xương ức.

Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp một số triệu chứng khác gây khó chịu. Nếu nghi ngờ về các dấu hiệu bệnh, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để phát hiện và điều trị bệnh sớm.

Nguyên nhân đau dây thần kinh liên sườn

Đau dây thần kinh liên sườn là căn bệnh hay gặp, do nhiều nguyên nhân như: chấn thương, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, vận động sai tư thế hay cường độ vận động quá mạnh, thoái hóa cột sống, đái tháo đường, viêm đa dây thần kinh...

Thậm chí có những trường hợp khó tìm hoặc không tìm thấy nguyên nhân. Lúc này sẽ được gọi là đau thần kinh liên sườn tiên phát.

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến gây ra chứng đau dây thần kinh liên sườn:

Thoái hóa cột sống

Những triệu chứng như đau ê ẩm, không cấp tính nhưng kèm theo đau âm ỉ cột sống ngực cả khi nghỉ và khi vận động, ấn vào điểm cạnh sống hai bên (cách chính giữa cột sống 2-3cm) bệnh nhân thấy tức nhẹ và dễ chịu.

Lao cột sống hoặc ung thư cột sống

Đây là triệu chứng thường gặp ở những người tuổi trung niên trở lên và mắc bệnh diễn biến nặng, tại vùng cột sống bị tổn thương. Người bệnh hay bị đau chói cả hai bên sườn, có khi cảm thấy rất đau như bị đánh, như bị ai đó bó chặt lấy ngực hoặc bụng.

Những triệu chứng này dễ chẩn đoán nhầm với cơn đau thắt ngực hoặc đau ở vùng dạ dày. Khi ấn cột sống sẽ thấy có điểm đau chói. Bệnh nhân có thể đau liên tục suốt ngày đêm, và càng đau hơn khi thay đổi tư thế hoặc vận động.

Ngoài ra còn có các triệu chứng đau toàn thân rất nặng như hội chứng nhiễm độc lao (sốt về chiều, mệt mỏi, sút cân...). Nghiêm trọng hơn là cảm thấy biến dạng cột sống nếu ở giai đoạn nặng...

Bệnh lý tủy sống

Đau dây thần kinh liên sườn thường là triệu chứng phát bệnh sớm của chứng u rễ thần kinh hay u ngoại tủy. Bệnh nhân thường thấy đau một bên hay đau kiểu đánh ở một bên sườn. Khi khám cột sống lại không thấy đau rõ ràng.

Chấn thương cột sống

Dấu hiệu đau dây thần kinh liên sườn ở các bệnh lý về cột sống hay tủy sống thường là các triệu chứng sớm của bệnh nên nếu được phát hiện sẽ có giá trị chẩn đoán cao.

Nếu để đến giai đoạn muộn thì bệnh đau dây thần kinh liên sườn sẽ chỉ là triệu chứng phụ của các chứng bệnh nghiêm trọng khác. Bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại, y học ngày nay có thể phát hiện được sớm các bệnh lý về cột sống và tủy sống.

Các chấn thương cột sống nghiêm trọng là một trong những nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn mãn tính - Ảnh minh họa: Internet

Ngoài những nguyên nhân trên thì các chứng nhiễm khuẩn, hay gặp nhất là đau dây thần kinh liên sườn do zona, đau dây thần kinh liên sườn tiên phát do lạnh hay do vận động sai tư thế cùng các nguyên nhân khác như đái tháo đường.

Ngoài ra, nhiễm độc và viêm đa dây thần kinh cũng là những chứng khởi phát thường gặp của bệnh đau dây thần kinh liên sườn.

Nhiễm khuẩn zona cũng là nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn - Ảnh minh họa: Internet

Cách chữa đau dây thần kinh liên sườn

Khi bị đau dây thần kinh liên sườn, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện:

Chụp X-quang thường quy để đánh giá hình thái cột sống, đốt sống, từ đó tìm ra nguyên nhân gây bệnh như thoái hóa cột sống hay do lao cột sống.

Chụp cộng hưởng từ là bước quan trọng để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh như các bệnh lý cột sống, đĩa đệm và tủy sống như thoái hóa, lồi hay thoát vị đĩa đệm, chứng u tủy sống cùng các bệnh lý tủy sống khác.

Chấn thương cột sống hoặc những bệnh viêm nhiễm như viêm cột sống, đĩa đệm nhiễm trùng, thậm chí là lao cột sống là một trong số đó.

Các xét nghiệm cơ bản cho tế bào máu ngoại vi, đo tốc độ máu lắng và xét nghiệm nước tiểu toàn phần.

Xét nghiệm về sinh hóa trong máu gồm: ure, creatinin, AST, ALT.

Khi đã xác định được bệnh qua quá trình chụp và xét nghiệm sẽ đến bước điều trị. Bước đầu tiên là bạn cần điều trị nguyên nhân gây đau. Nếu bệnh nhân bị đau dây thần kinh liên sườn tiên phát, các bác sĩ có thể chỉ định bạn điều trị bằng các loại thuốc sau:

Các bước xét nghiệm và chụp cộng hưởng từ sẽ giúp chẩn đoán và điều trị đau dây thần kinh liên sườn hiệu quả - Ảnh minh họa: Internet

Các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, diclofenac.

Thuốc điều trị đau thần kinh nhóm gabapentin.

Thuốc làm giãn cơ vân như myonal, mydocalm. Lưu ý thuốc này chỉ dùng cho các trường hợp đang đau nhiều và kéo dài hoặc bệnh nhân có cảm giác co rút vùng sườn tổn thương. Đặc biệt là bệnh nhân có bệnh nhược cơ thì tuyệt đối không dùng thuốc này.

Cần bổ sung các loại vitamin nhóm B như B1, B6, B12 vì đây là các dưỡng chất có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa của tế bào của cơ thể nói chung, nhất là tế bào thần kinh và bao myelin.

Dù vậy bệnh nhân mắc chứng đau thần kinh liên sườn cũng chỉ nên dùng các loại vitamin này theo đúng chỉ định của bác sĩ và không nên lạm dụng quá nhiều.

Đau dây thần kinh liên sườn có nguy hiểm không?

Khi cơ thể bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của chứng đau thần kinh liên sườn, rất nhiều bệnh nhân và người nhà lo lắng và tự hỏi liệu tình trạng này có gây nguy hiểm gì không? Nhất là khi nó có liên quan và kéo theo nhiều bệnh lý khác.

Theo các nhà khoa học và bác sĩ, mức độ nguy hiểm của đau thần kinh liên sườn phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu bạn bị đau cấp tính, do vận động mạnh, hoặc làm việc sai tư thế hay chỉ bị nhiễm lạnh thì rất may là không quá nguy hiểm đến sức khỏe.

Tuy nhiên, sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng vì nó sẽ gây một vài đau đớn và khó chịu. Có thể khắc phục dần bằng cách vận động, làm việc đúng tư thế và cần thăm khám ở cơ sở y tế để ngăn ngừa bệnh chuyển thành mãn tính.

Mức độ nguy hiểm của đau thần kinh liên sườn phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân gây bệnh - Ảnh minh họa: Internet

Nếu bị đau thần kinh liên sườn do bệnh lý hoặc nhiễm khuẩn thì bạn cần thận trọng hơn trong cách chữa trị. Bệnh có thể gây biến chứng vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.

đau dây thần kinh liên sườn bắt nguồn từ nguyên nhân nào thì người bệnh cũng cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và có phác đồ chữa trị kịp thời, tránh làm ảnh hưởng đến khả năng vận động sau này.

Đau dây thần kinh liên sườn kiêng ăn gì?

Mỡ động vật, đồ chiên rán đều là những loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Chúng không những làm tăng cân mà còn tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm về tim mạch, giảm tuổi thọ và tăng tần suất xuất hiện của các cơn đau thần kinh liên sườn.

Những chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích: cũng có ảnh hưởng rất xấu tới hệ thần kinh và xương khớp. Chúng làm tăng lượng axit uric trong máu và giảm khả năng tổng hợp protein, từ đó gây ra các bệnh về hệ thần kinh, xương khớp và tim mạch, làm giảm hẳn chức năng sinh lý của phái mạnh…

Nếu đang trong giai đoạn điều trị bệnh đau thần kinh liên sườn mà người bệnh sử dụng bia rượu hay hút thuốc thường xuyên thì sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc, thậm chí vô tác dụng.

Nội tạng động vật cũng nằm trong danh sách thực phẩm mà người bệnh đau dây thần kinh liên sườn cần tránh. Dù chứa nhiều chất đạm nhưng việc ăn nội tạng động vật lại có hại cho người bệnh vì làm giảm sự hấp thụ canxi của cơ thể.

Bệnh nhân bị đau dây thần kinh liên sườn nên kiêng ăn nội tạng động vật - Ảnh minh họa: Internet

Điều này ảnh hưởng không tốt đến các bộ phận như xương khớp và hệ thần kinh. Mặt khác, điều đáng lo ngại là hiện nay hầu hết nguồn gốc nội tạng trên thị trường đều không rõ ràng, quá trình vệ sinh cũng không sạch sẽ. Tất cả khiến cho món ăn này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh.

Thức ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ với chất lượng không đảm bảo cũng là món ăn không tốt cho cả người khỏe mạnh và người bệnh đau dây thần kinh liên sườn.

Thức ăn nhanh khi được chế biến ở nhiệt độ cao sinh ra nhiều chất độc hại, hoặc chứa nhiều chất bảo quản. Ăn nhiều đồ ăn nhanh còn khiến bạn tăng cân kèm theo nhiều nguy cơ gây bệnh mỡ máu, xơ vữa động mạch.

Bên cạnh đó, loại thức ăn này còn tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh về đường tiêu hóa, xương khớp và dây thần kinh… Đặc biệt khi đang có bệnh mà vẫn thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh thì sẽ ngày càng nặng thêm.