Biến chứng nguy hiểm

Điều đáng báo động là 60% người bệnh đái tháo đường không biết mình có bệnh và chỉ đến khi có các biến chứng họ mới đi bệnh viện khám. Lúc này, thử máu đường huyết đã cao chót vót.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Cường, nguyên bác sĩ khoa Nội tiết và chuyển hoá Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tăng đường huyết trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide. Gây ra nhiều tổn thương các cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh và răng.

Hiện nay, đái tháo đường tuýp 2 gây ra biến chứng tim mạch. Theo thống kê bệnh tim mạch là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong ở người đái tháo đường.

Chỉ số đường huyết nguy hiểm - Ảnh minh họa: Internet

Đường huyết tăng cao ảnh hưởng tới mạch vành và dẫn tới các cơn nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Những người bị đái tháo đường tuýp 2 còn có các bệnh lý khác đi kèm như cao huyết áp, cholesterol cao… gây nên hàng loạt biến chứng cho tim mạch.

Với biến chứng ở thận, bác sĩ Cường cho biết có những bệnh nhân khi bị suy thận đi khám mới biết bị đái tháo đường. Đường huyết cao làm cho các mạch máu nhỏ ở thận bị tổn thương khiến cho thận hoạt động kém hiệu quả hoặc suy thận. Đái tháo đường có liên quan tới suy thận mãn chặt chẽ. Vì thế, kiểm soát đường huyết được coi là kim chỉ nam phòng biến chứng suy thận.

Bệnh tiểu đường tuýp 2 còn gây ra các biến chứng thần kinh, biến chứng lên mắt gây mù loà, biến chứng thần kinh ngoại biên tạo ra những bàn chân cụt và rất nhiều biến chứng khác… đi kèm. Bác sĩ Cường cho biết bệnh nhân mắc đái tháo đường tuýp 2 thường tử vong do các biến chứng, có những người suy đa tạng do biến chứng của đái tháo đường.

Nhiều bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng về tiêu hóa, rối loạn cương dương và nhiều chức năng khác.

Chỉ số nào cảnh báo?

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thuý Chi, Bệnh viện Medlatec, cho rằng ở những người khỏe mạnh, hàm lượng Glucose trong máu lúc đói là (3,9 – 6,4mmol/L), khoảng 70-100 mg/dl. Khi hàm lượng Glucose trong máu vượt ngoài mức bình thường, cụ thể là cao hơn hoặc bằng 7mmol/L, đây là chỉ số cảnh báo mắc bệnh tiểu đường.

Khi thực hiện xét nghiệm, mọi người nhịn ăn ít nhất là 6 giờ đồng hồ để đánh giá đúng sự điều chỉnh glucose máu trong cơ thể.

Nếu lúc đói, kết quả xét nghiệm đưa ra lượng đường vẫn cao, điều này cho thấy chức năng điều hòa Glucose trong máu kém hiệu quả, cảnh báo nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Khi đói, kết quả xét nghiệm đường huyết vượt quá 7mmol/L có nghĩa là bạn đã bị mắc bệnh đái tháo đường. Còn nếu kết quả xét nghiệm cho thấy lượng đường trong máu của bạn thấp hơn 3,9 mmol/L hoặc nằm trong khoảng 6,4mmol/L – 6,9 mmol/L, có thể làm thêm xét nghiệm dung nạp Glucose.

Những biến chứng của bệnh lý đái tháo đường - Ảnh minh họa: Internet

Xét nghiệm dung nạp Glucose lúc đói, xét nghiệm này được tiến hành sau khi bạn đã nhịn ăn ít nhất là 6 giờ đồng hồ, sau đó bác sĩ sẽ yêu cầu bạn uống một ly nước có chứa 75g glucose và tiến hành xét nghiệm sau 2 giờ đồng hồ kể từ khi uống ly nước. 

Tại thời điểm xét nghiệm, phạm vi đường huyết ở những người bình thường là dưới 7,8 mmol/L. Nếu chỉ số xét nghiệm đường huyết của bạn từ 7,8 – 11 mmol/L, có nghĩa là bạn đang có nguy cơ bị bệnh tiểu đường, còn nếu kết quả là trên 11,1 mmol/L, bác sĩ sẽ kết luận bạn đã bị bệnh đái tháo đường.

Tuy nhiên, xét nghiệm này thường được tiến hành 2 lần hoặc bệnh nhân có các triệu chứng điển hình của tiểu đường, nếu kết quả vẫn là 11,1 mmol/L thì chắc chắn là bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Khi được chẩn đoán đái tháo đường, người bệnh sẽ được điều trị và theo dõi đường huyết hàng ngày. Trong điều trị đái tháo đường, chế độ ăn uống, sinh hoạt cực kỳ quan trọng.

Theo bác sĩ Chi, các nhóm thực phẩm tinh bột gồm các loại ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, ngô, khoai, sắn... cách chế biến tốt nhất là luộc hoặc hấp, nên hạn chế các cách chế biến như: chiên, xào...

Nhóm thịt cá: Đây là nhóm thực phẩm bổ sung nhiều chất đạm cho cơ thể, bao gồm: các loại cá, thịt lợn nạc, thịt gia cầm. Lưu ý những loại thịt nên ăn nạc, loại bỏ da, phần mỡ, chế biến bằng cách hấp, luộc hoặc có thể áp chảo để loại bớt mỡ.

Nhóm thực phẩm chứa chất béo, đường: Không phải loại thực phẩm chứa chất béo nào cũng nên ăn, bệnh nhân bị tiểu đường chỉ nên ăn những loại thực phẩm chứa chất béo không bão hòa như: vừng, dầu đậu nành, dầu olive, dầu cá, mỡ cá,...

Nhóm rau củ quả rất tốt với người đái tháo đường, tuy nhiên chế biến rau, củ tốt nhất là luộc, hấp hoặc có thể là ăn sống, làm sa lát. Đối với các loại hoa quả, có thể là ăn trực tiếp hoặc ép lấy nước. Lưu ý, những người bị mắc bệnh tiểu đường nên lựa chọn các loại hoa quả có lượng đường thấp.