Ông Nguyễn Đức Hòa (72 tuổi) đến từ Bắc Giang, "sống chung" với bệnh đau đầu hơn 20 năm, đau nhiều vùng nửa đầu và vùng sau gáy. Ông Hòa đã đi khám rất nhiều nơi nhưng không đỡ và thường xuyên phải dùng thuốc giảm đau. Ông Hòa quyết định đến BVĐK tỉnh Phú Thọ có chữa được bệnh đau đầu bằng phương pháp đốt sóng cao tần xung.

TS.BS Vi Trường Sơn – Trưởng khoa Ngoại yêu cầu, BVĐK tỉnh Phú Thọ thăm khám cho ông Hòa, chỉ định làm các cận lâm sàng cần thiết như chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm máu… kết luận nguyên nhân gây đau đầu do tổn thương dây thần kinh chẩm và phương pháp tối ưu nhất hiện nay là đốt sóng cao tần xung (PRF).

Trong vòng 8 phút, với dòng điện kích thích 55 V tạo nhiệt độ 42 độ C, sóng cao tần xung đã làm phá hủy dây thần kinh ngoại biên chi phối cảm giác của dây thần kinh, giúp người bệnh mất cảm giác đau. Người bệnh hồi phục rất nhanh, những cơn đau đầu gần như không còn. Người bệnh ăn uống, sinh hoạt bình thường và được xuất viện luôn trong ngày.

Đau dây thần kinh chẩm là bệnh gì?

Hình ảnh mô phỏng các đốt sống cổ

Dây thần kinh chẩm xuất phát từ đốt sống cổ 2 (C2) và (C3), đi lên và chi phối da đầu vùng gáy. Đau dây thần kinh chẩm xuất hiện khi dây thần kinh chẩm, hoặc các dây thần kinh chạy từ trên cùng của tủy sống qua da đầu, bị tổn thương hoặc bị viêm.

Nguyên nhân gây đau dây thần kinh chẩm?

Nguyên nhân gây đau dây thần kinh chẩm có thể là do nguyên phát hoặc thứ phát. Bệnh có thể xuất hiện thứ phát do liên quan đến một số bệnh lý nền như:

Chấn thương các dây thần kinh chẩm lớn, chẩm nhỏ.

Bị chèn ép do thay đổi thoái hoá cột sống cổ.

Khối u ảnh hưởng đến rễ thần kinh C2 và C3.

Nhiễm trùng.

Dấu hiệu của đau dây thần kinh chẩm?

Đa phần người bệnh thường đau ở một bên đầu, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến cả hai bên đầu. Vị trí đau phía sau của đầu.

TS.BS Vi Trường Sơn,Trưởng khoa Ngoại yêu cầu, BVĐK tỉnh Phú Thọ đang thực hiện đốt sóng cao tần xung

Các cấu hiệu đau dây thần kinh chẩm:

Đau liên tục. Cơn đau thường bắt đầu tại nền hộp sọ và có thể đau lan sang phía sau hay dọc theo phần bên đầu.

Đau nhói, đau thành nhịp, kèm xen kẽ những cơn đau nhói hoặc cảm giác như bị điện giật ở các điểm: phía trên cổ cao, đằng sau đầu, đằng sau tai

• Lúc đầu cơn đau thưa, đau thành từng cơn, sau đó khoảng cách giữa các cơn ngắn dần, lên đến 2-3 cơn/ngày hoặc thậm chí là đau liên tục

Phương pháp Đốt sóng cao tần điều trị đau dây thần kinh chẩm?

Dây thần kinh chẩm xuất phát từ đốt sống cổ C2 – C3, đi lên và chi phối da đầu vùng gáy. Đau dây thần kinh chẩm là một trong những nguyên nhân gây đau đầu kinh niên, làm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Và liệu pháp điều trị bằng đốt sóng cao tần xung là lựa chọn cần thiết trong trường hợp này.

Hình ảnh kim được đưa vào vùng chẩm để đốt sóng cao tần xung

Hiện nay, BVĐK tỉnh Phú Thọ đã làm chủ kĩ thuật đốt sóng cao tần xung giúp điều trị giảm đau hiệu quả. Phương pháp này đã giúp rất nhiều người bệnh thoát khỏi những cơn đau đầu, đau do thoái hóa….

Đốt sóng cao tần (Radiofrequency ablation -RFA) là một trong những phương pháp phá hủy tại chỗ, gây tê liệt thần kinh chẩm bằng nhiệt. Nó đã được áp dụng phổ biến trên thế giới trong điều trị đau dây thần kinh chẩm khi điều trị nội khoa thất bại.

Đây là phương pháp can thiệp tối thiểu, sử dụng dòng điện xoay chiều có tần số 300-500MHz, được tạo ra từ máy RF nối với kim đốt có đường kính nhỏ 18G (tương đương 1mm), tiếp cận với dây thần kinh chẩm dưới hướng dẫn của màn hình tăng sáng (C-arm), từ đó sinh ra nhiệt làm nóng và tê liệt dây thần kinh chẩm dẫn tới hiệu quả giảm đau cho người bệnh.

Người bệnh có thể điều trị ngoại trú, thời gian điều trị ngắn từ 15 -54 phút, chỉ cần gây tê, không cần gây mê, người bệnh hoàn toàn tỉnh trong khi can thiệp, ít tác dụng phụ, tỷ lệ thành công cao.

Đốt sóng cao tần là phương pháp điều trị can thiệp tối thiểu, không để lại sẹo do không sử dụng dao kéo, phù hợp với những đối tượng người cao tuổi, những người bệnh mắc các bệnh lý đau mãn tính không có chỉ định can thiệp phẫu thuật với hiệu quả vượt trội so với các phương pháp truyền thống đã được áp dụng trước đây.