Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), 80g đậu bắp luộc cắt miếng chứa 18 Calo, 0.2g chất béo, 5mg natri, 3.6g carbohydrate, 2g chất xơ, 1.9g đường và 1.5g protein. Đậu bắp cũng là một nguồn tuyệt vời cung cấp vitamin K và vitamin C, mangan, magie, vitamin B6.

Các lợi ích sức khỏe của đậu bắp

Đậu bắp giàu chất xơ và cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, có thể mang lại các đặc tính tăng cường sức khỏe.

Có thể làm giảm lượng đường trong máu

Theo nghiên cứu, đậu bắp và các chất chiết xuất từ ​​đậu bắp có thể giúp kiểm soát và điều trị bệnh tiểu đường. Các nghiên cứu cho thấy các hợp chất được tìm thấy trong đậu bắp có thể giúp giảm trọng lượng cơ thể, lượng đường trong máu và mức cholesterol toàn phần. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu trong lĩnh vực này chỉ giới hạn ở các nghiên cứu trên động vật. Do đó, cần thêm nhiều nghiên cứu để chứng minh tác dụng giảm đường huyết của đậu bắp đối với con người.

Cung cấp chất xơ

Chất xơ có trong đậu bắp và các loại trái cây, rau củ quả khác có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như hỗ trợ sức khỏe ruột kết, hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Chứa các hợp chất chống oxy hóa

Đậu bắp chứa các chất chống oxy hóa như vitamin C, quercetin và flavonoid. Cùng với chất xơ, những chất này có thể góp phần trong việc chống lại bệnh tiểu đường. Chất chống oxy hóa có thể sữa chữa các tế bào bị tổn thương do stress oxy hóa, giúp giảm viêm và ngăn ngừa bệnh tật. Tốt nhất là bạn nên tiêu thụ chất chống oxy hóa thông qua thực phẩm tự nhiên thay vì thực phẩm bổ sung.

Hỗ trợ sức khỏe xương và máu

Là một nguồn cung cấp vitamin K tuyệt vời, đậu bắp góp phần vào quá trình đông máu và chuyển hóa xương. 80g đậu bắp nấu chín cung cấp 36% lượng vitamin K cần thiết hàng ngày cho phụ nữ và 27% cho nam giới.

Tuy nhiên, đậu bắp cũng có một số tác dụng phụ đối với sức khỏe. Vì đậu bắp chứa nhiều vitamin K nên nó có thể ảnh hưởng đến thuốc làm loãng máu Coumadin (warfarin). Nếu bạn đang uống thuốc Coumadin, bạn cần điều chỉnh lượng vitamin K phù hợp trong chế độ ăn uống của mình. Hãy thảo luận với bác sĩ để cung cấp một lượng vitamin K vừa đủ cho cơ thể.

Đậu bắp cũng chứa oxalate, một hợp chất tự nhiên. Những người mắc một số bệnh nhất định như rối loạn thận, nên hạn chế tiêu thụ oxalat, vì chúng có thể góp phần hình thành một số sỏi thận.

Bảo quản và chế biến

Bạn nên bảo quản quả đậu bắp tươi ở nơi khô ráo, bọc kín trong túi ni lông. Nếu ẩm, đậu bắp sẽ nhanh chóng bị mốc và sau đó bị thối rữa. Chỉ nên rửa đậu bắp tươi trước khi bạn nấu. Nếu bạn không ăn đậu bắp trong vòng vài ngày, tốt nhất là nên đông lạnh. Chần qua nước sôi khoảng một phút, sau đó ngâm vào chậu nước đá cho đến khi đậu bắp nguội (nhưng không chần nữa vì đậu bắp sẽ bị nhão). Sau đó, đông lạnh trong túi đông lạnh, loại bỏ càng nhiều không khí càng tốt.

Đậu bắp được biết đến là một loại rau có chất nhầy dính và giàu chất xơ hòa tan. Chất nhầy có thể được giảm thiểu bằng cách xào đậu bắp ở nhiệt độ cao hoặc nấu trong súp hoặc món hầm. Nếu bạn nấu đậu bắp với thực phẩm có tính axit, chẳng hạn như nước chanh, giấm, hoặc thậm chí cà chua, nó cũng sẽ giúp giảm chất nhờn.

Đậu bắp thường được sử dụng trong món súp đặc nhưng nó cũng có thể được rang, nướng hoặc áp chảo và ăn riêng hoặc với các loại rau khác, chẳng hạn như cà chua. Đậu bắp cũng có thể dùng trong các món súp như một chất làm đặc, chẳng hạn như món cà ri và các món xào.