Biến chứng của sỏi thận
Chị Bùi Lan Hương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu vì tình trạng người sốt cao, ớn lạnh, kèm theo cảm giác đau quặn vùng thắt lưng. Bác sĩ siêu âm phát hiện thận của bệnh nhân bị ứ dịch kèm theo nhiều sỏi thận ở vùng thận, bàng quang.
Bệnh nhân nhanh chóng được đặt dẫn lưu dịch ứ từ thận và điều trị kháng sinh liều cao để tránh tình trạng suy thận. Sau khi điều trị dẫn lưu, tình trạng viêm giảm bệnh nhân sẽ phải thực hiện nội soi gắp sỏi ra ngoài.
Chị Hương cho biết từ trước tới nay chị không hề biết mình bị sỏi thận vì các triệu chứng cũng không có. Thi thoảng bị đi tiểu buốt, chị chỉ cần uống thêm nước là hết hoặc uống thêm vài liều kháng sinh.
Không riêng chị Hương, bệnh nhân Vũ Ngọc Hải (54 tuổi, quê Lý Nhân, Hà Nam) cũng được cấp cứu vì tình trạng tổn thương thận nặng. Ông Hải đã phẫu thuật sỏi thận từ 8 năm trước và gần dây lại bị biến chứng của sỏi thận. Thận bị ứ mủ, bác sĩ phải dẫn lưu. Ông Hải kể trong gia đình không ai bị bệnh sỏi thận dù cùng ăn uống, cùng sử dụng nguồn nước như nhau.
Tại khoa Ngoại Tiết niệu Bệnh viện Đại học Y, các bác sĩ đã cấp cứu cho trường hợp bệnh nhân nam giới 61 tuổi phải cắt 1 bên thận do ứ thận, tắc đường tiểu lâu ngày bệnh nhân vẫn không tới bệnh viện khám mà đi chữa Đông y. Khi tới viện, thận trái đã mất hoàn toàn chức năng, bị teo nhỏ. Bác sĩ phải cắt bỏ vì biến chứng của sỏi thận.
Nhiều người nghĩ sỏi thận là bệnh lý lành tính và thường coi thường dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng hay gặp là nhiễm trùng đường tiểu, viêm đài bể thận, viêm thận kẽ thậm chí suy chức năng thận.
Dấu hiệu cảnh báo sỏi thận
PGS Đỗ Trường Thành, Trưởng khoa phẫu thuật Thận – Tiết niệu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cho biết sỏi thận là bệnh lý phổ biến ở đường tiết niệu của người Việt. Bác sĩ Thành cho biết tỷ lệ người bị sỏi thận, sỏi tiết niệu chiếm từ 50 – 60% các bệnh lý đường tiết niệu hiện nay. Bệnh xảy ra ở nam giới cao hơn nữ với tỷ lệ nam giới khoảng 60%.
Theo PGS Thành, người dân vẫn còn chưa quan tâm nhiều tới các bệnh lý về sỏi tiết niệu. Một số cho rằng đây là bệnh lành tính và chủ quan sống chung với sỏi, đến khi gây nhiều biến chứng mới tìm tới viện. Các trường hợp bệnh nhân như trên, PGS Thành cho biết không phải là hiếm gặp. Các ca đến khám nhiều ca biến chứng còn nặng hơn.
Nguyên nhân gây ra sỏi thận có rất nhiều từ khí hậu, địa dư và chế độ ăn uống. PGS Thành cho biết chế độ ăn uống là hay gặp nhất. Nhiều người có thói quen ăn uống dễ hình thành sỏi như sử dụng nhiều thức ăn chứa canxi oxalate như trà, sữa, phô mai, cafe, tỏi… Thói quen uống ít nước cũng khiến cơ thể dễ tạo sỏi.
Ngoài ra, việc sử dụng thuốc bừa bãi không theo tư vấn của bác sĩ cũng tạo thành gánh nặng thải độc cho thận và khiến thận có thể hình thành sỏi. Nhịn tiểu cũng là yếu tố gây nên sỏi thận. Sỏi thận do bệnh lý có thể gặp ở những người bị bệnh lý rối loạn tuyến giáp gây tăng canxi, hạ phốt pho. Một số người nằm bất động lâu cũng dễ tạo sỏi.
Nói đến biến chứng của sỏi thận, PGS Thành cho biết sỏi thận không điều trị tích cực có thể gây ra nhiều biến chứng. Các sỏi nhỏ di chuyển xuống bàng quang và kẹt tắc lại gây nên tình trạng ứ nước, ứ mủ thận, suy thận có tạo sỏi.
Sỏi ở đài bể thận sẽ gây ra các biến chứng viêm tiết niệu, viêm thận kẽ, viêm đài bể thận, giãn đài bể thận, ứ nước, ứ mủ thận, áp xe thận, viêm quanh thận xơ hoá thậm chí teo thận, mất chức năng cả hai thận.
Chính vì thế, PGS Thành nhấn mạnh khi có các dấu hiệu dưới đây, người bệnh cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị bệnh sỏi thận.
- Dấu hiệu thứ nhất: Đau âm ỉ vùng thắt lưng
- Dấu hiệu thứ hai: Đau quặn thận, đặc biệt là khi sỏi thận gây bít tắc bể thận, niệu quản
- Dấu hiệu thứ ba: Đái ra máu do sỏi thận di chuyển gây tổn thương niêm mạc đài bể thận và có thể gây ra hiện tượng chảy máu lúc đi tiểu.
- Dấu hiệu thứ tư: Bệnh nhân bị sốt, ớn lạnh, tụt huyết áp, tay chân lạnh, niêm mạc nhợt nhạt. Có thể sốt cao tới 39 – 40 độ C do tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Để phòng bệnh sỏi tiết niệu, PGS Thành khuyến cáo nến hạn chế các thực phẩm giàu canxi oxalate như trà, sữa, phomai nhất là những người đã từng điều trị sỏi tiết niệu. Tăng cường vận động tập thể dục, uống tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày để phòng sỏi thận.