Cả nhà 4 F0 hồi phục nhờ nước dừa

Chị Nguyễn Thị Huyền (quận 9, TP.HCM) cho biết, tháng 11 cả gia đình chị 4 người đều trở thành F0. Dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng chị Huyền và chồng vẫn bị Covid-19 'hành' với những cơn sốt lên tới 40 độ C, người mệt mỏi, cảm giác không còn sức sống. Suốt thời gian đó, ngoài uống thuốc do bác sĩ kê chị Huyền và chồng uống nước dừa do chị không uống được orezol.

Nhờ có uống nước dừa mỗi ngày 2 quả nên chị Huyền thấy dù sốt cao nhưng da dẻ không quá hanh khô, không bị rối loạn điện giải. Còn chồng chị Huyền không chỉ sốt anh còn bị tiêu chảy và nước dừa giúp anh bù điện giải tốt hơn rất nhiều.

Đặc biệt, con gái chị Huyền 5 tuổi nhưng bé nặng 26 kg cũng bị sốt cao khó hạ sốt. Ngoài sử dụng 4 tiếng 1 lần hạ sốt, chườm ấm, chị cũng tranh thủ cho con uống nước dừa để hạ sốt, bù mất nước.

PGS-TS Phạm Duệ, nguyên Trưởng khoa chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng từng đề xuất tới các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 cung cấp nước dừa xiêm (hoặc dừa các loại) để bổ sung năng lượng và điện giải cho người bệnh.

TS DS. Nguyễn Thành Triết - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 3, cho biết dừa là dạng trái cây tự nhiên, nó là một loại đồ uống giải khát và bổ dưỡng được tiêu thụ rộng rãi do các đặc tính có lợi cho sức khỏe.

Người ta cho rằng nước dừa có thể được sử dụng như một chất thay thế quan trọng để bù nước bằng đường uống và thậm chí có thể dùng như vậy để bù nước qua đường tĩnh mạch cho bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa. Nước dừa cũng có thể bảo vệ chống lại chứng nhồi máu cơ tim, việc tiêu thụ thường xuyên nước dừa có hiệu quả trong việc mang lại kiểm soát tăng huyết áp.

Nước dừa chứa nhiều các cytokinin là một nhóm thuộc về hormone thực vật, bao gồm một số chất tiêu biểu như kinetin, trans-zeatin, dihydrozeatin, các gibberellins …. có tác dụng chống lão hóa, ngăn ngừa các yếu tố gây ung thư và chống đông máu.

Các vi chất dinh dưỡng khác có thể thấy trong nước dừa như các ion vô cơ (kali, natri, canxi, magne, selen, đồng, kẽm,…) có thể dùng như một thức uống bù nước hiệu quả nhằm bổ sung các chất điện giải của cơ thể bị mất đi khi bài tiết qua mồ hôi cũng như duy trì một số chức năng khác.

Ngoài ra, nước dừa còn chứa đường, chất béo, acid amin, acid hữu cơ và các enzyme, các vitamin (B1, B2, B3, B5, B6, B7, B9, vitamin C…) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia vào quá trình xúc tác một số phản ứng hóa sinh, góp phần trong việc duy trì chức năng sinh lý bình thường của cơ thể.

Nước dừa có thể xem là một vị thuốc có tác dụng hạ cholesterol, trị sỏi thận, kích thích miễn dịch, kích thích sinh sản, bù nước trong trường hợp tiêu chảy hay luyện tập thể thao.

Mặc dù rất tốt, nhưng việc bổ sung nước dừa cần đúng cách mới mang lại hiệu quả và tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn

- Theo khuyến cáo của Trương Phan Hồng Hà, Khoa Y, Đại học VinUni, lượng nước dừa cần thiết để uống mỗi ngày phụ thuộc vào độ tuổi, mức độ hoạt động, tình trạng sức khỏe và các yếu tố đi kèm khác của cơ thể.

- Tuy nhiên, dựa vào giá trị dinh dưỡng, các chuyên gia khuyên người trưởng thành có thể uống 1-2 cốc nước dừa (khoảng 240 ml)/ngày. Còn với những người bị huyết áp thấp, suy thận, tiểu đường,  hoặc có rối loạn điện giải cần thận trọng và cần hỏi ý kiến bác sĩ.

- Đặc biệt vì nước dừa là thức uống rất giàu kali, nên những người tiểu đường hay suy thận, đang uống các thuốc giữ kali tránh uống quá nhiều vì có thể gây tình trạng tăng kali huyết. Với những người bị xơ nang cũng cân nhắc nếu uống quá nhiều nước dừa.