Tại Việt Nam, với dân số hơn 100 triệu dân, mỗi năm chúng ta cũng ghi nhận khoảng 180.000 ca mắc ung thư mới và hơn 120.000 ca tử vong. Do đó, việc chủ động phòng ngừa là điều cấp thiết.

Điều đáng ngạc nhiên là nghiên cứu cho thấy hơn 40% các trường hợp ung thư và gần một nửa số ca tử vong liên quan đến ung thư có thể được ngăn ngừa.

Phòng chống ung thư vẫn là việc quan trọng nhất để giảm bớt gánh nặng của bệnh ung thư đối với xã hội.

Dưới đây là 6 thói quen hàng ngày giúp giảm nguy cơ ung thư.

1. Duy trì cân nặng khỏe mạnh

Một trong những thay đổi lối sống có ảnh hưởng nhất mà mọi người có thể thực hiện là duy trì cân nặng khỏe mạnh và lối sống năng động.

Các nghiên cứu cho thấy thừa cân có thể dẫn đến tăng sản xuất và lưu thông các hormone như estrogen và insulin, có thể thúc đẩy sự phát triển của ung thư.

Kiểm soát cân nặng bằng cách tập thể dục thường xuyên và ăn uống cân bằng, bạn có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, ung thư đại tràng và ung thư thận.

2. Bỏ hút thuốc

Tiến sĩ Bhavna Bansal, Tư vấn Cao cấp và Trưởng khoa Giải phẫu bệnh - Phòng thí nghiệm Oncquest (Ấn Độ) cho biết:

"Hút thuốc vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư có thể phòng ngừa được trên toàn cầu, chiếm khoảng 30% tổng số ca tử vong liên quan đến ung thư.

Tác hại của thuốc lá đã được ghi nhận rõ ràng, có liên quan đến nhiều bệnh ung thư như ung thư phổi, ung thư miệng, ung thư thực quản, ung thư tuyến tụy và ung thư thận.

Tránh tất cả các loại hình thuốc lá, bao gồm thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử, xì gà và thuốc lá nhai, cũng như giảm tiếp xúc với khói thuốc thụ động là điều cần thiết để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.”

3. Ăn uống lành mạnh

Thói quen ăn uống lành mạnh cũng có thể đóng vai trò then chốt trong việc phòng ngừa ung thư.

 

Chế độ ăn giàu trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên cám và các loại đậu cung cấp các chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa cần thiết giúp bảo vệ chống lại ung thư.

Ngoài ra, thêm các loại gia vị như nghệ, tỏi, gừng vào bữa ăn không chỉ giúp tăng hương vị mà còn có khả năng chống ung thư.

Việc hấp thụ đủ vitamin D cũng quan trọng không kém, vì nồng độ vitamin D thấp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, ung thư đại tràng và ung thư tuyến tụy.

4. Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời

Bảo vệ da khỏi tia UV có hại là điều cần thiết để ngăn ngừa ung thư da, loại ung thư phổ biến nhất trên toàn thế giới.

Các biện pháp đơn giản như mặc quần áo chống nắng, đứng nơi có bóng râm và thoa kem chống nắng có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư da đồng thời vẫn cho phép cơ thể hấp thụ đủ vitamin D từ ánh nắng mặt trời.

5. Thường xuyên tầm soát và kiểm tra sức khỏe

Thường xuyên tầm soát và tự kiểm tra là những việc làm quan trọng để phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư.

Chuyên gia y tế khuyến cáo tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại tràng và ung thư phổi để phát hiện bất thường ở giai đoạn sớm nhất, đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

6. Tiêm phòng

Vaccine phòng một số bệnh truyền nhiễm virus cũng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Ví dụ, vaccine HPV giúp bảo vệ chống lại các chủng virus HPV gây ung thư cổ tử cung, còn vaccine phòng viêm gan B giúp ngăn ngừa ung thư gan do nhiễm viêm gan B.

(Theo Times of India)