Nội dung bài viết
- 1. Bệnh rosacea là gì?
- 2. Những dấu hiệu triệu chứng bệnh rosacea
- 3. Nguyên nhân gây bệnh trứng cá đỏ rosacea
- 4. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh rosacea khiến da mặt bị đỏ và rát
- 5. Diễn biến của bệnh rosacea
- 6. Điều gì xảy ra nếu không chữa bệnh đỏ mặt?
- 7. Các phương pháp khám chữa bệnh đỏ mặt rosacea
- 8. Những lưu ý trong cách chữa bệnh rosacea
Bệnh rosacea là một trong những căn bệnh về da khá phổ biến. Bệnh này dễ bị nhầm lẫn với mụn trứng cá, dị ứng hay các vấn đề về da khác. Nếu không được phát hiện và chữa trị sớm, bệnh rosacea có xu hướng tăng theo thời gian. Cùng bài viết tìm hiểu về các triệu chứng, biểu hiện và cách chữa trị bệnh rosacea một cách nhanh chóng và hiệu quả.
1. Bệnh rosacea là gì?
Bệnh rosacea (hay còn gọi là chứng đỏ mặt) là một bệnh da liễu mãn tính thường gặp gây ra các vết mẩn đỏ, mụn đỏ hay mụn mủ. Tình trạng này là do sự giãn nở bất thường của các mạch máu trên da, khiến da trở nên ửng đỏ ở các vùng như mũi, cằm, má và trán. Nhiều trường hợp bệnh rosacea còn xuất hiện ở ngực, lưng hay cổ. Về lâu dài, các vết màu đỏ này sẽ phát triển nhiều hơn, các mạch máu cũng có thể nhìn thấy rõ hơn.
Bệnh Rosacea khiến người bệnh cảm thấy khó chịu như bị kích ứng, chảy nước mắt, làm mắt đỏ ngầu rất đáng sợ. Hơn nữa, bệnh còn gây mất thẩm mỹ, khiến người bệnh mất tự tin trong giao tiếp, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và các mối quan hệ xã hội.
2. Những dấu hiệu triệu chứng bệnh rosacea
Những triệu chứng và dấu hiệu của bệnh rosacea thường bùng phát trong một thời gian từ vài tuần đến vài tháng sau đó giảm dần. Đây là một căn bệnh có biểu hiện dễ bị nhầm lẫn với mụn trứng cá, bệnh dị ứng hay các bệnh về da khác. Dưới đây là những dấu hiệu triệu chứng của bệnh rosacea (chứng đỏ mặt) bạn có thể dễ dàng nhận biết.
Các triệu chứng, biểu hiện bệnh rosacea thường gặp
Da bị ửng đỏ: Nhiều bệnh nhân rosacea thường có tiền sử da bị ửng đỏ. Tình trạng này có thể xuất hiện và biến mất nhưng được xem là dấu hiệu sớm của bệnh.
Da bị đỏ liên tục: Người bệnh da bị đỏ liên tục giống như bị cháy nắng và không biến mất.
Mụn đỏ hay mụn mủ: Trên da xuất hiện các vết mụn đỏ, mụn mủ và phát triển thành bệnh rosacea. Đôi khi các vết mụn này trông giống như mụn trứng cá nhưng không có mụn đầu đen. Người bệnh cũng có cảm giác nóng hay châm chích ở các vết mụn.
Các mạch máu xuất hiện: Các mạch máu nhỏ xuất hiện ngày càng rõ trên da.
Các triệu chứng khác của bệnh trứng cá đỏ rosacea
Kích ứng mắt: Bệnh rosacea sẽ khiến người bệnh bị kích ứng mắt, chảy nước mắt hay bị đỏ mắt. Ngoài ra, bệnh còn gây ra mụn lẹo, sưng và đỏ mí mắt. Khi bệnh trở nặng sẽ khiến giác mạc bị tổn thương, thậm chí gây mất thị lực.
Cảm giác nóng, da bị châm chích: Bên cạnh các vết mụn đỏ thì vùng da bị chứng đỏ mặt trở nên nóng rát, bị châm chích hay ngứa ngáy khó chịu.
Da khô: Da bị thô ráp và khô.
Da đóng mảng: Các mảng đỏ bắt đầu hình thành nhưng không thay đổi các vùng da xung quanh.
Da bị dày: Những tế bào thừa trên da do mắc bệnh rosacea khiến da trở nên dày hơn. Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở mũi, làm mũi bị phình to còn gọi là mũi sư tử.
Trên đây là những dấu hiệu triệu chứng thường gặp của bệnh rosacea. Các vùng da trên mặt hay các vùng lân cận như cổ, ngực tai là nơi bệnh phát triển nhiều nhất.
3. Nguyên nhân gây bệnh trứng cá đỏ rosacea
Bệnh rosacea cho đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác. Theo các bác sĩ chuyên khoa, sự rối loạn tổng thể các mạch máu là nguyên nhân chính của căn bệnh này. Nhiều nghiên cứu khác lại cho rằng, bệnh rosacea là do nấm, ve, tâm lý hay sự bất thường của các liên kết dưới da gây nên. Một số trường hợp bệnh do yếu tố môi trường gây ra như nhiệt độ, ánh sáng mặt trời, gió,...
Và các hoạt động sinh hoạt thiếu khoa học thường ngày như tập luyện thể thao cường độ nặng, nghiện rượu, làm việc căng thẳng,... khiến cho tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
4. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh rosacea khiến da mặt bị đỏ và rát
Tất cả mọi người đều có thể mắc bệnh rosacea (chứng đỏ mặt). Nhưng những người da trắng và những người dễ bị đỏ da mặt là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh rosacea. Bệnh này xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Và một khi nam giới mắc bệnh rosacea thì tình trạng bệnh lại nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, yếu tố gen cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra căn bệnh đỏ mặt này. Bệnh sẽ tiến triển và nặng hơn nếu không được chữa trị kịp thời.
5. Diễn biến của bệnh rosacea
Bệnh rosacea thường diễn biến qua 4 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: Xuất hiện các cơn đỏ mặt, mặt cảm giác nóng, rát như uống rượu, đỏ mặt từng lúc.
Giai đoạn 2: Chứng đỏ mặt, ban đỏ kéo dài thường xuyên ở các vùng da trên mặt như má, mũi kèm theo sự co dãn các mao mạch.
Giai đoạn 3: Ban đỏ kéo dài, các mao mạch bị dãn, da bắt đầu nổi các vết sần và mụn mủ, sần đỏ hình tròn 2-3mm, mụn mủ nhỏ dưới 1mm.
Giai đoạn 4: Ban đỏ nổi sâu hơn, mao mạch giãn chi chít, các vết sần, mụn mủ và các cục hình tròn màu đỏ đục, vùng giữa có thể có các phù cứng, có cả trứng cá.
6. Điều gì xảy ra nếu không chữa bệnh đỏ mặt?
Bệnh rosacea nếu không được chữa trị kịp thời, về lâu dài khuôn mặt người bệnh sẽ bị đỏ vĩnh viễn. Hoặc không được điều trị đúng cách, bệnh sẽ lây lan và nặng hơn. Nhiều trường hợp bệnh nhân rơi vào trạng thái trầm cảm, lo âu vì vẻ bề ngoài mất thẩm mỹ của da.
7. Các phương pháp khám chữa bệnh đỏ mặt rosacea
Hiện nay có nhiều cách để điều trị bệnh rối loạn da mãn tính rosacea. Mục tiêu chính của cách điều trị bệnh đỏ mặt là kiểm soát các dấu hiệu triệu chứng và cần thời gian để cải thiện và phục hồi làn da.
Tùy vào tình trạng và giai đoạn phát triển của bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị phù hợp. Một số cách chữa bệnh rosacea thường gặp như dùng thuốc, kem, mỡ kháng sinh để chống viêm, kháng khuẩn, chống oxy hóa cho da, sử dụng thuốc uống theo liều lượng chỉ định của bác sĩ...
Ngoài ra với trường hợp bị giãn mạch, mũi sư tử thì điều trị bằng phương pháp đốt tia laser, đốt điện để giảm thiểu các triệu chứng mặt đỏ. Tuy nhiên cách này có thể gây phồng rộp, để lại sẹo và không giúp điều trị tận gốc.
8. Những lưu ý trong cách chữa bệnh rosacea
Đối với các bệnh nhân mắc chứng đỏ mặt cần lưu ý những vấn đề dưới đây khi chăm sóc da:
- Dùng nước ấm để làm sạch da.
- Dùng kem chống nắng có chỉ số SPF trên 15 và PA ++ trở lên để giúp da chống lại những tia cực tím có hại.
- Sử dụng các loại kem dưỡng ẩm phù hợp để làm dịu các vùng da bị tổn thương, giúp da dễ chịu và đỡ thô ráp.
- Tránh ma sát, kích thích các vùng da bị mẩn đỏ, mụn mủ,... như nặn, lễ mụn...
- Tránh các loại mỹ phẩm có thành phần dễ gây kích ứng với da hay có tác dụng làm se khít lỗ chân lông, chống thấm nước. Ngoài ra, những loại mỹ phẩm có chứa long não, tinh dầu bạc hà,... đều không tốt cho da bị bệnh rosacea. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn lựa loại mỹ phẩm thích hợp.
- Hạn chế sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, tránh những nơi có nhiệt độ cao, nhiều ánh nắng và gió,...
- Kiêng các loại thực phẩm chứa nhiều gia vị, các thức uống có cồn như bia, rượu, cà phê, thuốc lá,...
- Tránh làm việc căng thẳng, giữ tinh thần thoải mái, thư giãn để tình trạng bệnh được cải thiện.