Thời gian gần đây, nhiều bé đến khám với chúng tôi bị kiến ba khoang cắn trông rất sợ và rất đau đớn.
Theo các tài liệu, kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes, thuộc bộ Cánh cứng. Đây là một loài côn trùng ăn thịt côn trùng khác. Chúng chuyên săn rầy trên đồng ruộng và không phải là kiến. Vì thon, dài và kích cỡ tương tự hạt thóc với hai màu đỏ và đen nên nhìn rất giống kiến. Và ta hay gọi là kiến hoang, kiến kim, kiến cong…
Kiến ba khoang không hề cắn, mà dịch cơ thể của kiến ba khoang có chứa Pederin, một loại chất độc gây rộp mạnh, phỏng da, gây viêm da.
Sau khi tiếp xúc với chất này 12 – 36 giờ, cha mẹ sẽ thấy một vùng ban đỏ xuất hiện, rồi phát triển thành mụn nước rộp lên, sưng tấy, rất đau rát, sau đó bong vảy, có thể kéo dài từ 2-3 tuần.
Do vậy, cách xử lý khi bị kiến ba khoang cắn, bám trên da là tuyệt đối đừng dùng tay giết, cọ hoặc nghiền nát kiến mà chỉ nên thổi kiến đi. Sau đó, rửa ngay chỗ tiếp xúc với xà phòng và nước.
Nếu đã có tổn thương, hãy đi khám ngay để bác sĩ chữa trị kịp thời.
Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương
Giảng viên Bộ môn Nhi - Đại học Y dược TP.HCM