Cha mẹ nào cũng muốn con hình thành thói quen ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, không phải em bé nào cũng hợp tác với cha mẹ trong việc ăn uống. Biếng ăn là tình trạng rất thường gặp ở nhiều trẻ em.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết nguyên nhân trẻ biếng ăn, ngậm thức ăn trong miệng mà không chịu nuốt có thể do các yếu tố dưới đây:
Nguyên nhân trẻ biếng ăn
Trẻ bị bệnh
Hệ miễn dịch trong những năm đầu đời của trẻ còn non yếu. Do đó, trẻ rất dễ một số bệnh thông thường như nóng sốt li bì, đau họng, đầy bụng. Cha mẹ nên kết hợp cho bé đi khám bác sĩ để trị bệnh đồng thời chia từng bữa ăn nhỏ cho trẻ dễ ăn. Thức ăn cũng nên chế biến dạng loãng.
Nếu bé xuất hiện cơn đau quặn bụng (colic), mẹ hãy áp bé vào da bụng mẹ. Ngoài ra, bé mắc một số bệnh thường gặp như đau tai, dị ứng da, chàm da, trào ngược dạ dày hoặc nhiệt độ trong phòng quá nóng cũng khiến bé biếng ăn.
Do sai lầm của phụ huynh
Trong quá trình chăm sóc trẻ, phụ huynh mắc một số sai lầm thường gặp cũng khiến trẻ bỗng dưng biếng ăn:
Cho trẻ ăn dặm sai cách: Trẻ ăn quá sớm. Thức ăn dặm quá đặc, quá loãng với khẩu phần ăn lớn. Thành phần 4 nhóm chất sai. Trường hợp trẻ được tập ăn cơm sớm quá cũng khiến bé biếng ăn.
Thấy bé thích ăn món gì thì cho ăn quá nhiều.
Bác sĩ Khanh cho biết phụ huynh cần tìm hiểu giai đoạn nào bé ăn được gì để đáp ứng thích hợp cho con.
Trẻ ham chơi hơn ham ăn
Nhiều trẻ thường ham chơi mà quên cảm giác đói cũng là nguyên nhân của tình trạng biếng ăn. Giải pháp là cha mẹ nên xem lại không gian khi cho bé ăn. Tình trạng biếng ăn này thường gặp tại thời điểm chuyển tiếp mẹ chăm bé sang thời điểm bé tự xúc ăn.
Cách tốt nhất cha mẹ nên cho bé ăn đúng giờ, không cho con uống nước có gas giữa bữa ăn. Thời gian ăn không kéo dài quá 30 phút.
Do yếu tố tâm lý
Yếu tố tâm lý cũng là một trong những nguyên nhân trẻ biếng ăn. Có một số điều kiện ngoại cảnh tác động đến bé như: Thay người chăm sóc bé, người ngoài đút cho bé ăn, cha mẹ ép trẻ ăn. Cha mẹ căng thẳng khiến con căng thẳng theo cũng dẫn đến biếng ăn. Để khắc phục, cha mẹ không nên nói về chuyện ăn uống trước mặt con.
Trẻ sợ hãi
Bác sĩ Khanh thông tin, một số hành động vô tình này của người lớn cũng khiến bé sinh ra sợ hãi, từ đó biếng ăn:
- Ép uống thuốc, ép hút mũi sau đó thấy đưa gì vô mặt bé sẽ hoảng.
- Sợ các dụng cụ cho bé ăn: Cha mẹ hãy đổi loại có màu sắc và hình dạng làm bé thích hơn
- Có thể bé không chịu không gian, mùi nhựa, mùi vải, mùi thức ăn khi cha mẹ cho ăn.
- Không chịu mở miệng khi thấy thức ăn thấy bình thấy chén: Cha mẹ hãy chờ lúc con hơi ngủ gà (nửa ngủ nửa thức) để tập ăn, bú để trẻ bớt sợ và tập lại từ từ.
Vì sao trẻ hay ngậm cơm khi ăn?
Có những giai đoạn (trẻ biết lẫy, biết lật, biết bò...) trẻ biếng ăn sinh lý, cha mẹ chỉ cần bình tĩnh chăm trẻ. Tình trạng biếng ăn này sẽ nhanh chóng trôi qua.
Ngoài ra, đối với những trẻ ăn ngậm trong những lần đầu nguyên nhân có thể do:
- Trẻ đau miệng không chịu nuốt.
- Bị ép quá nên phản ứng ngậm không chịu nước: Do trẻ no, không hợp khẩu vị, do thức ăn loãng hay đặc quá.
- Do trẻ bị dính thắng lưỡi.
- Do trẻ vừa ăn vừa chơi.
Trẻ ăn ngậm thời gian dài có thể thành thói quen. Để phòng ngừa và khắc hiện tượng trẻ hay ngậm thức ăn mà không chịu nuốt, cha mẹ hãy áp dụng các biện pháp sau:
- Kiểm tra trẻ có dính thắng lưỡi hay không để có cách giải quyết sớm. Giai đoạn trẻ 3 tháng tuổi có thể quan sát được dấu hiệu này.
- Tập cho trẻ tự ăn, ngồi vào bàn ăn, cha mẹ thực hiện thao tác ăn uống để con học theo.
- Cho trẻ tập nhai bánh, tập gặm thức ăn.
- Tuyệt đối không để trẻ vừa ăn vừa chơi, không dỗ trẻ ăn bằng các chương trình quảng cáo trên tivi. Đồng thời không thỏa hiệp với trẻ bằng trò chơi hay bất cứ thứ gì để bé đồng ý nuốt.
- Khi trẻ có thể tự ăn và nhai nuốt tốt, cha mẹ hãy dành lời khen cho con.
- Thức ăn của trẻ nên chế biến đặc dần để con làm quen.