Tại sao bà bầu bị chảy máu mũi lại phổ biến?

Trong ba tháng đầu tiên, lượng máu lưu thông trong cơ thể bà bầu tăng lên và tim của mẹ hoạt động mạnh hơn. Điều này có nghĩa là niêm mạc đường mũi của mẹ cũng nhận được nhiều máu hơn.

Các mạch máu nhỏ bên trong mũi khá mỏng manh, khi lượng máu tăng quá nhiều có thể làm vỡ các mạch máu đó dẫn đến chảy máu mũi, hay còn gọi là chảy máu cam.

Bà bầu bị chảy máu mũi khá phổ biến - Ảnh minh họa: Internet

Những thay đổi hormone của cơ thể bà bầu khi mang thai có thể góp phần gây chảy máu cam. Ngoài ra, nướu răng của mẹ cũng có thể sưng và dễ chảy máu hơn.

Chảy máu mũi có thể kéo dài trong vài giây hoặc vài phút, có thể chảy từ một hoặc cả hai lỗ mũi. Lượng máu có thể chỉ là một vệt máu nhỏ hoặc chảy máu khá nặng.

Nếu bà bầu bị chảy máu mũi vào ban đêm khi đang ngủ, mẹ bầu có thể bị đánh thức khi cảm thấy máu chảy xuống sau cổ họng, gây khó thở khiến mẹ bầu phải ngồi dậy.

Bà bầu bị chảy máu mũi có nguy hiểm không?

Chảy máu cam có thể khiến bà bầu sợ hãi hoặc gây ra nhiều phiền toái, tuy nhiên miễn là mẹ bầu không mất nhiều máu thì không có gì phải lo lắng. Trong hầu hết các trường hợp, bà bầu bị chảy máu cam sẽ không gây hại cho mẹ hoặc em bé.

Bà bầu bị chảy máu mũi phải làm sao để cầm máu?

Bà bầu bị chảy máu mũi cần thực hiện các bước sau đây để cầm máu nhanh:

Bà bầu ngồi hoặc đứng, giữ cho đầu thẳng đứng, điều này làm giảm áp lực trong các mạch máu bên trong mũi của mẹ, giúp làm chậm lại tình trạng chảy máu.

Dùng ngón cái và ngón trỏ véo phần sụn mềm của mũi, ngay bên dưới xương mũi (vị trí véo ở đoạn giữa sóng mũi), lúc này 2 bên mũi của mẹ được ép lại với nhau. Tiếp tục giữ, không thả ra trong ít nhất 10 phút.

Không ngửa mặt lên trời khi đang bị chảy máu cam - Ảnh minh họa: Internet

Nếu mũi của mẹ bầu chảy máu nhiều, mẹ có thể hơi đổ người về phía trước và thở bằng miệng để tránh máu chảy xuống cổ họng gây nôn. Nếu cảm thấy có máu chảy ra miệng, mẹ nên nhổ ra.

Bà bầu cũng có sử dụng một viên đá hoặc một túi nước lạnh chườm lên phần xương mũi giúp máu tại vị trí các mạch máu vỡ đông nhanh hơn.

Sau 10 phút, mẹ nhẹ nhàng thả tay ra để kiểm tra xem còn chảy máu không. Nếu mũi của mẹ vẫn tiếp tục chảy máu, hãy lặp lại quy trình trên thêm 10 phút nữa.

Làm thế nào để phòng tránh chảy máu mũi khi mang thai?

Nếu mẹ bầu muốn xì mũi, hãy thực hiện một cách nhẹ nhàng và cố gắng tránh hắt hơi lớn. Mẹ cũng nên tránh ngoáy mũi mạnh tay.

Xì mũi thật nhẹ nhàng khi mang thai để phòng ngừa chảy máu cam - Ảnh minh họa: Internet

Bà bầu dễ bị chảy máu cam trong những tháng mùa đông, không khí lạnh làm niêm mạc mũi bị khô, vì vậy mẹ nên sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà để làm ẩm không khí.

Nếu bà bầu vừa bị chảy máu mũi và đã cầm máu, mẹ cần tránh hắt hơi, tránh cúi xuống hoặc tập thể dục mạnh trong ít nhất 12 giờ sau khi cầm máu, tránh tác dụng lực vào mũi.

Khi nào bà bầu bị chảy máu mũi nên đi khám bác sĩ?

Một số trường hợp bà bầu bị chảy máu cam phải đi bác sĩ kiểm tra càng sớm càng tốt - Ảnh minh họa: Internet

Tình trạng chảy máu mũi sẽ trở nên nghiêm trọng, bắt buộc bà bầu phải đến gặp bác sĩ trong một số trường hợp sau: 

Chảy máu mũi xảy ra sau khi va chạm ở vùng đầu.

Bà bầu bị huyết áp cao kèm theo chảy máu mũi thường xuyên.

Bà bầu đã thực hiện các bước cầm máu nêu trên nhưng tình trạng chảy máu mũi không dừng lại sau 20 phút

Gặp khó khăn khi thở bằng miệng trong lúc bóp mũi cầm máu.

Bị mất một lượng lớn máu hoặc nuốt phải rất nhiều máu và nôn ói nhiều.

Bị chảy máu mũi kèm theo bị sốt hoặc ớn lạnh.

Hầu hết bà bầu bị chảy máu mũi là bình thường. Chị em không cần quá lo lắng. Điều quan trọng là nên ghi nhớ các thao tác cầm máu để ứng phó kịp thời.

Nguồn: https://www.pregnancybirthbaby.org.au/nosebleeds-during-pregnancy