Ngày 21/6 được dự báo sẽ là ngày nóng đỉnh điểm trong đợt. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nhiệt độ dao động trong ngày từ 36 - 39 độ C; vùng núi và trung du Bắc Bộ, Đà Nẵng đến Quảng Ngãi có nhiệt độ dao động từ 35 - 37 độ C.

Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, thủ đô Hà Nội, nhiệt độ cảm nhận ngoài trời có thể nóng tới 46 - 48 độ C. Hải Phòng 44 - 45 độ C; Quảng Ninh 41 - 42 độ C; Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hà Nam dao động từ 46 - 48 độ C...

 

Hình minh họa.

Được biết, 21/6 năm nay là ngày Hạ chí, đánh dấu thời điểm nắng nóng cực độ trong năm. Trong thời gian này, nhiệt độ tăng cao và thời tiết trở nên rất oi bức.

Trong những ngày hè nóng cực điểm như thế này, quạt hay điều hòa là thiết bị làm mát không thể thiếu trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, việc sử dụng điều hòa, quạt không đúng cách cũng có thể đe dọa sức khỏe, đặc biệt có thể gây đột tử.

Tuyệt đối tránh 1 kiểu dùng quạt, điều hòa ngày nóng nếu không muốn đột quỵ!

Các chuyên gia sức khỏe cảnh báo, ngày nóng không nên ngồi trước quạt hay điều hòa ngay sau khi vừa đi từ bên ngoài trời nắng về. Năm 2023, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tiếp nhận một bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ cấp cũng vì mắc phải sai lầm này.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hậu (khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết: Việc bật điều hòa thấp hơn quá nhiều so với môi trường ngoài trời dễ khiến người dùng bị sốc nhiệt. Đây là tình trạng nhiệt độ cơ thể thay đổi từ nóng sang lạnh quá nhanh, gây ra những tác động bất lợi đến sức khỏe.

Bật điều hòa thấp hơn quá nhiều so với môi trường ngoài trời dễ khiến người dùng bị sốc nhiệt.

Bác sĩ nói, bất cứ ai cũng có thể bị sốc nhiệt khi có sự thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột. Đặc biệt là là những người đang từ bên ngoài trời nóng đột ngột vào phòng lạnh; vừa tắm xong vào phòng điều hòa ngay; lên xuống ô tô khi nhiệt độ ngoài trời chênh lệch quá lớn so với điều hòa mở...

Ngoài ra cũng cần lưu ý rằng trong những ngày trời nóng, tình trạng bài tiết mồ hôi nhiều, sẽ gây mất nước... nếu không bổ sung đủ nước, máu có thể đặc, dính và lưu thông kém. Kết hợp với yếu tố nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột sẽ gây co mạch, cản trở lưu thông máu... cuối cùng ảnh hưởng trung khu thần kinh, dễ dẫn tới đột quỵ.

Mùa hè nên dùng điều hòa thế nào cho an toàn?

Theo các chuyên gia, tốt nhất khi ở bên ngoài trời nắng bước vào phòng, mọi người nên ngồi nghỉ trước quạt. Sau đó mới bật điều hòa ở nhiệt độ cao rồi hạ thấp dần.

Để tránh gây sốc nhiệt, bạn không nên bật điều hòa thấp hơn 5 độ C so với bên ngoài. Ngoại trừ những ngày nhiệt độ nóng trên 35 độ C, bạn có thể để điều hòa ở mức 28 độ C.

Nếu như đang ngồi trong phòng điều hòa thì trước khi ra khỏi phòng 30 phút, nên tắt điều hòa, mở cửa phòng cho không khí được lưu thông, đồng thời giúp cơ thể thích nghi dần với nhiệt độ bên ngoài.

Việc lạm dụng điều hòa cả ngày cũng không tốt, bởi nghiên cứu cho thấy không khí trong phòng bị đóng kín có thể trở nên độc hại gấp 2-5 lần không khí ngoài trời. Do đó, bạn nên sử dụng quạt điện lẫn điều hòa đan xen, để đảm bảo phòng được thoáng giá, có nguồn không khí sạch vào nhà.

Không nên để điều hòa chiếu thẳng vào mặt vì như vậy đồng nghĩa với việc thổi hơi lạnh trực tiếp lên người, khiến trẻ em, người già dễ nhiễm lạnh, mắc bệnh tật.