Nội dung bài viết
Sau sinh bao lâu mới được ăn những loại trái cây lợi sữa?
Trái cây là nguồn cung cấp vitamin dồi dào cho bà mẹ đang nuôi con bú. Trong thời gian ở cữ, nếu mẹ không ăn hoa quả sẽ dẫn đến tình trạng thiếu chất, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, đường ruột, thiếu hụt vitamin tốt cho nguồn sữa mẹ.
Thông thường sau khi sinh từ 3 đến 4 ngày, các mẹ đã có thể ăn trái cây ngay. Trái cây giúp hỗ trợ co bóp tử cung, thúc đẩy tử cung co bóp đẩy sản dịch ra ngoài, làm tăng cảm giác thèm ăn, có lợi cho hệ tiêu hóa.
Mẹ ăn trái cây gì để có nhiều sữa?
Phụ nữ sau sinh nên ăn hoa quả gì là thắc mắc của không ít bà mẹ. Đầu tiên, phụ nữ mới sinh không nên ăn nhiều loại quả có vị quá chua, đề phòng chất toan làm hại răng và dạ dày.
Chị em cần kiêng cữ các loại trái cây có múi chua như cam, chanh, quýt ngay khi vừa sinh xong vì có thể làm kích thích hệ tiêu hóa non nớt của trẻ, làm con bị tiêu chảy, trớ sữa hoặc hăm tã, nổi mẩn đỏ trên da… Tuy nhiên, sau 4 - 5 ngày đến 1 tuần sau sinh, mẹ ăn những loại quả này lại rất tốt cho sức khỏe của mẹ và nguồn sữa nuôi con.
Bưởi, cam, quýt
Bưởi là trái cây bổ sung nhiều vitamin C trong quá trình mẹ mang thai và sau khi sinh, đây còn là một loại hoa quả hữu ích giúp ngăn ngừa tình trạng chảy máu ở sản phụ.
Theo các nhà khoa học, bưởi là trái cây “vàng” vì ngoài các dưỡng chất cần thiết, bưởi còn chứa Fitogen thực vật, có tác dụng làm đẹp da và làm tiêu mỡ, hạ cholesterol, chứa axit vừa phải giúp tiêu hóa tốt khi sản phụ ăn quá no.
Với những mẹ sau sinh mong muốn nhanh chóng lấy lại vóc dáng mà không muốn ảnh hưởng đến chất lượng sữa thì ăn bưởi là lựa chọn tuyệt vời, bưởi có thể điều chỉnh được lượng Insulin - hormone dự trữ chất béo giúp giảm cân.
Cùng họ với bưởi, cam quýt cũng là lựa chọn hoàn hảo trong các loại trái cây tốt cho mẹ sau sinh mổ. Hàm lượng vitamin C và canxi tương đối lớn giúp ngăn chặn tình trạng chảy máu ở sản phụ và làm vết mổ nhanh lành.
Ngoài vitamin C, cam - quýt cũng giàu canxi và chất chống oxy hóa, giúp tăng sức đề kháng. Uống nước cam mỗi ngày cũng giúp hệ tiêu hóa của mẹ hoạt động tốt hơn. Lượng chất xơ dồi dào trong quýt còn kích thích tiết sữa mẹ nhiều hơn.
Nếu thắc mắc phụ nữ sau sinh nên ăn hoa quả gì? Mẹ nên cân nhắc việc chọn các loại hoa quả như cam, quýt để ăn thường xuyên, giúp có nhiều sữa cũng như giúp vết thương mau phục hồi.
Chuối tiêu
Táo bón là nỗi khổ khó nói của các bà mẹ sau sinh. Lý do nhiều mẹ gặp phải tình trạng này là do trong thai kỳ, lượng hormone Progesterone tăng cao khiến hệ tiêu hóa làm việc chậm lại trong quá trình chuyển dạ. Chứng bệnh này dễ xảy ra ở những mẹ phải sinh với dụng cụ hỗ trợ như Forceps hoặc bị rách tầng sinh môn nhiều.
Chuối tiêu là cứu cánh hiệu quả trong thời điểm này do chứa hàm lượng lớn chất xenlulo và sắt, có tác dụng hỗ trợ tiêu hoá, bổ máu. Lượng sắt nạp vào cơ thể mẹ càng nhiều càng lượng sắt trong sữa giúp phòng tránh hiện tượng thiếu máu ở trẻ sơ sinh. Do vậy sản phụ ăn chuối tiêu có thể tránh được tình trạng thiếu máu và táo bón sau sinh.
Quả sung
Theo Đông y, quả sung có vị ngọt, chát, tính mát, tác dụng thông huyết, lợi tiểu, chỉ thống, tiêu đàm, tiêu thũng, tiêu viêm, sát trùng, bổ huyết. Đồng thời quả sung và lá non còn giúp lợi sữa, tăng tiết sữa cho mẹ sau sinh. Mẹ có thể nấu cháo sung hoặc sắc lấy nước uống.
Quả sơn trà
Sau sinh, người mẹ thường bị kiệt sức, không muốn ăn, miệng khô. Sử dụng sơn trà như hoa quả ăn hằng ngày có thể kích thích vị giác, hỗ trợ tiêu hoá. Sơn trà chứa lượng lớn acid citric và acid maslinic, có tác dụng hoạt huyết, đào thải máu đọng bên trong tử cung, giúp mẹ giảm đau.
Quả dưa hấu
Dưa hấu chứa nhiều kali, vitamin C, canxi và nhiều khoáng chất quan trọng, giúp giải nhiệt, lợi tiểu và tăng cường khả năng phục hồi của da. Hơn nữa, với lượng nước dồi dào, dưa hấu là lựa chọn tuyệt vời cho mẹ bổ sung chất lỏng, giúp sữa tiết ra nhiều hơn.
Long nhãn
Theo Đông y, long nhãn có vị ngọt, tính bình, không độc, tốt cho việc bổ huyết dưỡng tì. Sản phụ bị suy nhược sau sinh ăn một lượng long nhãn tươi hoặc ăn long nhãn khô vừa có thể bổ khí cho tì vị, vừa có thể bổ máu.
Quả đu đủ
Với nhiều chất khoáng, vitamin, sắt, kẽm, chất xơ… đu đủ sẽ giúp hệ tiêu hóa của mẹ hoạt động tốt hơn. Ăn đu đủ thường xuyên giúp tăng sức đề kháng, bổ máu, nhuận tràng. Khi bị táo bón mẹ nên ăn một miếng đu đủ nhỏ mỗi bữa ăn.
Mẹ có thể kết hợp đu đủ cùng chân giò, không chỉ bổ sung thêm dinh dưỡng mà món ăn này còn giúp tăng tiết sữa cho mẹ, chữa suy nhược cơ thể, giảm căng thẳng đầu óc.
Quả táo xanh/đỏ
Táo rất giàu dinh dưỡng, là lựa chọn hàng đầu trong thực đơn của mẹ sau sinh mổ. Chỉ với 1 quả táo/ngày, mẹ đã bổ sung vào cơ thể rất nhiều dưỡng chất tốt: 3g chất xơ, 15% hydrocarbon, vitamin A, C và E… Hàm lượng kali, chất chống oxy hóa, canxi có nhiều trong táo còn giúp mẹ tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh cảm cúm.
Quả na (mãng cầu)
Không ít mẹ sau sinh gặp phải tình trạng chán ăn, việc ăn hoa quả như chuối tiêu, đu đủ hay na sẽ giúp ích cho tiêu hoá. Quả na nằm trong danh sách những thực phẩm tốt cho mẹ, đây là nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời.
Theo nghiên cứu một quả na trung bình có thể cung cấp 1/5 lượng vitamin C mà cơ thể cần hằng ngày, giúp tăng cường hệ miễn dịch của mẹ, ngăn ngừa tình trạng chảy máu ở sản phụ và bổ sung dinh dưỡng cho nguồn sữa mẹ.
Vú sữa
Quả vú sữa chứa nhiều vitamin A, B1, B2, B3, C, đặc biệt là glucid, protein, calcium, chất xơ, sắt và lipid, giúp tăng cường vitamin cho cơ thể và giúp tăng lượng sữa của mẹ.
Bà mẹ sau sinh có được ăn cherry không?
Trong danh sách phụ nữ sau sinh nên ăn hoa quả gì kể trên, rất dễ dàng nhận thấy sự vắng mặt của quả cherry. Vì sao lại như vậy?
Các bà mẹ đang cho con bú nếu ăn quả cherry hoặc các loại quả chín mọng (như: mận tây, dâu tây, dâu tằm…) có thể khiến trẻ bị đầy hơi, khó tiêu. Mặc dù đối với trẻ sơ sinh, việc đầy hơi cũng cũng xảy ra thường xuyên do hệ tiêu hóa của bé đang phát triển. Tuy nhiên, nếu gặp trường hợp này sau khi ăn các loại hoa quả kể trên, mẹ nên dừng ngay lập tức.
Các loại rau củ không nên ăn ngay sau khi sinh
Các chuyên gia tư vấn các bà mẹ nên hạn chế ăn súp lơ xanh, súp lơ trắng vì chúng rất dễ khiến trẻ bị kích thích, dễ cáu kỉnh và đầy hơi, đi ngoài. Ngoài ra, còn có rất nhiều ý kiến về vấn đề mẹ cho con bú ăn súp lơ sẽ mất sữa. Vì thế, nếu nghi ngờ bông cải xanh là “thủ phạm”, mẹ nên ngừng ăn món này vài ngày để theo dõi hoặc chỉ ăn trở lại khi bé đã cứng cáp hơn.
Bạc hà cũng là một trong các thủ phạm hạn chế nguồn sữa của mẹ. Trong loại cây này có một số thành phần làm giảm lượng sữa, vì vậy nếu mẹ đang cho con bú, hãy hạn chế sử dụng các thực phẩm có bạc hà. Mẹ nên thay thế một tách trà bạc hà bằng một tách trà hoa cúc.
Rau mùi tây cũng giống như bạc hà, nó có thể làm giảm lượng sữa mẹ nếu ăn quá nhiều. Để đảm bảo đủ sữa cho con bú, mẹ nên hạn chế sử dụng loại rau này.
Mướp đắng rất ít chất béo, khi ăn nhiều sẽ không có lợi cho chế độ ăn cần nhiều chất dinh dưỡng của phụ nữ sau sinh. Đặc biệt, ăn mướp đắng có thể làm giảm đường huyết.
Các hạt mướp đắng có chứa vicine – một độc tố có khả năng gây ra nhức đầu, đau thắt bụng và hôn mê với cơ địa nhạy cảm, chất này còn có thể được truyền từ mẹ sang con qua sữa mẹ, gây nguy hại cho hệ miễn dịch còn non yếu của bé.
Lá lốt là một trong những thực phẩm hàng đầu là giảm nguồn sữa mẹ. Ăn các món ăn chế biến từ lá lốt sẽ khiến ngực mất sữa nhanh chóng, ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu dinh dưỡng của trẻ.
Với những gợi ý trên đây, mẹ có thể tìm thấy cho mình câu trả lời thích hợp nhất cho băn khoăn “phụ nữ sau sinh nên ăn hoa quả gì”. Ngoài ra, mẹ đừng quên bổ sung nước mỗi ngày để lượng sữa mẹ được dồi dào.