Tùy từng giai đoạn mà trẻ sẽ đạt đến những cột mốc phát triển khác nhau như lật, bò, ngồi, đi... Những bài tập vận động thích hợp theo từng sẽ giúp trẻ phát triển khả năng vận động; đồng thời tăng khả năng phản xạ, trí thông minh cho trẻ. Các ông bố bà mẹ cũng cần cân nhắc về độ tuổi của con trẻ để điều chỉnh động tác phù hợp nhất.

Bài tập vận động thích hợp cho trẻ theo giai đoạn

Trẻ 1-3 tháng tuổi

Những bài tập vận động nên bắt đầu cho trẻ càng sớm càng tốt. Theo bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), trong 3 tháng đầu, trẻ sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc ăn và ngủ và hoạt động rất hạn chế. Nhưng cha mẹ nên tranh thủ khoảng thời gian bé thức để thực hiện các bài tập phù hợp cho con.

Các mẹ có thể cho trẻ thay đổi tư thế, nghiêng bên này bên kia hoặc để trẻ nằm sấp trên bụng mẹ rồi chuyển sang nằm ngửa nhìn đồ chơi. Tuy nhiên, bác sĩ Khanh cũng lưu ý các mẹ nên giữ vững đầu cho trẻ khi thực hiện các bài tập vận động.

Trong 3 tháng đầu đời chỉ nên áp dụng những bài tập vận động đơn giản cho trẻ. Ảnh minh họa: Internet

Bạn cũng có thể tăng phản xạ ở chân của trẻ bằng cách để trẻ nằm ngửa trên đùi của mình. Sau đó tiếp tục dùng hai tay đẩy nhẹ cẳng chân của trẻ vào phần mông và xem con có đẩy ngược lại về phía mẹ hay không. Bài tập này tuy đơn giản nhưng sẽ giúp trẻ rèn khả năng vận động đồng thời dễ dàng phát hiện những bất thường ở chân của con.

Ngoài ra, bạn có thể vừa thay đổi tư thế cho con vừa mát- xa hoặc tập đập tay chân vào nước khi tắm, để nước bắn nhẹ vào da trẻ nhưng cần cẩn thận tránh để nước rơi vào mắt, tai của bé.

Trẻ 4-6 tháng tuổi

Trong giai đoạn này, trẻ đã có thể điều khiển các bộ phận trên cơ thể của mình một cách thành thục hơn. Các bài tập vận động đơn giản ở giai đoạn trước đã giúp hệ cơ, đặc biệt là cơ chân của trẻ khỏe hơn rất nhiều và sẵn sàng cho các bài tập đặc trưng trong giai đoạn 4-6 tháng tuổi. Các bậc phụ huynh nên chú ý các bài vận động phối hợp giữa các khối cơ nhỏ như bàn tay, ngón tay.

Bạn có thể tập cho trẻ lật, lăn bằng cách thả xuống sàn nệm để trẻ tự do khám phá xung quanh. Nếu trẻ không có hứng thú vận động, bạn có thể khuyến khích con dùng đồ chơi hoặc tạo ra các âm thanh để tăng sự chú ý. Các bài tập vận động nhẹ nhàng sẽ giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ, tăng khả năng phản xạ và giúp xương chắc khỏe hơn.

Bạn có thể thả trẻ xuống sàn nệm để tự do khám phá xung quanh. Ảnh minh họa: Internet

Trẻ 7-9 tháng tuổi

Khi bước sang tháng thứ 7, hầu hết trẻ đã có thể tự ngồi, lật một cách dễ dàng mà không cần sự trợ giúp từ người lớn. Hạn chế để con nằm ở trên cao khi muốn thay tã hoặc để rảnh tay làm việc khác vì những hành động của trẻ lúc này được thực hiện rất đột ngột và bạn sẽ không thể phản ứng kịp thời. Chính vì vậy, phụ huynh không nên để trẻ ở một mình quá lâu trong thời gian này.

Một số bài tập mẹ có thể áp dụng cho con như chuyển đổi vật thể từ tay này sang tay khác hoặc ngồi đối diện với con để giúp con thực hiện các động tác vỗ tay hay lắc lư theo nhạc. Từ đó, trẻ có thể tăng cường sức mạnh ở các cơ để phục vụ cho việc phát triển động tác bò của trẻ. Để khuyến khích trẻ phát triển vận động bò, cha mẹ nên thu hút sự chú ý của trẻ bằng các món đồ chơi thu hút và đặt ngoài tầm với của trẻ hoặc để trẻ tự do bò khắp các phòng trong nhà.

Mẹ có thể cho trẻ tập các động tác tay hoặc lắc lư theo nhạc. Ảnh minh họa: Internet

Trẻ 10-12 tháng tuổi

Trong khoảng thời gian này, những bước đi đầu đời của trẻ sẽ xuất hiện. Để bé biết đi nhanh hơn, mẹ có thể hỗ trợ bé đứng và tập bước đi. Nên bố trí thêm các chướng ngại vật như đồ chơi, gấu bông, gối hình thú trên quãng đường di chuyển của con và khuyến khích trẻ vượt qua. Điều này cũng sẽ làm trẻ thấy hứng thú hơn khi vận động. Theo BS Khanh, trong giai đoạn này cha mẹ cũng nên tập cho trẻ mang giày dép phù hợp, linh hoạt với từng loại vận động.

Mẹ cũng có thể cho trẻ bắt đầu tập leo cầu thang. Nếu trẻ cảm thấy chần chừ, chưa sẵn sàng cho thử thách vận động mới, cha mẹ có thể đặt món đồ chơi yêu thích của con ở trước mặt. Lúc ấy sẽ tiếp thêm động lực cho con tiến về phía trước. Tuy nhiên, bạn nên chú ý trẻ chỉ biết leo lên chứ biết leo xuống nên cha mẹ phải ở bên cạnh quan sát và bế con xuống.

Mẹ cũng có thể cho trẻ bắt đầu tập leo cầu thang ở giai đoạn này. Ảnh minh họa: Internet

Bên cạnh đó, các trò chơi với bóng cũng là một hoạt động tốt cho con trong giai đoạn này. Cha mẹ có thể cùng con ném bóng, đẩy bóng… mẹ sẽ thấy trẻ sẽ phản xạ ném bóng ngược lại về phía mình.