Theo hướng dẫn mới được công bố của ICMR (Viện nghiên cứu y học Ấn Độ), lượng caffeine an toàn mỗi ngày là 300 mg, tương đương trung bình 2 - 3 tách cà phê hoặc trà.

Theo bác sĩ Manish Mittal, Bệnh viện đa khoa Bhailal Amin (Ấn Độ), có 5 tác dụng phụ đáng chú ý khi dùng quá nhiều caffeine.

1. Gây vấn đề về tiêu hóa

Tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như axit dạ dày và hội chứng ruột kích thích (IBS).

Caffeine làm tăng sản xuất axit dạ dày, dẫn đến trào ngược dạ dày, ợ nóng và làm nặng thêm các tình trạng như viêm, loét dạ dày.

2. Gây vấn đề về tim mạch

Caffeine ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch bằng cách làm tăng nhịp tim, gây ra huyết áp cao và dẫn đến nhịp tim không đều.

Những người đang mắc các bệnh về tim hoặc tăng huyết áp cần thận trọng, vì caffeine có thể làm các vấn đề này trầm trọng hơn, thậm chí gây đau thắt ngực.

3. Làm trầm trọng thêm bệnh tiểu đường

Caffeine có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Nó có thể gây ra tăng đường huyết và insulin đột ngột trong thời gian ngắn, khiến việc kiểm soát bệnh tiểu đường trở nên khó khăn hơn.

 

Người bệnh tiểu đường nên theo dõi chặt chẽ lượng caffeine nạp vào.

4. Ảnh hưởng sức khoẻ mắt

Caffeine có thể làm tăng áp lực nội nhãn, tăng nguy cơ phát triển bệnh glaucoma (cườm nước).

Bệnh nhân mắc bệnh glaucoma nên hạn chế tiêu thụ caffeine để tránh làm nặng thêm các triệu chứng và tăng nguy cơ tổn thương mắt.

5. Ảnh hưởng việc kiểm soát bàng quang

Là một chất lợi tiểu, caffeine làm tăng sản xuất nước tiểu, có thể dẫn đến các vấn đề về kiểm soát bàng quang, đặc biệt ở người lớn tuổi.

Điều này khiến họ đi tiểu thường xuyên và gấp gáp hơn, gây khó chịu và bất tiện.

Tóm lại, tiêu thụ caffeine ở mức độ vừa phải có thể có lợi, song việc nạp quá nhiều caffeine có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe.

Vì vậy, điều quan trọng là phải biết lượng tiêu thụ caffeine của mình để tránh những tác động tiêu cực kể trên và duy trì sức khỏe tổng thể.

(Theo hindustantimes)