Ăn kiêng theo quan niệm dân gian

Theo quan niệm dân gian, phụ nữ phải ăn kiêng sau sinh do đó thực đơn khá đơn điệu và nhàm chán như các món thịt nạc rang nghệ, cơm trắng, rau ngót, trứng luộc, cháo móng giò…

Các bà mẹ cũng phải kiêng rất nhiều các loại thức ăn vì nhiều lý do khác nhau: như không ăn rau cải vì sau sẽ bị són tiểu, không ăn tôm, cua, cá, hải sản vì tanh và em bé sẽ bị tiêu chảy, mẹ hậu sản… Nhiều bà mẹ sau khi sinh không có đủ sữa cho con thường ăn cháo chân giò hầm kéo dài, hay ở nhiều nơi sản phụ sau sinh ăn nghệ thường xuyên với quan niệm ăn nhiều nghệ sẽ có tác dụng bổ máu…

Móng giò là món sản phụ sau sinh thường ăn với quan niệm cho có nhiều sữa.

Có nên ăn kiêng sau sinh?

Trải qua kỳ sinh nở, dù là sinh thường hay mổ đẻ thì mẹ cũng mất rất nhiều sức lực. Quá trình phục hồi lúc này đòi hỏi thời gian dài và chế độ sinh hoạt phù hợp vì sau khi sinh là thời điểm người mẹ thiếu nhiều chất nhất vì đã mất rất nhiều năng lượng, máu và nước trong quá trình mang thai và sinh nở.

Bên cạnh việc nghỉ ngơi thì chế độ ăn uống cũng có vai trò quan trọng trong việc phục hồi sức khỏe cho mẹ. Đặc biệt hơn, với những mẹ cho con bú thì chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sữa cho bé.

Ăn kiêng thường làm giảm tính đa dạng của khẩu phần và có thể không hợp khẩu vị của người mẹ. Ở nhiều nơi, nhất là ở những vùng quê nghèo, do thực phẩm sẵn có ở địa phương thường ít đa dạng, nếu người mẹ lại ăn kiêng quá mức thì rất dễ bị thiếu chất dinh dưỡng, ảnh hưởng tới số lượng và chất lượng của sữa mẹ.

Sau sinh nên ăn gì?

Thực phẩm giàu sắt

Thịt bò chứa nhiều sắt tốt cho phụ nữ sau sinh.

Sinh nở khiến cơ thể mẹ mất một lượng máu lớn, dẫn đến hiện tượng thiếu máu, thiếu sắt. Vì vậy, cần bổ sung sắt trong chế độ ăn hàng ngày.

Sắt có nguồn gốc động vật: Có trong các loại thực phẩm như gan, thịt bò, thịt gà, hải sản có vỏ cứng, trứng…

Sắt có nguồn gốc thực vật: Có trong đậu phụ, các loại đậu, rau lá xanh đậm (cải bó xôi, bông cải xanh, rau cải ngọt…).

Cá hồi

Cá hồi rất giàu DHA, omega-3, đây là chất béo rất quan trọng đối với sự phát triển hệ thần kinh của trẻ sơ sinh. Sữa mẹ cũng chứa DHA nhưng lượng DHA này sẽ cao hơn ở những bà mẹ được bổ sung DHA từ chế độ ăn.

Không nên ăn các loại cá khác, như cá kiếm hoặc cá thu vì chúng có lượng thủy ngân cao có thể gây tổn thương não và ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ.

Cá hồi có nguồn chất béo quan trọng cho sự phát triển của trẻ sơ sinh.

Thịt bò

Trong thịt bò chứa hàm lượng sắt, kẽm, protein, vitamin B6, B12… không chỉ giúp tăng sản máu ở mẹ mà còn rất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là não bộ. Khi ăn, nên chọn phần thịt nạc với lượng hợp lý để tránh dư thừa lượng cholesterol trong máu.

Ngũ cốc nguyên hạt

Đây là một trong những thực phẩm tốt nhất để cung cấp năng lượng lành mạnh cho mẹ sau sinh, có thể sử dụng thay cho bữa sáng hàng ngày. Các loại ngũ cốc bổ sung nhiều vitamin và chất dinh dưỡng thiết yếu. Đặc biệt, bột yến mạch có hàm lượng chất xơ, sắt, canxi và protein cao. Sử dụng bột yến mạch giúp hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và loại bỏ các chất béo xấu ra khỏi cơ thể.

Trái cây

Trái cây cung cấp một lượng vitamin dồi dào và các dưỡng chất thiết yếu khác giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. Thông thường, các bà mẹ sau sinh có thể ăn trái cây 3 - 4 ngày sau sinh. 

Tuy nhiên, nên lựa chọn những loại trái cây phù hợp với cơ thể lúc vừa sinh xong như đu đủ, thanh long, na,… Bên cạnh đó, sau khi sinh, cơ thể còn quá yếu, các mẹ chỉ nên ăn một lượng trái cây vừa đủ và không nên ăn quá nhiều.

Phụ nữ sau sinh nên ăn các loại trái cây theo mùa, an toàn như đu đủ, thanh long...

Ngoài ra, phụ nữ sau sinh cũng nên hạn chế ăn một số loại trái cây có vị chua, tránh gây ảnh hưởng đến tử cung và dạ dày của mẹ. Tuy nhiên, để tăng cảm giác thèm ăn, thúc đẩy tử cung co bóp đẩy sản dịch ra ngoài, các mẹ vẫn có thể sử dụng cam, quýt…

Khi ăn, cũng cần theo dõi phản ứng của bé sau khi mẹ ăn một loại thực phẩm nào đó, bởi có thể chúng khiến bé bị dị ứng với những biểu hiện như: Không bú tốt, không tăng cân đều, tiêu chảy, khó tiêu, nổi mẩn đỏ (quanh miệng, ở má, nếp gấp tay hay chân…), sưng mắt, môi hay mặt, nôn trớ…

Mỗi bé có thể nhạy cảm với những loại thực phẩm khác nhau. Một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng gồm: thịt bò, sữa bò, trứng, các loại động vật vỏ cứng như sò, tôm, cua…