Lý do vì sao bà bầu bị đau đầu?

Trong giai đoạn 3 tháng đầu

Khi mới mang thai cơ thể phụ nữ có rất nhiều thay đổi, đặc biệt nồng độ các hormone trong cơ thể người phụ nữ có những biến đổi rất mạnh mẽ. Điều này dẫn tới triệu chứng căng cơ, thay đổi vóc dáng, ngoại hình, sự lưu thông máu. Đau đầu xảy ra như một phản ứng của cơ thể trước những thay đổi này.

Rất nhiều chị em than phiền bị đau đầu kể từ khi phát hiện mang thai, đi kèm cơn ốm nghén - Ảnh minh họa: Internet

Trong hơn 80% bà bầu bị đau đầu khi mang thai có tới 58% bà bầu bị đau nửa đầu trong 3 tháng đầu thai kỳ, với biểu hiện đau nhói một bên đầu kèm theo buồn nôn hoặc nôn.

Giai đoạn 3 tháng cuối

Giai đoạn này trọng lượng thai nhi tăng lên nhanh chóng, tì đè vào các mạch máu ở bụng, do đó gây ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu của toàn cơ thể cũng như hệ thần kinh. Kết quả đưa đến thiếu máu lên não khiến mẹ bầu đau đầu.

Thói quen sinh hoạt thiếu khoa học

Các chị em khi mang thai thường lười uống nước, lại ăn uống không đúng bữa,  không đúng giờ gây hạ đường huyết. Kèm theo đó là thường xuyên thức đêm và sử dụng đồ uống chứa cafeine hoặc ngủ không đủ giấc gây căng thẳng thần kinh. Hậu quả từ các thói quen trên cũng là nguyên nhân làm bà bầu bị đau đầu.

Môi trường sống

Phụ nữ mang thai sống hoặc làm việc trong môi trường có nhiều tiếng ồn (ô nhiễm âm thanh) lâu dần bị căng thẳng, dễ bực bội, khó ngủ dẫn tới hiện tượng đau đầu.

Tiền sản giật

Đau đầu có thể là dấu hiệu cho tình trạng nhiễm độc thai nghén cực kỳ nguy hiểm đó là tiền sản giật - Ảnh minh họa: Internet

Một số phụ nữ chỉ xuất hiện duy nhất tình trạng đau đầu, không kèm theo bất cứ triệu chứng nào khác.Tuy nhiên, không vì thế mà chị em có thể lơ là hiện tượng này, vì mẹ bầu ở tuần lễ thứ 24 - 26 thường có triệu chứng của bệnh tiền sản giật. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp gây nên các cơn đau đầu khi mang thai.

Nếu thấy đau đầu kèm theo những triệu chứng như: sự bất thường trong nước tiểu, thay đổi thị giác hay những vấn đề bất thường ở gan, thận thì thai phụ cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhất.

Cơn đau đầu ảnh hưởng như thế nào đến mẹ bầu?

Đa phần các cơn đau đầu khi mang thai là bình thường, chúng sẽ tự biến mất khi chị em bước sang tháng thứ 4 thai kỳ hoặc sau khi sinh xong. Do vậy, bạn đừng quá lo lắng và vội vàng dùng thuốc, kể cả thuốc có nguồn gốc thảo dược thiên nhiên.

Mẹ bầu không được dùng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc giảm đau khi chưa tham vấn ý kiến của bác sĩ - Ảnh minh họa: Internet

Việc đau đầu sẽ làm chị em khó chịu, bực bội, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống nhưng bạn cần học cách chấp nhận và chịu đựng để có một thai kỳ hoàn hảo nhất. Thời kỳ khó khăn, mệt mỏi này sẽ nhanh chóng qua đi đổi lại bạn sẽ có một thiên thần nhỏ đáng yêu.

Tuy nhiên nếu tình trạng đau đầu khi mang thai trở nên trầm trọng khiến các mẹ bầu khó chịu nhiều hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của mẹ bầu, điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi trong thai kỳ. Các mẹ cần theo dõi cơn đau đầu của mình để biết cách điều trị hiệu quả, cũng như chấm dứt cơn đau sớm nhất.

Trong một số trường hợp mẹ bầu bị đau đầu dữ dội khi mang thai có thể là nguồn cơn của một số bệnh nguy hiểm như tiền sản giật ở thai phụ. Đặc biệt là đối với sản phụ ngoài 35 tuổi, cần được theo dõi sức khỏe thai kỳ thường xuyên nếu có dấu hiệu đau đầu khi mang thai.

Khi nào bà bầu bị đau đầu trở nên nguy hiểm?

Khi triệu chứng đau đầu kết hợp với các biểu hiện sau, thì mẹ bầu cần đến bệnh viện để khám cụ thể và có hướng điều trị đúng đắn:

  • Nhức đầu, đau đầu thường xuyên, các cơn đau đầu khi mang thai đột ngột khi mẹ bầu đang ngủ và tình trạng đau đầu không có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Sưng bàn chân, bàn tay, khuôn mặt.
  • Đau đầu kèm theo sốt cao, đau cứng cổ, rối loạn thị giác, buồn ngủ, cảm giác tê buốt.
  • Đau đầu kèm đau vùng bụng trên, đau vùng dưới xương sườn.
  • Đột ngột tăng cân.
  • Đau cổ, nghẹt mũi, đau răng, mắt mỏi.

Đau đầu mang thai thì nên làm gì?

Bà bầu đau đầu ăn gì?

Tùy vào sở thích ăn uống, khả năng hấp thu của bà bầu, chị em nên chia nhỏ các bữa ăn làm nhiều lần trong ngày, thời gian có thể gần nhau để tránh bị đói khi mang thai gây hạ đường huyết dẫn tới đau đầu.

Nguyên nhân đầu tiên làm mẹ bầu bị nhức đầu là do chế độ ăn uống ít carbohydrate làm dự trữ đường trong cơ thể suy giảm. Đây là nguồn năng lượng chính cung cấp cho não nên mẹ cần bổ sung các loại thực phẩm giàu carbohydrate như: bột mì, bột yến mạch, trái cây và sữa chua. 

Rau củ quả luôn là lựa chọn tối cần thiết trong thực đơn của bà bầu - Ảnh minh họa: Internet

Hơn nữa, chế độ giàu carbohydrate còn kích thích cơ thể giải phóng nhiều hormone serotonin có tác dụng làm dịu thần kinh.

Các loại trái cây như: dưa hấu, dâu tây, táo và chuối… giúp bổ sung nước, magiê, các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C có tác dụng giảm đau hiệu quả. 

Các loại ngũ cốc, đậu và dầu ô-liu cung cấp nhiều canxi, vitamin nhóm B và chất chống oxy hóa. Kèm theo đó là các loại thực phẩm màu xanh đậm như: rau chân vịt, bông cải xanh, cải bó xôi… Tất cả các món ăn này rất tốt cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.

Bên cạnh việc ăn đầy đủ dinh dưỡng, mẹ nên lưu ý bổ sung đủ từ 2.5 lít nước hàng ngày. Thêm một vài lát chanh, vừa có thể giảm cơn đau đầu vừa giúp giải khát. Nước còn giúp quá trình thải độc tố diễn ra dễ dàng.

Bổ sung đủ nước cũng khiến cơ thể thư thái hơn - Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, bầu lưu ý chỉ uống nước lọc và nước hoa quả, không uống nước có gas hay nước chứa cafeine do thành phần sẽ làm tăng cơn nhức đầu.

Chế độ nghỉ ngơi

Nếu có thể mẹ bầu nên nghỉ ngơi, thư giãn bằng những giấc ngủ ngắn trong ngày. Nên ngủ ở nơi yên tĩnh, phòng tối giúp giấc ngủ sâu và ngon hơn.

Tìm cho mình những thú vui giải trí như đọc sách, viết nhật ký mang thai, vẽ tranh, nghe nhạc để thư giãn đầu óc.

Dành thời gian nhiều hơn để nghỉ ngơi trong thai kỳ - Ảnh minh họa: Internet

Sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Mẹ nên cân nhắc giảm bớt khối lượng công việc, thay đổi môi trường làm việc khi mang thai nếu tính chất công việc thường xuyên căng thẳng, đi lại nhiều.

Tuyệt đối không thức khuya, sử dụng điện thoại, máy vi tính liên tục.

Ngâm mình trong bồn tắm.

Chế độ tập luyện thể dục

Phụ nữ mang thai nên tập thể dục nhẹ nhàng rất có lợi cho tình trạng đau nửa đầu. Chị em có thể tập yoga, đi bộ, ngồi thiền hoặc bơi lội đều tốt cho sức khỏe của mẹ và bé.

Mát-xa vùng đầu, vai gáy, gan bàn chân sẽ giúp cơ thể bà bầu tăng lưu thông tuần hoàn và giảm đau đầu hiệu quả. Bạn có thể nhờ người thân hỗ trợ hoặc sử dụng dịch vụ mát-xa cho bà bầu tại các spa, thẩm mỹ viện.

Tập thể dục tinh thần bằng cách sống lạc quan, vui vẻ, xem phim hài, đọc truyện cười, đi du lịch ở nơi có khí hậu trong lành, mát mẻ.

Khi bà bầu bị đau đầu trong thai kỳ, tuy đa phần các cơn đau đầu là bình thường, tuy nhiên chị em phụ nữ tuyệt đối không nên chủ quan, cần theo dõi và cải thiện sức khỏe bằng các cách trên. Nếu tình trạng đau đầu diễn ra quá nghiêm trọng, kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm hãy đến gặp bác sĩ để có được hướng điều trị tốt nhất.