Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh còn được gọi là “cơn đau quặn bụng” có thể gặp ở 25% trẻ nhỏ và thường làm bố mẹ hốt hoảng. Dân gian gọi hiện tượng này ở trẻ là khóc dạ đề vì trẻ thường khóc vào thời điểm chập choạng tối. 

Các chuyên gia cho biết hiện tượng này ở trẻ sơ sinh thường bắt đầu xuất hiện khi bé được 2 tuần tuổi trở đi và 90% sẽ tự hết vào giai đoạn trẻ được 4 tháng tuổi. 

Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh là hiện tượng sinh lý thường gặp - Ảnh minh họa: Internet

Dấu hiệu nhận biết cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh

Theo Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương, Giảng viên Bộ môn Nhi - Đại học Y dược TP.HCM, cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh dễ nhận biết, bé khóc đến tím cả mặt, nên được xếp thành chữ tím - PURPLE cho dễ nhớ:

  • P: Peak of Crying = Khóc thét thành cơn
  • U: Unexpected = Không đoán trước được
  • R: Resists Soothing = Không dỗ nín được
  • P: Pain-like Face = Vẻ mặt đau đớn
  • L: Long Lasting = Khóc kéo dài
  • E: Evening = Xảy ra vào buổi tối

Bác sĩ Thùy Dương cho biết: "Bình thường trong 3 tháng đầu đời, các bé có thể khóc trung bình 40 - 120 phút mỗi ngày. Lúc khóc nhiều nhất là khoảng 6 tuần tuổi. Khóc nhiều hơn mức độ này được xem là không bình thường.

Do đó, từ năm 1954, bác sĩ Wessel đã dùng 'luật 3-3-3' để định nghĩa cơn khóc co thắt: Trẻ khoẻ mạnh + cơn khóc hơn 3 giờ mỗi ngày + khóc hơn 3 ngày mỗi tuần + kéo dài hơn 3 tuần.

Tuy nhiên, thường thì các ông bố bà mẹ đã hết sức hoảng sợ, mang bé đi khám ngay khi bé khóc vài cơn đầu tiên chứ hiếm có thể đợi đến đủ 3 tuần".

Không quá khó để nhận biết những dấu hiệu của cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh - Ảnh minh họa: Internet

"Thông thường, cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh thường làm cả gia đình bấn loạn, người lớn cãi nhau vì không dỗ được bé, có cảm giác vô dụng, stress, bực bội, mệt mỏi, sáng ra không đi làm nổi… Tất cả điều này gây rối loạn không nhỏ cho cả gia đình", bác sĩ Thùy Dương chia sẻ. 

Nguyên nhân cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh

Trên thực tế, nguyên nhân cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh vẫn chưa được tìm hiểu rõ.

Theo bác sĩ Thùy Dương, có 3 nhóm nguyên nhân: Các rối loạn tiêu hoá (đầy hơi, bú quá nhiều, cách cho bú không đúng,…); các trục trặc về tâm lý xã hội (stress, mệt mỏi,…) và một số vấn đề về sinh học (loạn khuẩn ruột, dị ứng sữa,…). Các nguyên nhân nhỏ này thường kết hợp với nhau gây ra cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh.

Nguyên nhân cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh vẫn chưa được tìm hiểu rõ - Ảnh minh họa: Internet

Do vậy, theo nhận định của bác sĩ Thùy Dương: "Cơn khóc này thật sự có thể được xem là 'hơi quá mức sinh lý một chút', bé 'khóc một trận' để 'xả stress' sau cả ngày mệt mỏi".

Cách điều trị cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh

Vì nguyên nhân không rõ nên việc điều trị cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh phải kết hợp nhiều liệu pháp mới có thể giảm cường độ và thời gian của cơn khóc.

"Trước tiên, cha mẹ cần hiểu đây là một tình trạng thường gặp ở trẻ mang tính sinh lý và không ai có lỗi. Điều này tự nó đã làm bớt stress, và cải thiện tình hình. Bạn có thể ôm bé trên vai, áp sát bụng bé vào ngực mình, hát hay nói nhẹ nhàng nhằm trấn an bé", bác sĩ Thùy Dương cho biết.

Cha mẹ cũng có thể cho bé tắm nước ấm hay quấn chặt bé nếu trẻ dưới 2 tháng tuổi. Nếu quá mệt mỏi, phụ huynh có thể nhờ người khác trông hộ để có thể thư giãn, ngủ vài giờ.

Cần kết hợp nhiều biện pháp khi điều trị cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh - Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ Thùy Dương khuyến cáo cha mẹ tuyệt đối tránh những hành động có thể làm hại cho bé do quá bực bội (lắc bé quá mạnh gây Hội chứng trẻ bị lắc – Shaken baby syndrome)… Đồng thời nên đưa bé đi khám để xem có vấn đề khác gì cần phải điều chỉnh hay không.

Khi bé khóc, một điều cần chú ý là không nên chủ quan, mà phải loại trừ các vấn đề cần xử lý ngay: Lồng ruột, viêm tai, thoát vị bẹn nghẹt, chấn thương, côn trùng cắn... trước khi cho là cơn khóc co thắt.

Có thể thấy, cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh là thường gặp và được xem là vấn đề sinh lý. Cha mẹ hãy bình tĩnh chăm con và đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa khi cần thiết.