Nói dối rất dễ hình thành thói quen xấu, vì vậy, từ lúc con còn nhỏ, bố mẹ nên dạy bảo và có cách xử lý tốt. Sau đây là những mẹo nhỏ mà phụ huynh nên trang bị để giúp trẻ biết phải luôn nói lời chân thật.

Không nên nóng giận khi nghe con nói dối

Khi phát hiện trẻ nói dối, bất cứ phụ huynh nào cũng sẽ rất tức giận, tuy nhiên bạn cần học cách kiềm chế bản thân. Dù biết không ai khuyến khích việc nói dối, thậm chí bạn sẽ vô cùng thất vọng với câu chuyện mà bé bịa đặt ra nhưng cách tốt nhất nên làm là tha thứ, từ từ dạy bảo trẻ. Sau đó, hãy tìm hiểu nguyên nhân và cách giải quyết khúc mắc còn tồn tại ở trẻ để bé không tiếp diễn việc làm xấu này.

Với trẻ em, bố mẹ cần có sự mềm mỏng trong cách giáo dục - Ảnh: Internet

Tìm ra nguyên nhân trẻ nói dối

Theo những thống kê thì có một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc trẻ nói dối sau đây.

Bị áp lực về tâm lý: Đôi khi bố mẹ đặt kì vọng quá cao ở trẻ, vô tình không nhận ra mình đang gây áp lực cho con. Chính áp lực này khiến trẻ phải nói dối với mục đích khiến bố mẹ vui lòng. Vì thế, phụ huynh chỉ nên đặt kì vọng ở mức độ hợp lý để trẻ phấn đấu, không nên quá hão huyền hoặc ép trẻ làm những điều vượt quá khả năng.

Sợ bị bố mẹ phạt: Khi trẻ nói dối, các bậc phụ huynh sẽ nghĩ rằng con không nhận thức được hậu quả. Nhưng trên thực tế, trẻ nói dối là vì sợ bị phạt nên phải dùng những lời lẽ ngụy tạo để bảo vệ mình.

Bị ép buộc: Khi bạn càng đe dọa, bắt trẻ phải nói ra sự thật sẽ càng khiến con hoảng loạn mà chọn cách nói dối. Trong những trường hợp như vậy, hãy cho trẻ một chút thời gian để bình tâm lại. Khi thực sự sẵn sàng bạn sẽ nghe được lời nói thật.

Muốn được công nhận và khen ngợi: Nhiều trẻ vì muốn khẳng định mình quan trọng và muốn được đánh giá cao nên đã chọn cách nói dối. Bạn có thể ngăn chặn việc này bằng cách khen ngợi những thành công, nỗ lực của trẻ khi cần thiết.

Nguyên nhân dẫn đến việc nói dối ở trẻ em thường là vì áp lực, sợ bị mắng, muốn được khẳng định bản thân mình - Ảnh: Internet

Không buộc tội, gọi trẻ là “kẻ nói dối”

Nếu bạn quá nóng nảy và ép trẻ phải nói ra sự thật sẽ càng khiến mọi chuyện trở nên rối hơn. Cách làm tốt nhất là giảm nhẹ lời trách mắng, khuyến khích con thú nhận, vấn đề sẽ nhanh chóng được giải quyết.

Bên cạnh đó, nếu bị gắn mác là “kẻ nói dối”, trẻ sẽ càng bị tổn thương lòng tự trọng và càng tìm cách phản kháng lại hành động của bố mẹ. Điều này chỉ làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn.

Là tấm gương tốt cho trẻ

Khi thấy bé nói dối, tốt nhất bố mẹ nên giành thời gian bình tĩnh nghiêm túc nói chuyện với bé. Sau khi trẻ dũng cảm thừa nhận lỗi lầm của mình, hãy biểu dương sự thành thật đó. Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng nên trở thành tấm gương để con noi theo. Bố mẹ tuyệt nhiên không được nói dối trước mặt trẻ, đối xử với người khác chân thành để trẻ học cách trở thành người thẳng thắn.

Môi trường sống có ảnh hưởng rất lớn tới sự hình thành tính cách của trẻ. Chúng sẽ nhìn vào những điều đang xảy ra xung quanh và tiếp nhận rất nhanh chóng. Vì thế, bố mẹ cần phải có cách ứng xử, biện pháp đúng đắn để giúp con phát triển toàn diện về nhân cách.