Là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính nên bệnh chân tay miệng ở trẻ em dễ lây lan từ người này sang người khác. Chính vì vậy, việc quan trọng trong điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em là giữ vệ sinh sạch sẽ và cách ly tốt. Căn bệnh này thường bùng phát vào mỗi dịp hè.

Bệnh tay chân miệng ở trẻ em là gì?

Bệnh tay chân miệng ở trẻ rất dễ bùng phát thành đại dịch

Bệnh tay chân miệng thường gặp nhiều nhất ở trẻ dưới 10 tuổi. Nguyên nhân là do enterovirus với nhiều loại như coxsackievirus, echovirus... gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Nếu nguyên nhân bệnh tay chân miệng do virus Coxsackievirus A16 gây ra thì là dạng bệnh thể nhẹ, không cần điều trị cũng tự khỏi. Tuy nhiên, nếu là do virus Enterovirus 71 (EV71) gây ra thì bệnh sẽ ở thể nặng, rất nguy hiểm. Có thể nguy hiểm đến tính mạng đến không có biện pháp điều trị đúng cách. Hầu như, bệnh chân tay miệng do virus Enterovirus 71 (EV71) gây ra sẽ dễ để lại các biến chứng về các vấn đề thần kinh, viêm màng não, viêm não, ảnh hưởng hệ hô hấp…

Nguồn lây bệnh chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như nhà trẻ, mẫu giáo… có nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát. Vì thế, các bậc phụ huynh cần phải chú ý, để có thể bảo vệ con mình một cách an toàn và tốt nhất.

Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Bệnh chân tay miệng ở trẻ em được chia làm 2 loại: nặng và nhẹ, nên dấu hiệu nhận biết cũng có sự khác nhau.

Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ em thể nhẹ

+ Trẻ bị sốt: Bé chỉ sốt nhẹ, sốt cao nhưng dễ hạ. Nếu sốt cao mà không hạ sốt được thì đó là dấu hiệu bệnh nặng.

+ Tổn thương da xuất hiện: Mẹ sẽ thấy trên da của bé rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối…

+ Trẻ mệt mỏi, bỏ ăn: Ở một số trẻ em sẽ có dấu hiệu bỏ ăn, nôn, tăng tiết nước bọt, bị tiêu chảy và quấy khóc nhiều.

Khi phát hiện trẻ có bất cứ dấu hiệu nào ở trên thì các bậc phụ huynh hãy đưa trẻ đi gặp bác sĩ để được chẩn đoán và xử lý kịp thời.

Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ em thể nặng

Ở thể nặng, bệnh tay chân miệng khiến trẻ sốt và không hạ

+ Trẻ sốt cao không hạ: Ở thể nặng, trẻ thường sốt cao trên 38,5 độ, dù đã uống paracetamol nhưng quá 48 giờ vẫn không hạ.

+ Trẻ quấy khóc dai dẳng và kéo dài: Rất nhiều trẻ quấy khóc cả đêm, cứ 15 - 20 phút lại tỉnh giấc và quấy khóc. Lúc này trẻ đã rơi vào tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn sớm.

+  Trẻ giật mình: Là biểu hiện của nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ hãy chú ý quan sát xem tình trạng này có xuất hiện với tần suất tăng theo thời gian hay không.

Bệnh chân tay miệng ở trẻ em thể nặng là rất nguy hiểm, vì thế các bậc phụ huynh cần lập tức đưa trẻ tới bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và theo dõi tình hình sát sao.

Bệnh tay chân miệng bao lâu thì khỏi?

Theo các bác sĩ chuyên khoa, thực chất bệnh tay chân miệng là bệnh lành tính, ở thể nhẹ có thể chữa khỏi tại nhà. Có nghĩa là bệnh tay chân miệng cấp độ 1 sẽ khỏi sau 7 - 10 ngày tính từ lúc phát bệnh (dạng sốt nhẹ). Tuy nhiên, nếu không được điều trị và chăm sóc kịp thời, bệnh có thể chuyển sang độ nặng hơn. Khi bệnh ở thể nặng sẽ mất rất nhiều thời gian để hồi phục. Thời gian khỏi phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bé và bệnh đang phát triển ở giai đoạn nào. Để trẻ nhanh khỏi bệnh thì các phụ huynh cần bổ sung nước cho trẻ để tránh mất nước do sốt cao, cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu như súp, cháo.

Cách điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Trẻ cần được điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm

Bệnh tay chân miệng do nhiều loại virus gây nên, vì thế không có thuốc đặc trị. Bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, có thể cho trẻ uống paracetamol hoặc ibuprofen để giúp giảm đau miệng hoặc cổ và thuốc bổ trợ trong điều trị được bác sĩ chỉ định. Dù ở thể nhẹ hay nặng thì khi đã mắc bệnh tay chân miệng các bậc phụ huynh cần phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được chỉ dẫn chữa trị bởi bác sĩ chuyên khoa.

Các bố mẹ tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc chữa trị cho trẻ. Tất cả các loại thuốc cho trẻ uống đều phải có sự chỉ định của bác sĩ. Bất cứ loại thuốc bôi hay một bài thuốc dân gian nào chữa trị cho trẻ mà không được chỉ định bởi bác sĩ thì không nên áp dụng. Tất cả phải thực hiện đúng theo yêu cầu và đơn thuốc bác sĩ kê.

Trong quá trình điều trị, trẻ bị tay chân miệng không cần kiêng nước nên các bậc phụ huynh hãy tắm rửa sạch sẽ cho trẻ, giúp da khô thoáng, sạch vi khuẩn, đỡ ngứa ngáy... Tuy nhiên khi tắm gội nên nhẹ nhàng tránh làm vỡ bọng nước gây đau rát cho trẻ.