Thịt lợn dồi dào năng lượng, protein, vitamin nhóm B và các dưỡng chất thiết yếu khác. Thịt lợn rất dễ ăn, giàu giá trị dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro đối với sức khỏe nếu ăn quá nhiều.

Ảnh minh họa

5 cách ăn thịt lợn để không bị tăng cân

Thịt lợn là thực phẩm giàu dinh dưỡng cần thiết để duy trì cơ thể khỏe mạnh. Nếu biết cách ăn hợp lý, thịt lợn không gây tăng cân mà ngược lại còn giúp kiểm soát cân nặng. Dưới đây là gợi ý về cách ăn thịt lợn tốt cho việc giảm cân.

Chỉ ăn thịt lợn nạc

Thịt nạc lợn chứa ít calo hơn so với thịt mỡ. Vì vậy, bạn nên chọn những phần thịt lợn chứa nhiều nạc như thịt nạc thăn, thịt nạc vai. Hạn chế ăn phần thịt lợn có nhiều mỡ như thịt ba chỉ, thịt đầu lợn,…

Không ăn quá nhiều

Theo các chuyên gia, ăn 200 - 300g thịt lợn mỗi ngày là đủ cung cấp hàm lượng protein cần thiết. Bạn không nên ăn nhiều vì chúng sẽ làm dư thừa đạm và năng lượng dẫn tới tăng cân, tăng nồng độ cholesterol trong máu.

Chế biến thanh đạm

Thay vì rang, xào nấu thịt lợn bằng dầu mỡ thì bạn nên chế biến thịt lợn theo những cách đơn giản như luộc, hấp, nướng. Theo thống kê, 100g dầu ăn chứa tới 884.1 calo, 100g mỡ lợn chứa khoảng 897.7 calo. Nó làm tăng năng lượng trong món ăn và nguy cơ gây thừa cân, béo bụng.

Ảnh minh họa

Ăn nhiều rau củ quả

Các loại rau củ quả chứa nhiều chất xơ, vitamin C là lựa chọn lý tưởng để giảm cân. Bạn nên kết hợp thịt lợn nạc với một số loại rau củ quả như: Cải xoăn kale, cải bó xôi, ớt chuông, táo, chuối, lê, xà lách, bắp cải,... Chúng sẽ hỗ trợ giải phóng năng lượng, đốt cháy chất béo từ bên trong.

Hạn chế tinh bột

Chế độ ăn kiêng tinh bột có hiệu quả giảm cân rất tốt. Nguyên tắc của chế độ này là cắt giảm tinh bột và tăng rau củ, protein. Ăn thịt lợn giúp cung cấp hàm lượng protein dồi dào, kết hợp rau củ quả và hạn chế tinh bột sẽ kiểm soát được cân nặng. Nhưng cần lưu ý không nên loại bỏ hoàn toàn tinh bột mà chỉ giảm khẩu phần ăn ít hơn so với bình thường.

4 nhóm người ăn thịt lợn càng ít càng tốt

Ảnh minh họa

Người mắc bệnh thừa cân, béo phì

Đây là căn bệnh phổ biến trên thế giới vào thời điểm này, những người nằm trong danh sách béo phì rất khổ sở khi phải tuân thủ đúng chế độ dinh dưỡng để kiểm soát cân nặng của mình.

Tuy nhiên, người mắc bệnh béo phì vẫn có thể ăn thịt lợn, nhưng nên ăn thịt nạc thay vì thịt mỡ. Bởi thịt nạc chứa nhiều protein còn thịt mỡ chứa nhiều chất béo. Nếu ăn quá nhiều thịt mỡ sẽ dẫn đến chứng béo phì gây hại cho sức khỏe.

Người mắc bệnh sỏi thận

Sỏi thận là căn bệnh thuộc đường tiểu – sinh dục phổ biến thứ 3 sau các bệnh viêm nhiễm và tuyến tiền liệt. Một chế độ ăn lành mạnh dưới đây phần nào giúp bạn giảm tình trạng bệnh. Do vậy, bạn nên hạn chế ăn các loại thịt động vật như thịt lợn và thịt bò vì đây là những thực phẩm rất giàu protein. Bởi nhiều protein trong chế độ ăn uống sẽ khiến lượng oxalate trong nước tiểu tăng lên, hình thành các loại sỏi.

Người mắc bệnh gout

Nhiều người vẫn biết, bị bệnh gout phải hạn chế ăn các loại thịt đỏ (thịt bò). Tuy nhiên, rất nhiều người đặt câu hỏi: có cần phải hạn chế thịt lợn không?

Bàn về chế độ ăn cho người bị bệnh gout, Ths. BS Nguyễn Văn Tiến – Viện Dinh dưỡng Quốc gia phân tích, điều trị bằng chế độ ăn cho người bệnh gút thích hợp: vừa giảm tổng hợp axit uric vừa tăng đào thải axit uric qua thận. Chế độ ăn có vai trò rất quan trọng trong điều trị cơn gút cấp tính, mãn tính và có tác dụng làm giảm các cơn cấp của gút mạn tính.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo, người có bệnh gút vẫn cần ăn chất đạm động vật nhưng không quá 100gam/ngày, thịt lợn chỉ nên ăn 2-3 lần/tuần, không nên thường xuyên chỉ ăn thịt lợn.

Người bị cao huyết áp, tim mạch

Đối với những người bị cao huyết áp, dinh dưỡng cũng chính là một "liều thuốc" để điều trị bệnh. Những loại thịt động vật như thịt lợn rất giàu protein nhưng nạp quá nhiều vào cơ thể có thể dẫn đến dư thừa, tăng cholesterol trong máu và dẫn đến nguy cơ xơ vữa động mạch, co mạch máu, từ đó tăng huyết áp.

Người bệnh cũng không cần kiêng hoàn toàn mà có thể kiểm soát một lượng vừa đủ trong thực đơn giảm cân để đảm bảo cơ thể vẫn hấp thụ đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Nên chọn phần thịt lợn chứa ít chất béo như thịt thăn. Theo chuyên gia, người bệnh cao huyết áp chỉ nên ăn khoảng 100gr thịt/ngày là phù hợp.