Một nghiên cứu công bố trên tạp chí “Não, hành vi và khả năng miễn dịch” của Hiệp hội Nghiên cứu tâm lý học miễn dịch quốc tế (PNIRS) - phát hiện ra rằng, chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều đường có thể dẫn đến suy giảm trí nhớ lâu dài. Hậu quả này có thể từ nguyên nhân chế độ ăn nhiều đường đơn và chất béo bão hòa dẫn đến phá vỡ acetylcholine, một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong não động vật liên quan đến trí nhớ.

Để đi đến kết luận này, nhóm nghiên cứu đã cho nhóm chuột thí nghiệm ăn nhiều chất béo, nhiều đường trong giai đoạn từ 26-56 ngày tuổi, tương ứng với tuổi thiếu niên của con người khi não trải qua quá trình phát triển đáng kể. Một nhóm chuột đối chứng khác ở cùng độ tuổi này được ăn thức ăn lành mạnh.

Trong các bài kiểm tra trí nhớ, những con chuột theo chế độ ăn vặt không thể xác định được các đồ vật mới trong khung cảnh mà chúng đã khám phá vài ngày trước, hoặc không thể nhận ra một đồ vật quen thuộc đã di chuyển so với vị trí ban đầu. Ngược lại, nhóm chuột đối chứng có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ ghi nhớ sự vật xung quanh. Những vấn đề về trí nhớ này vẫn tồn tại ngay cả khi nhóm chuột ăn đồ ăn vặt chuyển sang ăn đồ ăn lành mạnh trong 30 ngày, tương đương với giai đoạn trưởng thành.

Scott Kanoski - nhà thần kinh học tại Đại học Nam California (Mỹ), thành viên nhóm tác giả - cho biết: “Nếu những con chuột lớn lên với chế độ dinh dưỡng kém, chúng sẽ bị suy giảm trí nhớ và không thể tự khỏi bệnh”. Những nghiên cứu khác gần đây cũng liên kết chế độ ăn thực phẩm chế biến sẵn, không lành mạnh với nguy cơ mắc bệnh Alzheimer ở người trưởng thành. Một số loại đồ ăn vặt chứa nhiều đường, chất béo thậm chí có thể làm suy yếu khả năng kiểm soát sự thèm ăn, giảm khả năng nhận diện cảm giác no của não.