Lựa chọn kem chống nắng an toàn cho bà bầu
Kem chống nắng hoạt động như một lá chắn để bảo vệ da mẹ khỏi các vết cháy nắng và ngăn ngừa các tổn thương da khác.
Có nhiều chị em thắc mắc, bà bầu bôi kem chống nắng được không? Câu trả lời là có, kem chống nắng có thể được sử dụng cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý lựa chọn đúng loại.
Như chị em đã biết, kem chống nắng được chia thành 2 loại cơ bản, kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học. Theo nghiên cứu, kem chống nắng vật lý rất an toàn cho bà bầu vì chúng là hỗn hợp của titan dioxide và kẽm oxit, giúp chống lại các tia UV có hại.
Kẽm oxit và titan dioxide là 2 chất chỉ nằm trên bề mặt da mà không thấm sâu vào bên trong. Mặt khác, kem chống nắng hóa học không được khuyến nghị sử dụng cho phụ nữ mang thai vì nó chứa các thành phần hấp thụ tia UV nhiều hơn là phản xạ chúng đó là Oxybenzone.
Bà bầu bôi kem chống nắng hóa học ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi?
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Reproductive Toxicology cho biết, kem chống nắng hóa học với thành phần oxybenzone có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh. Oxybenzone được xem là một chất gây rối loạn nội tiết, có thể có tác động xấu đến sự phát triển, hệ thống sinh sản, thần kinh và hệ miễn dịch.
Nghiên cứu này tìm thấy mối liên hệ giữa oxybenzone (một hợp chất hữu cơ được sử dụng trong kem chống nắng hóa học, biến tia UV thành nhiệt và sau đó giải phóng nó khỏi cơ thể) và một khuyết tật bẩm sinh có tên là bệnh Hirschsprung (bệnh phì đại tràng bẩm sinh hay bệnh vô hạch đại tràng bẩm sinh).
Bệnh này thường khá hiếm gặp và ảnh hưởng đến ruột già của trẻ sơ sinh. Thường xảy ra với tỉ lệ 1 trên 5.000 trẻ và có thể phải phẫu thuật.
Ông Thomas Dardarian, hiệu trưởng Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ tại Fort Worth, Texas, cho biết: "Khi có nhu động ruột, những chất dẫn truyền thần kinh sẽ được gửi từ não đến đại tràng để báo hiệu. Tuy nhiên, với bệnh Hirschsprung, không có tín hiệu nào đến được đại tràng. Hậu quả là trẻ sơ sinh có nguy cơ bị táo bón".
Nghiên cứu này cho thấy, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu sử dụng kem chống nắng có chứa 6% oxybenzone 2 lần/ngày có thể hấp thụ hóa chất này vào máu. Sau đó, oxybenzone có thể dẫn truyền đến thai nhi gây ra những thay đổi tế bào có hại trong quá trình phát triển phôi thai.
Oxybenzone hòa tan trong chất béo. Nghĩa là nó xâm nhập vào các tế bào mỡ và có thể ở đó trong nhiều tuần, khiến phụ nữ mang thai khó có thể biết được mức độ phơi nhiễm thực sự.
Ngoài ra, việc tiếp xúc với chất gây rối loạn nội tiết như oxybenzone có thể gây ra một loạt vấn đề, bao gồm ngủ kém, ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) và gia tăng một số bệnh như viêm phế quản và viêm xoang. Đó là lý do vì sao phụ nữ mang thai cần tránh sử dụng kem chống nắng có thành phần oxybenzone mọi lúc.
Bà bầu lỡ sử dụng kem chống nắng hóa học, phải làm sao?
Nếu mẹ đã trải qua tam cá nguyệt đầu tiên và đã sử dụng kem chống nắng có thành phần oxybenzone trong đó, đừng hoảng sợ vì thực tế là tất cả phụ nữ mang thai đều bị phơi nhiễm với các chất gây rối loạn nội tiết trong suốt thời kỳ mang thai.
Nghiên cứu trên cũng phụ thuộc rất nhiều vào liều lượng kem chống nắng mà mẹ sử dụng. Kiểu khí hậu và tần suất thoa kem chống nắng là những yếu tố quyết định nguy cơ thai nhi mắc bệnh Hirschsprung.
Cụ thể, những người sống ở nơi nhiều nắng, ấm áp và sử dụng kem chống nắng với oxybenzone quanh năm và hàng ngày có thể có yếu tố rủi ro cao hơn so với người sử dụng ít thường xuyên hơn hoặc chỉ sử dụng khi đi nghỉ mát hoặc vào mùa hè.
Thay vì lo lắng về việc vô tình tiếp xúc với oxybenzone trong thai kì, mẹ hãy tập trung vào chế độ ăn uống. Tiến sĩ Gersh khuyên bà bầu nên ăn chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả, việc bổ sung các phức hợp B và folate có thể giúp giảm lưu lượng chất độc đến thai nhi.
Có thể thấy, bà bầu bôi kem chống nắng không chỉ để bảo vệ da mẹ mà còn cần phải an toàn cho bé. Do đó, bà bầu nên chọn kem chống nắng vật lý, không có thành phần oxybenzone để sử dụng trong suốt thai kì.