1. Hãy ngừng than phiền

Một khi bạn tạo cho mình thói quen cằn nhằn, bộ não của bạn sẽ kích hoạt nhiều sự thay đổi liên tục, làm bạn sinh ra khuynh hướng tiêu cực và thậm chí có thể dẫn đến bị trầm cảm. Thay vì phàn nàn về cuộc sống của bạn đang khó khăn như thế nào, hãy cố gắng tản bộ, phơi nắng và thiền định. Các nhà tâm lý học tại Đại học Bắc Carolina đã tiến hành một cuộc thử nghiệm và phát hiện ra rằng những người dành khoảng 20 phút hàng ngày để bình tĩnh tâm trí một cách tích cực đã cho thấy khả năng tỉnh thức tốt hơn hẳn, cũng như giảm các triệu chứng bệnh tật.

  1. Biết ơn với những gì bạn đang có

Vào cuối ngày, hãy tìm ra ít nhất 3 điều mà bạn cảm thấy biết ơn. Tạp chí The journal of Psychiatry and Neuroscience (Tâm thần học và Khoa học thần kinh), đã cho biết rằng bài tập này sẽ làm tăng hàm lượng hormone serotonin trong não của chúng ta. Serotonin là rất cần thiết để vỏ não trước trán của ta hoạt động bình thường, điều chỉnh nhận thức cá nhân và cân bằng cảm xúc, do đó nó giúp bộ não kiểm soát được các trạng thái gây ra hoảng loạn. Hãy dành thời gian nghiền ngẫm về các hoạt động tích cực trong ngày của bạn. Bạn cũng có thể viết chúng ra giấy.

  1. Nói ra những cảm giác tiêu cực của bản thân

Chúng ta được khuyên rằng nên viết ra những cảm xúc tiêu cực của mình. Đừng ngại! Hãy cứ ghi chúng ra trên giấy. Các nhà khoa học đã cho biết rằng việc xử lý ngôn ngữ với những cảm xúc sẽ làm giảm hoạt động của hạch hạnh nhân, trung tâm sợ hãi trong não của bạn, và do đó làm giảm mức độ căng thẳng. Một hạch hạnh nhân bình tĩnh hơn cũng có nghĩa là bạn sẽ hạnh phúc hơn.

  1. Tiếp xúc với người khác

Một nghiên cứu vào năm 2010 của Đại học Michigan đã phát hiện ra rằng thư giãn cùng bạn bè hoặc chỉ đơn giản là ở trong cùng một không gian vật lý với một ai đó khác có lợi cho bộ não của bạn rất nhiều. Hơn thế nữa, não của bạn sẽ trải nghiệm những thay đổi tích cực nếu bạn được bao xung quanh bởi những cá nhân thông minh và ổn định về mặt cảm xúc. Bạn có biết rằng loài người là sinh vật hay lây truyền? Chúng ta rất dễ “bị nhiễm” những cảm xúc và thái độ hành vi của lẫn nhau. Hiện tượng này còn được gọi là lây truyền tâm lý hoặc cảm xúc.

  1. Ôm một ai đó

Những cái ôm có sức mạnh rất kỳ diệu. Một cái ôm ấm áp sẽ khiến não bộ của chúng ta tiết ra dopamine – một loại hormone tạo khoái cảm. Đó chính xác là lý do tại sao bạn sẽ ngay lập tức cảm thấy an toàn và thư giãn hẳn. Các nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh rằng việc ôm một ai đó sẽ giúp ta giảm huyết áp, giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng.

  1. Ngưng làm nhiều việc cùng một lúc

Hãy dừng làm nhiều việc cùng một lúc, mà hãy chỉ tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất. Khi nói chuyện điện thoại, lướt internet và soạn tin nhắn, bạn có thể nghĩ rằng mình đang rất năng suất bởi có khả năng làm nhiều việc cùng lúc. Nhưng các nghiên cứu đã cho thấy rằng, cố gắng tập trung vào nhiều thứ cùng một lúc sẽ làm giảm năng suất làm việc của ta đến gần 40%. Vì vậy, hãy loại bỏ những thứ gây xao nhãng và chỉ tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất trong một khoảng thời gian giới hạn nào đó. Khi bạn đã hoàn thành nó, hãy tự thưởng cho mình một khoảng thời gian ngắn để tập thể dục, nhâm nhi một tách trà hay làm một cú điện thoại nhanh chẳng hạn.

  1. Đắm mình vào loại âm nhạc phù hợp với bản thân

May mắn thay, tin tốt là bạn không cần phải tắt nhạc để có thể làm việc hiệu quả. Trên thực tế, loại âm nhạc phù hợp sẽ giúp bạn phát ra sóng não alpha và thư giãn. Dịch vụ âm nhạc Focus@will đã cùng với các nhà khoa học thần kinh hàng đầu tạo ra các loại danh sách phát khác nhau để giúp bạn tập trung tốt hơn vào công việc.

Tất nhiên, trên đây không phải là tất cả các hoạt động bạn có thể làm để giúp bộ não mình hoạt động tốt hơn. Mỉm cười, chợp mắt, vuốt ve mèo, hít thở không khí trong lành hay tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều hơn và bất cứ điều gì lành mạnh khác giúp cải thiện tâm trạng của bạn, cũng đều có tác dụng rất tốt cho bộ não.