Các dấu hiệu bệnh điển hình của bệnh đột quỵ: Phát hiện sớm để kịp thời cứu chữa
Nội dung bài viết
Đột quỵ là một trong những căn bệnh nguy hiểm, gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Đột quỵ Thế giới, cứ mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 16 triệu ca đột quỵ và khoảng 6 triệu ca tử vong do đột quỵ.
Bệnh đột quỵ xảy ra rất đột ngột và gây ra những biến chứng nặng nề. Vì vậy, việc nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh đột quỵ cũng như cách xử lý kịp thời sẽ giúp việc chữa trị và tỉ lệ hồi phục của người bệnh cao hơn. Dưới đây là những thông tin hữu ích về căn bệnh đột quỵ mà bạn không nên bỏ qua.
1. Đột quỵ là gì?
Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não), là tình trạng bệnh lý do não bộ bị tổn thương nghiêm trọng. Căn bệnh này xảy ra khi quá trình cung cấp máu lên não bị ngưng trệ đột ngột hay giảm đáng kể khiến cho hệ thống não bộ không đủ oxy và các chất dinh dưỡng để hoạt động và nuôi các tế bào. Chỉ cần xảy ra trong một vài phút, các tế bào não sẽ bắt đầu chết.
Vì vậy, người bệnh cần được phát hiện các dấu hiệu bệnh đột quỵ càng sớm càng tốt để được cấp cứu ngay tức thì. Nếu chần chừ, trì hoãn việc cấp cứu sẽ làm cho các tế bào não chết càng nhiều làm ảnh hưởng đến khả năng vận động và tư duy, thậm chí là tử vong.
Hầu hết các bệnh nhân đột quỵ được cứu sống đều có sức khỏe suy yếu hay mắc các di chứng nặng nề như mất khả năng ngôn ngữ, tê liệt hay cử động yếu, rối loạn cảm xúc, suy giảm thị giác,...
2. Tìm hiểu về bệnh đột quỵ với hai loại thường gặp
Hiện tại bệnh đột quỵ được chia làm hai loại đó là đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ do xuất huyết não.
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ
Dạng đột quỵ này chiếm khoảng 85% trên tổng số các ca bị đột quỵ. Bệnh thường xảy ra sau một cơn đau hay các cục máu đông được hình thành trong các mạch máu não, hay mạch máu dẫn lên não, hay các mạch máu ở các vùng khác của cơ thể dẫn đến não. Những cục máu đông này làm tắc nghẽn động mạch, ngăn cản quá trình máu lưu thông lên não.
Đột quỵ do xuất huyết não
Tình trạng đột quỵ do xuất huyết não xảy ra khi các mạch máu đến não bị vỡ. Hậu quả là máu thấm vào mô não, khiến các tế bào não bị tổn thương. Nguyên nhân chính của việc xuất huyết não là do thành động mạch não yếu hoặc xuất hiện các vết nứt, rò rỉ.
Dạng đột quỵ này phổ biến nhất là kết hợp giữa huyết áp cao với triệu chứng phình động mạch não, bị dị dạng mạch máu não bẩm sinh, rối loạn đông máu hay trường hợp bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc chống đông.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng thiếu máu não thoáng qua. Đây chỉ là cơn đột quỵ nhỏ với mạch máu cung cấp cho não bộ bị giảm tạm thời. Các triệu chứng dấu hiệu bệnh đột quỵ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng người bệnh không nên xem thường.
3. Những nguyên nhân gây ra bệnh đột quỵ
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đột quỵ nguy hiểm. Trong đó bao gồm các yếu tố không thể thay đổi và yếu tố bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Yếu tố không thể thay đổi
Tuổi tác: Bất cứ độ tuổi nào cũng có nguy cơ bị bệnh đột quỵ. Tuy nhiên, người gia có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn. Từ sau 55 tuổi trở đi, cứ mỗi 10 năm thì nguy cơ mắc đột quỵ lại tăng gấp đôi.
Giới tính: Nam giới và nữ giới đều có nguy cơ đột quỵ. Nhưng tỉ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới.
Tiền sử gia đình: Những người có người thân bị đột quỵ dễ có nguy cơ mắc bệnh hơn người bình thường.
Yếu tố bệnh lý
Tiền sử đột quỵ: Những bệnh nhân từng mắc bệnh đột quỵ dễ tái phát trong những lần tiếp theo. Tình trạng này kéo dài khoảng 5 năm và giảm dần theo thời gian.
Bệnh đái tháo đường: Những người mắc bệnh đái tháo đường nguy cơ đột quỵ cao.
Huyết áp cao: Cao huyết áp dẫn đến sự gia tăng sức ép lên thành động mạch, khiến các động mạch bị tổn thương và gây xuất huyết não. Ngoài ra, căn bệnh này còn ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu lên não dẫn đến nguy cơ bệnh đột quỵ.
Mỡ máu: Mỡ máu cao tích tụ trên thành động mạch, gây cản trở lưu thông máu.
Bệnh béo phì: Những đối tượng này dễ mắc nhiều bệnh như tim mạch, cao huyết áp, mỡ máu,... Từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Hút thuốc, rượu bia: Những người nghiện thuốc lá, thường xuyên sử dụng các chất kích thích, rượu bia có nguy cơ mắc bệnh đột quỵ cao.
Lối sống không lành mạnh: Chế độ sinh hoạt thiếu khoa học, ăn uống không điều độ, lười vận động cũng là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.
4. Các dấu hiệu của bệnh đột quỵ
Những dấu hiệu bệnh đột quỵ thường dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề về sức khỏe khác. Nhưng bạn không nên xem nhẹ và nắm đầy đủ các dấu hiệu dưới đây sẽ giúp bạn phát hiện sớm căn bệnh đột quỵ nguy hiểm để kịp thời cấp cứu người bệnh.
Biểu hiện của bệnh đột quỵ qua thị lực
Những người mắc bệnh đột quỵ thường bị mờ cả hai mắt hoặc một bên. Biểu hiện này tuy không rõ ràng nhưng bạn cũng không nên bỏ qua.
Dấu hiệu ở mặt
Mặt người bệnh thường có biểu hiệu thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung lệch, cánh mũi, má đều trở nên yếu và rũ xuống. Nhất là khi người bệnh nói chuyện hay cười thì dấu hiệu méo miệng, thiếu cân xứng trên mặt thể hiện rõ.
Dấu hiệu báo trước cơn đột qụy ở tay, chân
Người bệnh cảm thấy tay, chân nhức khỏi, khó vận động và thao tác. Nhiều trường hợp đi lại khá khó khăn, vấp ngã hay không đứng vững.
Dấu hiệu qua giọng nói
Đây là một trong những dấu hiệu bệnh đột quỵ thường gặp. Bệnh nhân xuất hiện tình trạng nói ngọng bất thường, khó mở miệng, môi lưỡi bị tê cứng, phát âm khó khăn.
Dấu hiệu qua nhận thức
Biểu hiện của tình trạng đột quỵ là rối loạn trí nhớ, nhận thức kém, ù tai không nghe rõ.
Dấu hiệu ở thần kinh
Người bệnh bị nhức đầu dữ dội. Đây là dấu hiệu bệnh đột quỵ nặng, nhất là với những bệnh nhân có tiền sử đau nửa đầu.
Dấu hiệu đau
Người bệnh đột quỵ thường cảm thấy đau thắt ngực, tim đập nhanh khó chịu.
5. Biến chứng, tác hại bệnh đột quỵ
Tùy vào mức độ nghiêm trọng và phần não bộ bị ảnh hưởng mà bệnh đột quỵ để lại những biến chứng, tác hại tạm thời hay vĩnh viễn cho người bệnh.
Liệt vận động
Có thể là liệt nửa người, liệt tay chân, liệt mặt sau cơn đột quỵ. Tình trạng này gây khó khăn cho người bệnh trong các sinh hoạt hàng ngày. Về lâu dài sẽ khiến người bệnh gặp các biến chứng như viêm đường hô hấp, viêm phổi, da lở loét,...
Rối loạn nhận thức
Tỉ lệ rối loạn nhận thức sau tai biến mạch máu não khoảng 60%. Biến chứng này được biểu hiện như suy giảm trí nhớ, không tỉnh táo, mất khả năng định hướng, không nhận biết được người thân,...
Khó khăn trong giao tiếp, ăn uống
Đây là một trong những biến chứng phổ biến của đột quỵ, khiến người bệnh ăn uống khó khăn, khó diễn đạt bằng lời nói, thậm chí là không nói được.
Tiểu tiện không tự chủ
Não bộ bị tổn thương dẫn đến hoạt động điều khiển đại/tiểu tiện bị rối loạn. Ngoài ra, rối loạn nhận thức và cảm giác cũng khiến bệnh nhân không kiểm soát được việc tiểu tiện.
Rối loạn tâm lý
Bệnh nhân sau tai biến thường mất khả năng tự chăm sóc bản thân. Điều này khiến họ cảm thấy tự ti, trầm cảm.
Rối loạn thị giác
Biến chứng này có thể xảy ra tạm thời hoặc vĩnh viễn. Mắt bị mờ cả hai bên hay chỉ một bên. Nếu không được chữa trị và hồi phục ở giai đoạn sớm thì nguy cơ mất thị giác vĩnh viễn càng cao.
6. Cách phòng ngừa bệnh đột quỵ
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, ngũ cốc, hạn chế các thức ăn nhiều đường, dầu mỡ, cholesterol,... sẽ giúp cơ thể tránh các bệnh liên quan đến tim mạch, mỡ máu. Từ đó phòng tránh bệnh đột quỵ hiệu quả.
Luyện tập thể dục thường xuyên
Duy trì các bài tập thể dục, các môn thể thao phù hợp hàng ngày sẽ giúp tăng cường tuần hoàn máu, nâng cao sức khỏe. Lời khuyên tốt nhất là tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày, ít nhất 4 lần/ tuần để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
Giữ ấm cơ thể
Cơ thể bị nhiễm lạnh đột ngột có thể làm tăng huyết áp, áp lực máu gia tăng khiến mạch máu bị vỡ. Vì vậy, bạn cần giữ ấm cơ thể, nhất là những người lớn tuổi trong những ngày giao mùa.
Bỏ thuốc lá
Đây là một trong các nguyên nhân chính làm tăng khả năng bệnh đột quỵ. Hơn nữa, thuốc lá còn gây hại cho sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện các dấu hiệu bệnh đột quỵ để từ đó có thể can thiệp kịp thời và phòng tránh hiệu quả. Đặc biệt là những người mắc các bệnh tim mạch, mỡ máu, tiểu đường,... cần đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....