Lợi ích của đậu phụ

Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, đậu phụ là một nguồn protein tuyệt vời. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong 81g đậu phụ chắc chứa 14g protein, 7g chất béo, 2,3g carbohydrate, 1,9g chất xơ và 11mg natri. Và khẩu phần đó cung cấp 117 calo.

Đậu phụ cũng là nguồn cung cấp các chất: canxi, magiê, phốt pho, vitamin B và sắt. Ngoài ra, nó còn chứa mangan, đồng và kẽm. Điều đó cho thấy, đậu phụ là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng phù hợp với hầu hết mọi người, đặc biệt là những người bị hạn chế nhóm thực phẩm từ sữa và protein.

Đậu nành có thể hữu ích trong việc giảm huyết áp và do đó, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.

Đậu phụ là món ăn quen thuộc. Ảnh: Internet

Đậu phụ cũng có tác dụng trong việc làm giảm LDL cholesterol (hay còn gọi là cholesterol xấu), tăng HDL cholesterol (hay còn gọi là cholesterol tốt). Một phân tích tổng hợp của 46 nghiên cứu cho thấy rằng, protein đậu nành làm giảm đáng kể lượng cholesterol LDL khoảng 3-4% ở người lớn.

Mặc dù có một số bằng chứng cho thấy thực phẩm làm từ đậu nành như đậu phụ có thể giúp ích cho chức năng nhận thức, chẳng hạn như trí nhớ và kỹ năng giải quyết vấn đề, nhưng nghiên cứu vẫn chưa rõ ràng.

Đậu nành có thể có lợi cho phụ nữ mãn kinh. Mặc dù các nhà nghiên cứu không xem xét đậu phụ, nhưng một nghiên cứu nhỏ vào năm 2021 đối với phụ nữ sau mãn kinh chỉ ra việc thêm thực phẩm làm từ đậu nành vào chế độ ăn ít chất béo, thực vật có tác dụng giảm các cơn bốc hỏa nghiêm trọng .

Tác hại của việc sử dụng thạch cao không đúng cách

Theo Dân Trí, thạch cao dùng trong xây dựng có lẫn nhiều tạp chất, tuỳ theo vùng khai thác có thể chứa các kim loại nặng như chì, thuỷ ngân, cadmi... Để sử dụng trong thực phẩm, thạch cao phải trải qua quá trình tinh chế khá phức tạp, bao gồm nhiều công đoạn như nung, hoà tan, kết tủa… Độ tinh khiết tối thiểu phải đạt mức 98%. Nếu sử dụng thạch cao còn lẫn nhiều tạp chất cho thực phẩm sẽ gây bệnh tuỳ theo loại kim loại nhiễm phải, chẳng hạn như nhiễm chì sẽ gây ngộ độc chì, đau bụng, buồn nôn, suy gan, thận, trẻ em bị thiểu năng trí tuệ…

Thạch cao xây dựng là một chất cơ thể không hấp thu, không tan trong nước, có chứa nhiều tạp chất, nhiều kim loại nặng như sắt, đồng, chì… Ảnh: Internet

Thạch cao xây dựng là một chất cơ thể không hấp thu, không tan trong nước, có chứa nhiều tạp chất, nhiều kim loại nặng như sắt, đồng, chì… Nếu dùng sản phẩm có chứa thạch cao lâu dài, những kim loại nặng sẽ bám trên bề mặt thành ruột non làm hạn chế khả năng tiết dịch để tiêu hóa thức ăn, đồng thời gây cản trở và làm giảm hấp thu chất dinh dưỡng. Lâu dần, gan sẽ yếu đi, cơ thể suy yếu vì thiếu chất dinh dưỡng và dễ bị vi khuẩn tấn công.

Ngoài ra, để làm đậu phụ, người ta còn dùng một số muối như canxi sunfat (CaSO4) hoặc canxi clorua (CaCl2), là những chất mà cơ thể có thể hấp thu theo đường máu. Nếu dùng với tỉ lệ cao, cơ thể hấp thu không hết, canxi sẽ được thải ra theo đường tiểu, lâu ngày có thể vôi hóa, gây nên bệnh sỏi thận.

Riêng với đậu phụ non, để tạo độ mềm mịn, người sản xuất cho thêm gelatine vào nước đậu nành. Gelatine được trích từ da và xương của động vật (lợn, bò, dê, cừu, cá…). Nếu công nghệ không tốt, nguyên liệu chế biến gelatine không đảm bảo vệ sinh, người dùng sản phẩm gelatine sẽ có nguy cơ bị nhiễm một số bệnh truyền nhiễm từ động vật.

Cách phân biệt đậu phụ chứa thạch cao

Đầu tiên là về màu sắc. Đậu nguyên chất có màu trắng ngà còn đậu chứa thạch cao có màu vàng nhạt.

Thứ hai, miếng đậu an toàn có cảm giác mềm tay, có độ đàn hồi, dẻo. Đậu chứa thạch cao thường chắc tay, rắn, rìa của miếng đậu cứng, ngả vàng, khô nhanh.

Thứ ba, miếng đậu nguyên chất béo ngậy còn loại pha thạch cao sẽ xơ, vị chát, khi chiên rán, không xốp.

Tốt nhất, bạn nên chọn những cơ sở sản xuất đáng tin cậy để mua đậu phụ nguyên chất hoặc có thể tự làm đậu phụ ở nhà.

Lưu ý khi ăn đậu phụ

Theo Tiền Phong, dưới đây là những lưu ý nho nhỏ khi bạn ăn đậu phụ:

- Không ăn đậu phụ trong khi đang uống thuốc tetracycline: Đậu phụ giàu canxi và magiê, trong khi thuốc tetracycline có chứa các thành phần có sự phản ứng với canxi và magiê. Vì vậy, lời khuyên dành cho bạn là không ăn đậu phụ trong khi uống thuốc tetracycline, để không làm thay đổi thành phần của thuốc tetracycline, dẫn đến làm giảm tác dụng của thuốc.

- Những thực phẩm không nên ăn cùng đậu phụ: Không nên ăn đậu phụ với số lượng lớn trong thời gian dài: Đậu hũ giàu protein, purine và saponin, nếu ăn quá nhiều đậu trong dài hạn có thể gây ra các triệu chứng khó tiêu như đầy bụng hoặc tiêu chảy, tăng gánh nặng thải trừ chất thải của nitơ, làm cho tình trạng bệnh gút trở nên xấu đi, hoặc gây thiếu iốt.

Lưu ý khi ăn đậu phụ. Ảnh: Internet

- Không ăn với rau bina hoặc hành tây: Đậu phụ là thức ăn giàu canxi, rau bina và hành tây rất giàu axit oxalic. Sử dụng đậu phụ với rau bina hoặc hành tây để ăn cùng nhau, sẽ làm cho canxi trong đậu phụ kết hợp với axit oxalic sẽ tạo thành hiện tượng canxi oxalat tích tụ. Điều này không chỉ làm giảm tác dụng bổ sung canxi của đậu phụ, mà còn dễ dẫn đến bệnh sỏi.

- Sữa bò: Khi ăn đậu phụ bạn cũng không nên ăn chung với sữa bò. Bởi vì khi ăn chung 2 thực phẩm này sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng của cả hai, ảnh hưởng tới sự hấp thu calcium của cơ thể.

- Mật ong: Khi ăn đậu phụ với mật ong sẽ dễ gây tiêu chảy. Ngoài ra, trong mật ong chứa nhiều enzyme còn đậu phụ chứa nhiều chất khoáng. Vì thế khi ăn chung 2 thực phẩm này với nhau sẽ sinh ra phản ứng không tốt cho cơ thể.

- Măng: Đậu phụ có chứa canxi sulfate, măng chứa axit oxalic, hai loại thực phẩm này ăn cùng với nhau có thể tạo thành canxi oxalat, dễ tạo sỏi.