PGS.TS BS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa bệnh viện Nhi đồng 1 với bệnh viện tuyến tỉnh qua hệ thống hội chẩn trực tuyến, các bác sĩ đã góp phần phát hiện xử trí kịp thời hai trường hợp bị biến chứng do bệnh tay chân miệng ở cấp độ rất nặng (độ 4).
Bệnh nhi là hai bé trai, mới 2 tuổi, bị mắc tay chân miệng vào tuần trước, được gia đình đưa vào bệnh viện tuyến dưới điều trị. Tuy nhiên, quá trình điều trị, sức khỏe của hai bé không những không thuyên giảm mà còn trở nên nguy hiểm do vi rút tay chân miệng gây biến chứng thần kinh.
Bé Đặng Thành T. (2 tuổi, ngụ tại Cái Nước, Cà Mau) bị sốt, nghi ngờ bị tay chân miệng nên gia đình chuyển bé vào bệnh viện Sản Nhi Cà Mau điều trị. Tại đây, bệnh nhi sốt cao, co giật, yếu chi, nổi hồng ban tay, chân, tình trạng hô hấp kém.
Nhận định đây là một ca mắc tay chân miệng có nguy cơ diễn tiến bất thường, khả năng biến chứng cao nên bác sĩ bệnh viện Sản Nhi Cà Mau đã liên lạc với bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1 để hội chẩn trực tuyến qua điện thoại thông minh. Nhờ hội chẩn trực tuyến, bác sĩ bệnh viện Sản Nhi Cà Mau đã truyền tải hình ảnh bóng nước, kết quả xét nghiệm, các cơn co giật cũng như thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình sức khỏe của bé T.
Dù đã hồi sức tích cực theo phác đồ điều trị tay chân miệng và đặt nội khí quản…. nhưng tình hình bé T vẫn không cải thiện. Đến chiều 6/11, qua lần hội chẩn trực tuyến tiếp theo, bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận thấy bệnh nhi bị co giật, huyết động học tăng cao (từ 200-210, trong khi người bình thường chỉ khoảng 100), nguy cơ gây suy tim, phù phổi cấp….
Ngay lập tức bác sĩ hai bệnh viện đã thống nhất phương án khẩn trương chuyển bé T. lên TPHCM để điều trị. 3h sáng 7/11, bé T được chuyển tới bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu.
Quá trình vận chuyển từ Cà Mau về TPHCM, các bác sĩ trên xe cứu thương đã thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình sức khỏe của bé T. cho bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 1 sẵn sàng các phương tiện cấp cứu như máy thở, máy tóm lọc máu, cơ số thuốc.
Bệnh nhi T. nhập viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng bệnh tay chân miệng biến chứng ảnh hưởng thần kinh, hô hấp kém, lơ mơ, co giật… Ngay sau đó, bé được hỗ trợ máy thở, tóm lọc máu và dùng kháng sinh liều cao…
Sau 12 giờ, tình trạng bệnh nhi đã có nhiều tiến triển, huyết động học giảm xuống còn khoảng 150. Sau hơn 1 tuần điều trị, hiện bé T. đã cai máy thở, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thân nhiệt gần như bình thường.
Trường hợp thứ hai, là bé Nguyễn Trọng T. (2 tuổi, ngụ tại Cần Thơ) cũng nhập viện Cần Thơ trong tình trạng tương tự bé T. ở Cà Mau. Cũng nhờ cảnh giác cao độ nên sau khi Hội chẩn trực tuyến cùng bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 1, bé trai này được chuyển về TPHCM cấp cứu kịp thời. Sau 5 ngày điều trị, hiện sức khỏe bệnh nhi cũng đã dần ổn định.
PGS.TS BS Phạm Văn Quang khuyến cáo, hiện tình hình bệnh tay chân miệng đang có dấu hiệu chững lại và đi xuống. Tuy nhiên, các phụ huynh vẫn nên cảnh giác phòng ngừa bệnh cho trẻ. Khi trẻ mắc bệnh với những triệu chứng sốt cao, uống thuốc không hạ sốt, run chi, nôn ói, thở bất thường… thì nên tới bệnh viện ngay.
Theo bác sĩ Quang, Tuy số ca mắc Tay chân miệng năm nay, so với TCM 2016, 2017 không nhiều bằng nhưng số ca nặng (độ 3-4) nhập viện điều trị thì lại cao hơn những năm trước do virut tay chân miệng năm nay thuộc tuyp có độc lực mạnh.