Sữa mẹ có mối quan hệ chặt chẽ và có tính chất quyết định đối với tình trạng dinh dưỡng của trẻ nhỏ. Sữa mẹ giống như liều vắc-xin đầu tiên của trẻ sơ sinh, bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các căn bệnh nguy hiểm tiềm ẩn và cung cấp cho trẻ tất cả các dưỡng chất cần thiết để trẻ tồn tại và phát triển.

Cho trẻ bú sớm

Cho trẻ da kề da với mẹ ngay sau khi sinh. Việc này sẽ giúp giữ ấm cho trẻ và giúp trẻ dễ thở, giúp trẻ có thể ngậm bắt vú dễ dàng và giúp mẹ con thấy gần gũi với nhau hơn.

Cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ đầu sau khi sinh. Bú sớm giúp trẻ tập bú mẹ khi vú mẹ còn mềm và giúp co hồi tử cung mẹ, giúp mẹ giảm mất máu.

Phương pháp da kề da - Ảnh minh họa: Internet

Cho trẻ bú sữa non. Sữa non là loại sữa có màu vàng và đặc rất tốt cho sức khỏe của trẻ. Sữa non giúp trẻ phòng ngừa nhiều bệnh và đào thải phân su để trẻ bớt bị vàng da sau sinh.

Cho trẻ bú thường xuyên sẽ giúp mẹ nhanh “xuống sữa” và sản xuất nhiều sữa hơn.

Không nên cho trẻ uống nước hoặc các dung dịch khác trong những ngày đầu sau sinh. Việc làm này không cần thiết và gây các vấn đề không tốt cho sức khỏe trẻ sơ sinh (không đảm bảo dinh dưỡng cần thiết cho trẻ, không đảm bảo vệ sinh thực phẩm gây nhiễm khuẩn...).

Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời

Sữa mẹ cung cấp đầy đủ thức ăn và nước uống mà trẻ cần trong 6 tháng đầu đời.

Không cho trẻ ăn/uống gì khác, kể cả nước trắng trong 6 tháng đầu.

Ngay cả khi trời nóng, sữa mẹ cũng đủ để giải khát cho trẻ.

Việc cho trẻ ăn/uống ngoài sữa mẹ sẽ làm giảm việc bú mẹ của trẻ và do đó sẽ làm mẹ giảm tiết sữa.

Nước trắng và các loại dung dịch/ thức ăn khác có thể làm trẻ bị bệnh.

Trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu - Ảnh minh họa: Internet

Cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu cả ngày lẫn đêm để tăng cường khả năng tạo sữa của mẹ
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ nhưng với điều kiện mẹ phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Thiếu dinh dưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ, gây khó khăn trong việc chăm sóc con và cho con bú.

Mẹ thiếu dinh dưỡng có thể hạn chế khối lượng và chất lượng sữa, giảm nguồn cung cấp thức ăn lý tưởng nhất cho trẻ, là nguyên nhân suy dinh dưỡng, tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong cho trẻ.

Vì vậy lưu ý mẹ không nên ăn uống kiêng khem mà cần ăn đa dạng thực phẩm, đảm bảo đủ đạm, béo, chất bột, vitamin và khoáng chất.

Cho trẻ ăn dặm khi đủ 6 tháng tuổi

Từ 6 tháng tuổi nhu cầu phát triển thể chất của trẻ tăng nhiều vì vậy nhu cầu dinh dưỡng của trẻ cũng tăng lên và sữa mẹ không thể đáp ứng nhu cầu này.

Do đó, cần cho trẻ ăn bổ sung ngoài sữa mẹ, chứ không hoàn toàn thay thế được sữa mẹ để cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Thức ăn bổ sung phải là các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và đủ về mặt số lượng để trẻ có thể tiếp tục phát triển.

Khi đủ 6 tháng tuổi, mẹ cần cho trẻ ăn bổ sung - Ảnh minh họa: Internet

Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, từ 6 - 12 tháng tuổi, cần tiếp tục cho trẻ bú mẹ bên cạnh ăn bổ sung vì sữa mẹ tiếp tục cung cấp hơn một nửa nhu cầu dinh dưỡng của trẻ và từ 12 - 24 tháng, sữa mẹ cung cấp ít nhất một phần ba nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.

Ngoài ra, sữa mẹ còn tiếp tục cung cấp các yếu tố kháng khuẩn bảo vệ trẻ khỏi mắc nhiều loại bệnh, mang lại sự gần gũi và gắn bó giúp trẻ phát triển về mặt tâm lý.