Ngộ độc methanol ít nhưng nguy hiểm

Theo thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai mỗi năm trung tâm đều tiếp nhận hàng trăm ca ngộ độc rượu methanol và các ca này đến rải rác quanh năm nhưng dịp cuối năm, Tết Nguyên đán là đông nhất.

Bình thường có hai loại rượu đó là rượu ethanol và rượu cồn công nghiệp methanol. Nhưng methanol bị nghiêm cấm vì chỉ sử dụng trong công nghiệp như sơn, sử dụng làm dung môi pha các hoá chất.

Tuy nhiên, nhiều người đã mua cồn công nghiệp về pha vào làm rượu và bán ra thị trường. Năm 2014, trường hợp "rượu nếp Hà Nội 29" là ví dụ khiến nhiều người ở Quảng Ninh tử vong. Sau đó, đầu năm 2017 trường hợp ngộ độc rượu ở Lai Châu và những vụ ngộ độc methanol vẫn xảy ra hàng ngày. Nhiều bệnh nhân đi nhậu 2 – 3 ngày về thấy mắt mờ đến viện đã hôn mê sâu không cấp cứu được.

Bệnh nhân ngộ độc rượu đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh minh họa: Internet

Thạc sĩ Nguyên cho biết so với các ca ngộ độc rượu bia thì ngộ độc rượu methanol ít hơn ngộ độc rượu bia thường nhưng khi đã ngộ độc thì người bệnh thường rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

Dấu hiệu nhận biết như thế nào?

Bình thường, bác sĩ Nguyên cho biết những người uống nhiều rượu thì nguy cơ ngộ độc xảy ra bất cứ lúc nào và nếu uống phải các loại rượu trôi nổi có methanol người bệnh sẽ bị ngộ độc methanol ngay.

Không những thế, bác sĩ Nguyên cho biết tại trung tâm có nhiều bệnh nhân uống rượu bình thường và người nhà tưởng say đưa vào viện xét nghiệm vẫn có chứa methanol. Rượu quê nhưng chứa cả ethanol và methanol. 

Cần nhận biết được dấu hiệu ngộ độc Methanol - Ảnh minh họa: Internet

Đây chính là điều khó khăn trong việc cấp cứu ngộ độc rượu có methanol vì một số rượu có chứa cả ethanol và methanol. Khi vào cơ thể, ethanol đã làm chậm quá trình ngộ độc của methanol cũng như các biểu hiện của ngộ độc.

Bệnh nhân phát hiện ra khoảng 1,2 ngày sau uống rượu. Lúc đó methanol đã phá huỷ bệnh nhân từ đa tạng tới mờ mắt. Người bệnh có biểu hiện thở nhanh, nôn nói làm bệnh nhân hôn mê và tử vong rất cao.

Với những bệnh nhân ngộ độc uống phải các dung môi pha véc ni, cồn sát trùng…cần đến viện cấp cứu kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Thạc sĩ Nguyên cho biết dấu hiệu ban đầu để nhận biết ngộ độc rượu thường với ngộ độc ethanol rất khó. Chính vì thế, cách tốt nhất bác sĩ Nguyên hướng dẫn đó là khi người bệnh uống rượu xong còn nói được, đứng được cần cho bệnh nhân nghỉ, giữ ấm, cho ăn thức ăn có đường, cháo, tinh bột. 

Trường hợp người bệnh không đứng được, không nói được, có đờm dãi, lạnh chân tay vã mồ hôi những người xung quanh nên gọi xe cấp cứu. Trong khi chờ gọi cấp cứu cần cho bệnh nhân nằm nghiêng để người bệnh không bị sặc đờm dãi vào phổi.

Việc điều trị cấp cứu ngộ độc methanol, theo bác sĩ Nguyên trong phác đồ chẩn đoán của các nơi trên thế giới không ai cho uống rượu ethanol hay bia vào để chữa cho bệnh nhân.

Còn ngộ độc cồn methanol có 4 biện pháp như: Cấp cứu hồi sức, ổn định sức khoẻ, dùng thuốc thải độc và cuối cùng là lọc máu

Các biện pháp đều quan trọng không thiếu biện pháp nào. Các loại thuốc thải độc có thể thải độc ethanol đường tiêm, truyền tĩnh mạch. Đây là ethanol y tế, là thuốc giải độc đặc biệt, ta đang cố gắng nhập về chứ không phải rượu bình thường. Nhưng hiện nay ở nước ta chưa có và hiện Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đang dự trù.

Với ethanol loại uống chính là các loại rượu an toàn nhưng liều lượng, tính toán, cách dùng được theo dõi rất cẩn thận, phải sử dụng ở cơ sở y tế đồng thời giảm thiểu được tác hại của ethanol trên bệnh nhân. Tuy nhiên, người dân không được bắt chước cho người nghi ngờ ngộ độc uống thêm rượu.

Bác sĩ Nguyên nhấn mạnh “việc chẩn đoán ngộ độc methanol là trách nhiệm của nhân viên y tế. Các thuốc giải độc này không tự thực hiện tại nhà. Và đặc biệt không phải cứ thấy ngộ độc rượu, say rượu là uống thêm bia”.