Theo The Times of India, khi mùa lạnh bắt đầu, cảm cúm, nhiễm trùng và các bệnh tật khác rất dễ mắc phải. Cho dù bạn có đeo bao nhiêu chiếc khẩu trang đi chăng nữa thì cũng như thể các chất ô nhiễm đang tìm đường về phía bạn.

 
Curcumin có trong nghệ có tác dụng tăng sức đề kháng. Ảnh: Getty Images

Vì vậy, để tăng thêm lớp bảo vệ cho cơ thể, dưới đây là 7 loại thảo mộc và gia vị có đặc tính kháng khuẩn mà bạn nên bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Tỏi

Tỏi có đặc tính chữa bệnh vì tính chất kháng khuẩn và sát trùng. Các đặc tính có lợi của tỏi là do hợp chất allicin, có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng cảm lạnh và ho.

Để có kết quả tốt nhất, hãy ăn hai tép tỏi đập dập khi bụng đói vào buổi sáng. Tuy nhiên, không nên ăn quá 2 tép tỏi khi bụng đói và nếu bạn cảm thấy muốn nôn, buồn nôn và táo bón thì nên tránh ăn tỏi vào buổi sáng. Phụ nữ có thai, trẻ em, người bị rối loạn chảy máu, tiểu đường, huyết áp thấp và phụ nữ đang cho con bú không nên thử phương pháp điều trị tại nhà này, theo Times of India

Gừng

Nổi tiếng là một phương thuốc chữa đau họng, gingerol, hợp chất hoạt tính có trong gừng, có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm. Trà gừng được biết đến với công dụng loại bỏ ngay cả những chất nhầy cứng đầu nhất mắc kẹt trong hệ hô hấp của bạn.

Quế

Quế được biết là có tác dụng kháng khuẩn. Đun sôi một thanh quế trong nước rồi uống có thể giúp giảm đau họng rất nhiều.

Nghệ

Curcumin, thành phần hoạt chất trong củ nghệ, có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm. Nó có thể được sử dụng ở dạng bột nghệ, trong sữa hoặc thêm vào thực phẩm và cà ri.

Đinh hương

Dầu đinh hương được biết đến với đặc tính kháng khuẩn và giảm đau. Đinh hương thường được sử dụng trong thực phẩm và cà ri nhưng ở dạng dầu, nó giúp giảm đau cơ và thậm chí đau răng.

Hương thảo

Hương thảo có axit rosmarinic, có tác dụng kháng khuẩn và chống oxy hóa. Một tách trà hương thảo tươi và ấm có thể giúp chống nhiễm trùng.

Sả

Khi được sử dụng ở dạng tinh dầu, citral và geraniol trong sả sẽ có tác dụng chống vi khuẩn. Khi sả được đun sôi trong nước để uống thì trà sả sẽ có tác dụng làm dịu mũi và cổ họng bị tắc, theo The Times of India.