Cảnh giác các bệnh về mắt ở trẻ em: Cha mẹ không nên coi thường
Nội dung bài viết:
Dấu hiệu nhận biết những bệnh về mắt ở trẻ em
Nhiều bậc cha mẹ do chủ quan và thiếu kiến thức đối với các bệnh về mắt ở trẻ, khiến con bị mù vĩnh viễn hoặc gặp phải vô số biến chứng nguy hiểm khác. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể nhận biết sớm, cách phòng tránh và điều trị kịp thời để không làm tổn thương đôi mắt của trẻ.
Nhìn chung các bệnh về mắt thường gặp ở trẻ em sẽ có những dấu hiệu giúp phát hiện sớm như:
Ngứa mắt
Khi có triệu chứng chủ yếu như ngứa mắt, mắt đổ ghèn, kéo thành sợi, có thể chảy nước mắt thì có thể do cơ thể bé phản ứng với những chất được cho là vật lạ như: bụi môi trường, khói, xăng, bụi gia đình từ lông thú như chó mèo…
Khi bị ngứa mắt, trẻ thường có thói quen dụi mắt làm tổn thương giác mạc hoặc có thể dẫn đến những bệnh nguy hiểm hơn cho mắt bé như: viêm giác mạc, dị ứng mắt, viêm kết mạc...
Sợ ánh sáng
Trẻ em có thể có dấu hiệu sợ ánh sáng và bị chảy nước mắt khi ra ngoài trời. Đây cũng là một trong những dấu hiệu không bình thường giúp phát hiện sớm các bệnh về mắt ở trẻ em.
Nheo mắt
Những trẻ dưới 3 tuổi khi có dấu hiệu nheo mắt thường xuyên để nhìn rõ vật thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm, đây có thể là biểu hiện của một số bệnh có tính di truyền ở trẻ như: cận, viễn, loạn hay nhược thị.
Các bệnh về mắt ở trẻ em thường gặp
Tật khúc xạ
Tật khúc xạ thường gặp ở trẻ là cận, viễn, loạn thị và chênh lệch khúc xạ giữa hai mắt. Biểu hiện của bệnh là trẻ thường nheo mắt, nghiêng đầu vẹo cổ khi nhìn, đôi khi còn bị nhức đầu.
Các triệu chứng khác có thể gặp là nhìn mờ, nhìn vật thể và xem tivi ở khoảng cách rất gần… Đôi khi, trẻ có thể không nhìn thấy những vật thể như đồ chơi nằm ngoài một khoảng cách nhất định.
Những trường hợp này cần được phát hiện sớm và khám chuyên khoa mắt để có phương pháp điều trị thích hợp. Ngoài ra, trẻ phải có thói quen sinh hoạt khoa học, chế độ dinh dưỡng hợp lý để tật khúc xạ bẩm sinh không tiến triển nặng hơn.
Lác, lé mắt
Lác mắt là một trong các bệnh về mắt ở trẻ em hay gặp (khoảng 4% trẻ em sinh ra hàng năm bị lác). Không chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà lác còn gây nên hiện tượng nhược thị, do khi bị lác 2 mắt sẽ nhìn theo 2 hướng khác nhau và nhìn ra 2 hình.
Nhức đầu, nhức mắt không chỉ là triệu chứng của tật khúc xạ. Nếu điều này xảy ra thường xuyên sau khi đọc sách hoặc xem ti vi cũng có thể là dấu hiệu của lác hoặc mất cân bằng các cơ của mắt.
Do đó, bất cứ trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên xuất hiện lác cần phải được đưa đi khám ngay. Việc khám mắt tỉ mỉ có thể dễ dàng phát hiện tình trạng này. Dùng kính thích hợp, những bài tập đặc biệt cho tình trạng yếu cơ hoặc đôi khi điều trị phẫu thuật có thể giúp cải thiện vấn đề.
Viêm kết mạc dị ứng
Dụi mắt, mắt đỏ và chảy nước mắt là dấu hiệu của viêm kết mạc dị ứng. Bệnh chủ yếu xảy ra theo mùa hoặc có thể xuất hiện quanh năm ở một số trẻ. Cha mẹ có thể dễ dàng phát hiện tình trạng này nếu thấy trẻ thường xuyên dụi mắt cùng với dấu hiệu đỏ mắt và chảy nước mắt thường xuyên.
Thông thường, biểu hiện bệnh là sưng nhẹ ở mi mắt, đỏ mắt và tiết dịch nhiều. Đôi khi, có thể có sưng quanh giác mạc. Bệnh thường đáp ứng tốt với điều trị nội khoa, song đôi khi cần điều trị kéo dài.
Viêm kết mạc nhiễm trùng
Bệnh lý này thường mắc phải ở trẻ sơ sinh do vi khuẩn từ người mẹ lây sang trẻ trong quá trình chuyển dạ. Ngoài ra trẻ sơ sinh cũng có thể bị bệnh viêm kết mạc nhiễm trùng khi bị tắc tuyến lệ, mắt của bé sẽ chảy nước thường xuyên. Quan sát mắt thấy đỏ, có vảy màu trắng, vàng hay xanh (do bị nhiễm khuẩn).
Tắc tuyến lệ
Tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh là khuyết tật thường gặp nhất của tuyến lệ, xảy ra với 6% số trẻ sau sinh. Những giọt nước mắt được tạo ra không thể thoát ra ngoài khiến cho đôi mắt của bé bị ngập nước.
Trẻ bị tắc tuyến lệ mắt lúc nào cũng ướt như vừa khóc. Đặc biệt, mỗi sáng ngủ dậy, mắt thường có nhiều gỉ vàng, dính quanh mí mắt.
Đục thủy tinh thể bẩm sinh
Nguyên nhân đục thủy tinh thể được xác định là do di truyền, nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa hay phối hợp các bệnh lý toàn thân. Khi bị bệnh, mắt trẻ thường có ánh hồng, khi chiếu đèn vào soi thấy có ánh sáng trắng trong mắt.
Việc phát hiện sớm giúp trẻ phục hồi được những tổn thương do đục thủy tinh thể bẩm sinh gây ra. Ngược lại, nếu điều trị muộn thì mắt sẽ hoàn toàn không phục hồi được.
Glaucome bẩm sinh
Bố mẹ có thể nhận biết sớm triệu chứng của bệnh Glaucome bẩm sinh ở trẻ sơ sinh bằng cách quan sát thấy mắt trẻ to ra bất thường. Lý do là vì củng mạc ở mắt trẻ có khả năng đàn hồi, khi áp lực trong mắt tăng khiến mắt giãn nở, giác mạc to ra và làm mắt to hơn bình thường.
Ngoài ra, quan sát thấy mắt đục, không có độ trong suốt, trẻ thường hay nheo mắt khi tiếp xúc với ánh sáng, chảy nước mắt. Nếu được điều trị sớm, có thể ngăn ngừa giảm thị lực do tổn thương dây thần kinh thị giác.
Bạch tạng
Một làn da và mái tóc đặc biệt khác thường cùng với dấu hiệu rung giật nhãn cầu có thể là triệu chứng của bạch tạng, một tình trạng đặc trưng bởi thiếu các sắc tố tạo nên màu da, tóc và mắt. Những trẻ bị bệnh này cũng thường sợ ánh sáng và gặp khó khăn về thị lực.
Sụp mi bẩm sinh
Có đến 25% trẻ bị nhược thị do mi chẻ hoặc loạn thị do sụp mi gây ra. Dấu hiệu nhận biết của sụp mi rất dễ đó là mi sa xuống, không có nếp mí rõ ràng, khi nhìn xuống mi trên ít cử động.
Đối với bệnh về mắt ở trẻ em này, phẫu thuật là phương pháp hiệu quả nhất để khắc phục tình trạng sụp mi, giúp trẻ không phải nhăn trán hay ngửa cổ ra phía sau để nhìn.
Ung thư võng mạc
Là khối u ác tính nguyên phát thường gặp nhất ở trẻ. Bệnh này có thể xảy ra ở 1 hoặc 2 bên mắt. Tỉ lệ 90% xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Triệu chứng là ánh đồng tử trắng kèm lác mắt. Việc phát hiện sớm khối u sẽ cứu vãn được chức năng của mắt bị bệnh và hạn chế nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
Nhược thị
Nhược thị một trong những bệnh về mắt ở trẻ em phổ biến, đó là hiện tượng mắt kém ở 1 hoặc 2 bên do lác, tật khúc xạ hay một số bệnh lý ở mắt gây nên. Tuy nhiên, nhược thị có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng. Khám mắt định kỳ giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện sớm trẻ nhược thị.
Chăm sóc mắt trẻ như thế nào?
Vệ sinh mắt trẻ
Việc phòng các nhiễm khuẩn về mắt cho trẻ rất quan trọng, đặc biệt là khi mới sinh ra, lúc chuyển mùa hay có các biểu hiện như ngứa mắt, dị ứng mắt ở trẻ em…
Việc vệ sinh mắt cho bé cũng giúp loại bỏ bụi bẩn, virus, vi khuẩn và các tác nhân có hại từ bên ngoài môi trường vào cơ thể, đẩy lùi tình trạng đổ ghèn nhiều.
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng
Để hạn chế tối đa các bệnh về mắt ở trẻ em thì việc đảm bảo một chế độ dinh dưỡng tốt vô cùng quan trọng.
Các bậc phụ huynh có thể cung cấp cho trẻ chế độ ăn giàu vitamin A như gan, cá, tôm, thịt, trứng, sữa, rau củ, trái cây…
Cho trẻ ăn thường xuyên các loại ngũ cốc giàu vitamin E để củng cố lớp vỏ nhãn cầu, phòng ngừa các tật khúc xạ.
Khám mắt định kỳ
Khám mắt định kỳ 6 tháng 1 lần tại các bệnh viện mắt chuyên khoa để phát hiện các bệnh về mắt ở trẻ em, các bệnh đau mắt ở trẻ em, các bệnh về mắt ở trẻ sơ sinh… đặc biệt là những bệnh khó nhận biết vì không có nhiều triệu chứng rõ ràng.
Có thể thấy, các bệnh về mắt ở trẻ em có thể nặng nhẹ khác nhau nhưng nhìn chung tất cả đều có thể gây ảnh hưởng lên thị lực, thậm chí mù lòa vĩnh viễn và nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ. Vì vậy, nhận biết sớm, điều trị kịp thời là yếu tố quan trọng khi trẻ có các dấu hiệu bệnh ở mắt.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...