Bệnh sốt xuất huyết: Bác sĩ lưu ý khi nào nên nhập viện?
Thời điểm hiện tại đang là mùa cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết. Theo ghi nhận của Cục y tế dự phòng, số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước đã tăng hơn 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2018, đặc biệt tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.
Bệnh diễn biến phức tạp, có không ít trường hợp do chủ quan gây nên nguy hiểm cho chính tính mạng của mình
Tình hình bệnh sốt xuất huyết
Mới đây, khoa Nội lây Bệnh viện Y học Cổ truyền Hà Nội tiếp nhận một ca bệnh nhân nữ 23 tuổi nhập viện vì mệt nhiều. Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết đã sốt trước đó 4 ngày, kèm theo đau đầu, đau nhức hốc mắt, đau mỏi người.
Nghĩ là sốt virus thông thường nên bệnh nhân tự đi truyền 2 chai dịch mỗi ngày. Đến sáng ngày vào viện thấy người vẫn mệt nhiều, ăn uống kém, xuất hiện chảy máu chân răng khi đánh răng nên đi khám tại bệnh viện.
Sau khi làm các xét nghiệm cơ bản, bệnh nhân cho kết quả dương tính với Test Dengue NS1, chỉ số tiểu cầu giảm còn 87 G/l nên có chỉ định nhập viện để điều trị.
Ngày thứ 2 điều trị tại khoa Nội tổng hợp, bệnh nhân có ra máu âm đạo (dù mới sạch kinh nguyệt 2 tuần trước), tiểu cầu tiếp tục xuống còn 70 G/l. Được sự điều trị tích cực, kịp thời của các bác sĩ trong khoa, sau 6 ngày điều trị bệnh nhân đã dần hồi phục, ăn uống khá hơn, không còn tình trạng ra máu âm đạo và chảy máu chân răng, tiểu cầu lên 170 G/l, ổn định để xuất viện.
Hay như một trường hợp khác, bệnh nhân sau khi hết sốt thì nghĩ mình đã khỏi bệnh nên đã đi làm bình thường. Tuy nhiên, đến giữa buổi trưa bệnh nhân thấy người mệt rất nhiều, nên đã đi viện khám. Sau khi thăm khám, kết quả tiểu cầu của bệnh nhân giảm mạnh, còn 35 G/l. Bệnh nhân được nhập viện để theo dõi và điều trị.
Sốt xuất huyết khi nào cần nhập viện?
Bạn cần nhớ, bệnh sốt xuất huyết gồm 3 giai đoạn:
Giai đoạn sốt: Thường từ ngày thứ 1 – 3
Giai đoạn nguy hiểm: Thường vào ngày thứ 3 – 7 của bệnh, giai đoạn này bệnh nhân có thể hạ sốt hoặc hết sốt, khiến bệnh nhân sinh tâm lý chủ quan và không theo dõi tiếp bệnh của mình. Thậm chí có những bệnh nhân hết sốt lại tiếp tục đi làm. Nhưng đây chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết bởi những biến chứng sau:
Biến chứng tăng tính thấm thành mạch: Gây thoát dịch khỏi mạch máu biểu hiện bằng tràn dịch màng phổi, màng bụng, mô kẽ. Nếu thoát dịch quá nhiều sẽ dẫn tới tình trạng cô đặc máu, lại không được bù dịch kịp thời làm thiếu thể tích trong lòng mạch, bệnh nhân sẽ tụt huyết áp và sốc. Nếu không xử trí kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong trong một vài giờ.
Biến chứng hạ tiểu cầu trong máu: Gây ra chảy máu bất thường ở nhiều nơi như xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng. Thậm chí xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, băng kinh… và có thể dẫn đến tử vong nếu không được truyền tiểu cầu, cầm máu kịp thời.
Giai đoạn hồi phục: Thường sau giai đoạn nguy hiểm 24 – 48 giờ và kéo dài 2 – 3 ngày. Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên.
Do vậy, nếu bạn đột ngột sốt cao, kèm đau đầu, đau nhức hốc mắt… cần đi khám ngay để xác định rõ bệnh của mình. Bác sĩ có thể cho bạn xét nghiệm công thức máu, kiểm tra sự hiện diện của virus Dengue.
Nếu tình trạng không quá nguy hiểm (như cô đặc máu, giảm tiểu cầu nhiều..), bác sĩ sẽ cho bạn đơn thuốc về nhà và tự theo dõi tiếp bệnh của mình, khoảng 2 ngày khám lại một lần.
Khi bệnh vào giai đoạn nguy hiểm, bạn cần theo dõi thật sát tình trạng bệnh cũng như tình trạng chảy máu để đến cơ sở y tế kịp thời ngay khi có bất thường do bệnh sốt xuất huyết gây ra.
Bác sĩ Mai Ánh Điệp
Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....