Nguyên nhân bà bầu bị tiêu chảy

Bà bầu đi ngoài nhiều lần trong ngày (trên 3 lần/ mỗi ngày) kèm phân lỏng thì có khả năng đã bị tiêu chảy. Đặc biệt là tiêu chảy do vi khuẩn tả, số lần đi tiểu và nôn mửa rất nhiều làm cho người bệnh cảm thấy kiệt sức, suy sụp rất nhanh, nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều nguy hiểm.

Bà bầu bị tiêu chảy trong ba tháng đầu do nhiều nguyên nhân khác nhau - Ảnh minh họa: Internet

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng bà bầu bị tiêu chảy trong ba tháng đầu thai kỳ như:

Ăn uống không đảm bảo vệ sinh: Đây là cơ hội cho các vi khuẩn, virus có hại tấn công đường ruột gây ngộ độc thực phẩm và tiêu chảy. Trong số những loại vi sinh vật gây bệnh đường tiêu hóa, nguy hiểm và phổ biến nhất là E.Coli, Salmonella và Rotavirus.

Bệnh về đường tiêu hoá: Hội chứng kích thích ruột và các bệnh đường ruột như bệnh Crohn có thể gây tiêu chảy

Hormone thay đổi: Mỗi mẹ bầu đều trải qua quá trình thay đổi hormone tuy nhiên chỉ có một số ít trong đó là bị tiêu chảy.

Một số chị em thắc mắc bị tiêu chảy có phải dấu hiệu mang thai không? Điều này chỉ đúng với một vài trường hợp, để xác định tiêu chảy có phải dấu hiệu mang thai hay không còn phụ thuộc vào những biểu hiện đi kèm như buồn nôn, chậm kinh, ra máu báo…

Thay đổi quá nhiều trong chế độ ăn uống: Nhiều phụ nữ có sự thay đổi khẩu vị, thói quen ăn uống một cách đáng kinh ngạc khi mới mang thai. Sự thay đổi đột ngột này có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa khiến mẹ bầu có nguy cơ cao bị tiêu chảy.

Bà bầu bị tiêu chảy trong ba tháng đầu không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ mà còn đe doạ tính mạng của thai nhi - Ảnh minh họa: Internet

Bà bầu bị tiêu chảy ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi?

Mẹ đau bụng có ảnh hưởng đến thai nhi không là nỗi lo lắng của nhiều chị em khi không may bị tiêu chảy trong ba tháng đầu. Khi mang bầu, thai nhi cần được chăm sóc tốt và mọi trục trặc sức khỏe của người mẹ đều có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

Các triệu chứng đau bụng do tiêu chảy thường gặp gồm các cơn đau quanh rốn, đôi khi đau dữ dội, những cơn đau liên tục ở bụng có thể kích thích tử cung co bóp, dẫn đến sinh non, sảy thai.

Phụ nữ mang thai sức đề kháng kém hơn nên mắc tiêu chảy nặng hơn các trường hợp bình thường và mức độ nguy hiểm cũng cao hơn. Ngoài tác hại lên cơ thể mẹ, thai nhi trong bụng cũng chịu ảnh hưởng không tốt, có thể bị suy dinh dưỡng chậm phát triển và nặng hơn nữa có thể làm thai chết trong bụng mẹ.

Nếu coi nhẹ các dấu hiệu bệnh và chủ quan không điều trị có thể dẫn tới việc phải dùng thuốc, kháng sinh để điều trị có thể khiến mẹ sảy thai, hoặc nguy cơ để lại dị tật cho thai nhi cao hơn nhiều so với bình thường.

Vì vậy, mẹ bầu cần theo dõi số lần đi ngoài và đặc điểm của chất thải dể kịp xử lý khi có những biểu hiện nặng.

Đa số trường hợp mẹ bầu bị tiêu chảy có thể tự hết trong vòng 1,2 ngày nếu điều trị đúng cách - Ảnh minh họa: Internet

Bà bầu bị tiêu chảy 3 tháng đầu chữa như thế nào?

Tiêu chảy ở tam cá nguyệt đầu tiên dù vì bất kỳ nguyên nhân nào nữa thì tuyệt đối mẹ không nên lơ là, chủ quan. Cách điều trị như sau:

Bổ sung nước: Tình trạng mất nước sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu triệu chứng tiêu chảy không thuyên giảm. Mẹ cần bổ sung vào lượng nước đã mất, tốt nhất phụ nữ có thai nên uống nước lọc, nước trái cây hoặc nước oresol có tác dụng bù nước và bù điện giải. Tuyệt đối không được sử dụng rượu bia hoặc nước ngọt có gas…

Chế độ dinh dưỡng nhiều tinh bột: Bà bầu bị tiêu chảy trong ba tháng đầu cần cung cấp các thực phẩm nhiều tinh bột như cơm, bánh mì, bột ngũ cốc, bột yến mạch… Đây là những thực phẩm có lợi cho tiêu hóa, giúp kiểm soát tình trạng tiêu chảy một cách tốt nhất.

Tinh bột là thực phẩm có lợi cho hệ tiêu hoá, mẹ bầu nên bổ sung trong trường hợp bị đau bụng đi ngoài - Ảnh minh họa: Internet

Tránh xa các loại thực phẩm: Do hệ tiêu hoá đang bị tổn thương nên chúng ta cần chú ý tránh xa các thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, ăn nhiều đồ ngọt, đồ chế biến sẵn. Nếu mẹ dị ứng với lactose thì không nên uống sữa, phô mai… chỉ làm tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng.

Không tự ý dùng thuốc: Bà bầu không được tự ý dùng thuốc nếu như không được kê đơn của bác sĩ, điều này có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn và bé yêu.

Nghỉ ngơi nhiều hơn: Bà bầu bị tiêu chảy trong ba tháng đầu nên có chế độ nghỉ ngơi nhiều hơn vì tiêu chảy gây ra khá nhiều phiền toái và khó chịu, cơ thể luôn mệt mỏi.

Đi khám: Nếu triệu chứng tiêu chảy không hết trong vòng từ 2 – 3 ngày thì bạn nên đi khám sức khoẻ, bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm để tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây bệnh.

Các mẹo trị tiêu chảy cho bà bầu

Nếu bà bầu bị sôi bụng tiêu chảy nhẹ có thể áp dụng các bài thuốc dân gian trị tiêu chảy an toàn, phù hợp với phụ nữ mang thai như sau:

Búp ổi: Lấy một nắm búp ổi nhai với vài hạt muối nuốt cả bã.

Gừng tươi: Gừng (30gam) và lá chè khô (5gam) hai thứ này đun với 800ml nước cho đến khi còn 2/3 nước thì đổ thêm 5 gam dấm gạo, chia uống 3 lần/ ngày.

Gừng không chỉ là gia vị trong món ăn mà còn là vị thuốc chữa tiêu chảy hiệu quả - Ảnh minh họa: Internet

Nước gạo rang: Gạo tẻ đem sao vàng hạ thổ rồi tán nhỏ thành bột mịn khoảng 8- 10 gam với một ít nước cơm hòa lẫn vào uống ngày 2-3 lần.

Lá mơ với trứng gà: Dùng một nắm lá mơ tía tươi, thái lá mơ thành cọng nhỏ, cho vào bát và đập 1 quả trứng gà, đồng thời cho thêm một ít muối rồi trộn đều. Vì tiêu chảy kiêng chất béo, bạn không nên rán trứng mà nên hấp cách thuỷ, ăn ngày 2 – 3 lần để đường ruột ổn định.

Hạn chế tiêu chảy khi mang thai

Tiêu chảy ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn, cũng như gây tác hại xấu đến sức khoẻ thai nhi. Vì vậy, bà bầu cần hạn chế tối đa các tác nhân gây đau bụng đi ngoài trong suốt thai kỳ bằng cách:

  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện nguyên tắc ăn chín uống sôi. Không nên ăn các đồ ăn tái, gỏi sống, tiết canh… vì có nhiều vi khuẩn có hại cho hệ tiêu hoá trong các thực phẩm này.
Bà bầu hạn chế ăn các loại rau sống chưa được rửa sạch để hạn chế tình trạng đau bụng - Ảnh minh họa: Internet
  • Không nên ăn hàng quán, vỉa hè vì có thể chúng không được đảm bảo.
  • Những thực phẩm nhiều gia vị và chất béo nên được hạn chế trong thực đơn của bà bầu.
  • Tăng cường các thực phẩm giàu vitamin C, A, … để tăng cường sức đề kháng chống lại các vi khuẩn, virus gây bệnh.
  • Mẹ bầu nên ăn ít, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa chính để bớt tạo áp lực cho hệ tiêu hoá.

Việc bà bầu bị tiêu chảy có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Thoạt đầu, tình hình có vẻ không quá nguy hiểm đến sức khoẻ nhưng khi đau bụng đi ngoài kéo dài sẽ không chỉ tác động đến mẹ mà còn ảnh hưởng đến thai nhi.

Vì vậy, chúng ta không nên chủ quan mà cần có biện pháp điều trị kịp thời, đảm bảo sức khoẻ cho mẹ và bé.