1. Chụp nhũ ảnh hay X-quang tuyến vú

Chụp nhũ ảnh hay X-quang tuyến vú (tên tiếng Anh Mammography) là một kỹ thuật được dùng để sàng lọc và phát hiện các bệnh lý về tuyến vú và ung thư vú. Cùng với khám sức khỏe định kỳ, chụp nhũ ảnh là bước quan trọng trong việc chẩn đoán sớm ung thư vú, đôi khi lên đến 3 năm trước khi có thể cảm nhận được khối u.

Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) khuyến cáo đối với phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú trung bình - nghĩa là không có tiền sử ung thư vú, tiền sử gia đình mắc ung thư vú cao hoặc đột biến gen di truyền  làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú (chẳng hạn như đột biến ở gen BRCA) và chưa xạ trị vùng ngực trước 30 tuổi - như sau:

  • Phụ nữ từ 40 đến 44 tuổi có thể bắt đầu chụp X-quang tuyến vú hàng năm.
  • Phụ nữ từ 45 đến 54 tuổi nên chụp X-quang tuyến vú mỗi năm.
  • Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên có thể chụp X-quang tuyến vú hàng năm hoặc chọn cách chụp hai năm một lần nếu họ có sức khỏe tốt và dự kiến sống thêm ít nhất 10 năm nữa.

2. Tầm soát ung thư cổ tử cung

Hai xét nghiệm sau đây có thể giúp phát hiện sớm hoặc ngăn ngừa ung thư cổ tử cung:

  • Xét nghiệm HPV, giúp phát hiện virus papillomavirus ở người (HPV) có thể gây ra những thay đổi tế bào ở cổ tử cung. Nếu HPV không tự đào thải, nó có thể gây sùi mào gà và ung thư.
  • Xét nghiệm Pap smear tìm kiếm những thay đổi tế bào ở cổ tử cung có thể biến thành ung thư cổ tử cung nếu không được điều trị.

Tầm soát ung thư cổ tử cung thường bắt đầu sau 18 tuổi và phụ nữ có thể thực hiện xét nghiệm Pap smear cùng với xét nghiệm DNA HPV để đánh giá nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung..

Tùy thuộc vào độ tuổi của bạn, bác sĩ sẽ xác định tần suất bạn cần thực hiện các xét nghiệm này.

3. Tầm soát ung thư đại tràng

Cơ quan Y tế dự phòng Hoa Kỳ (USPSTF) khuyến cáo cả nam và nữ từ 45 đến 75 tuổi nên khám sàng lọc ung thư đại tràng. Những người trên 75 tuổi và những người có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao nên trao đổi với bác sĩ về việc tầm soát.

Mặc dù có một số xét nghiệm sàng lọc có thể phát hiện polyp hoặc ung thư đại tràng, chẳng hạn như nội soi đại tràng sigma ống mềm và xét nghiệm phân, nhưng nội soi đại tràng là phương pháp thường được sử dụng để tầm soát dự phòng.

 

Trong quá trình nội soi đại tràng, bác sĩ sẽ kiểm tra trực tràng và đại tràng để tìm polyp hoặc ung thư bằng cách sử dụng một ống soi mềm có đèn. Nếu phát hiện polyp và ung thư, đôi khi bác sĩ có thể cắt bỏ chúng trong quá trình nội soi.

Nếu mọi kết quả bình thường, bác sĩ sẽ khuyến nghị bạn thực hiện lại nội soi đại tràng trong 10 năm. Tuy nhiên, khoảng thời gian sàng lọc sẽ phụ thuộc vào cả nguy cơ cá nhân và tiền sử gia đình.

4. Tầm soát ung thư tuyến tiền liệt

Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tiền liệt tuyến (PSA) giúp phát hiện PSA, một loại protein do các tế bào trong tuyến tiền liệt tạo ra (cả tế bào bình thường và tế bào ung thư).

Nồng độ PSA càng cao thì nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt càng lớn.

Theo ACS, các bác sĩ có quan điểm khác nhau về thời điểm nam giới cần xét nghiệm thêm. Một số khuyến nghị xét nghiệm thêm khi mức PSA là 4 ng/ml hoặc cao hơn, còn một số khác khuyến nghị mức PSA là 2,5 hoặc 3.

ACS khuyến cáo bác sĩ nên trao đổi với nam giới về việc tầm soát ung thư tuyến tiền liệt ở các độ tuổi sau:

  • 50 tuổi đối với nam giới có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt trung bình và dự kiến sống thêm ít nhất 10 năm nữa.
  • 45 tuổi đối với nam giới có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tiền liệt, chẳng hạn như nam giới có người thân độ một được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt trước 65 tuổi.
  • 40 tuổi đối với nam giới có nhiều hơn một người thân độ một mắc ung thư tuyến tiền liệt ở độ tuổi sớm.

5. Tầm soát ung thư phổi

USPSTF khuyến cáo những đối tượng sau đây nên khám sàng lọc ung thư phổi một lần mỗi năm:

  • Có tiền sử hút thuốc lá 20 bao - năm hoặc nhiều hơn (ví dụ: 1 bao thuốc mỗi ngày trong 20 năm hoặc 2 bao mỗi ngày trong 10 năm), và
  • Hiện đang hút thuốc hoặc cai thuốc lá trong vòng 15 năm qua, và
  • Có độ tuổi từ 50 đến 80.

Chụp CT phổi liều thấp (LDCT) là loại tầm soát ung thư phổi duy nhất được khuyến nghị.

(Theo Healthline)