Các chuyên gia y tế cho rằng, 90% SARS-CoV-2 nằm trong mũi của bệnh nhân, sau đó là điểm xâm nhập tiếp theo vào phổi. Vì vậy, việc vệ sinh mũi cho trẻ đúng cách để phòng COVID-19 là rất quan trọng.
Chảy nước mũi là một trong những tình trạng phổ biến ở trẻ khi mắc cũng như hậu COVID-19. Do đó, việc vệ sinh mũi cho trẻ là cần thiết để vừa ngăn chặn sự xâm nhập các loại virus, vi khuẩn, nấm, vừa giúp bé thoải mái hơn trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.
Thông thường, phụ huynh thường được khuyến cáo vệ sinh mũi hàng ngày cho trẻ nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện đúng cách. Với nhiều trẻ, dịch mũi rất quánh, dai, bám chặt vào hốc mũi. Điều này khiến việc vệ sinh một, hai lần khó có thể lấy hết được dịch. Không ít trường hợp, cha mẹ rửa mũi sai cách khiến bé bị sặc xuống phổi gây khó thở, rất nguy hiểm.
Để giúp cha mẹ và các bé thoải mái hơn trong việc vệ sinh mũi cho trẻ, các bác sĩ Trần Văn Công đã hướng dẫn cụ thể trên SK&ĐS như sau:
Dùng bóng hút
Phương pháp này thích hợp cho sơ sinh và trẻ nhỏ. Đặt trẻ nằm ngửa, lần lượt làm từng bên. Nhỏ 2 - 6 giọt nước muối sinh lý vào một bên lỗ mũi, chờ một lát. Bóp xẹp quả bóng đẩy không khí ra rồi nhẹ nhàng đưa đầu hút của quả bóng vào mũi trẻ. Thả tay để dịch nhầy và mũi bị hút vào trong bóng. Bóp đẩy khí và dịch trong bóng vào giấy vệ sinh. Lặp lại cho đến khi nào sạch mũi (chỉ thấy nước trong).
Dùng dây hút mũi
Cách này tương tự như dùng bóng hút, chỉ khác là người lớn dùng miệng hút mũi của trẻ thông qua hệ thống dây một chiều. Tuyệt đối không được thổi hơi vào dây khi vệ sinh mũi sẽ làm vi khuẩn đi ngược vào mũi trẻ.
Dùng chai xịt phun sương
Trước hết cần lấy bớt nhầy mũi cho trẻ. Nếu trẻ lớn hãy bày cho trẻ xì mũi. Trẻ nhỏ dùng giấy ăn loại sạch mịn, cuộn thành bấc sâu kèn, nhẹ nhàng đưa vào mũi trẻ để thấm hút bớt nước và kéo ra theo một chút nhầy. Sau đó xịt mỗi bên 1-2 nhát, chú ý để đầu chai xịt hướng ra phía ngoài má. Nên chọn loại chai xịt mà lực bắn tia nhẹ nhàng cho trẻ bớt sợ và bớt đau mũi.
Dùng bình bơm rửa mũi
Phương pháp này phù hợp với trẻ lớn hơn, cha mẹ cần đọc kỹ hướng dẫn của từng dụng dụ bơm rửa mũi để thực hiện đúng thao tác. Ngoài ra, cần hướng dẫn và làm công tác tư tưởng trước để trẻ không còn tâm lý sợ hãi. Trong trường hợp trẻ phản kháng thì không nên dùng phương pháp này, vì khóc nhiều có thể đẩy sâu nhầy mũi vào bên trong, hơn nữa khiến tâm lý trẻ hoảng sợ, đó cũng là một loại chấn thương tâm lý.