4 lưu ý phòng bệnh viêm phổi cho trẻ khi trời lạnh
Do đường lây truyền của một số vi khuẩn, virus ở trong không khí vào hệ hô hấp, nên khi một trẻ nào đó bị bệnh rất dễ lây lan cho nhiều trẻ khác trong lớp học, trong nhà trẻ hoặc trong gia đình, làng xóm, khu phố.
Nếu trẻ có chế độ dinh dưỡng kém, điều kiện chăm sóc và sức đề kháng không tốt, do chưa có điều kiện tiêm vaccine, trẻ hay ốm yếu, trẻ bị suy giảm miễn dịch, trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng, trẻ mắc bệnh bẩm sinh về tim mạch, hô hấp, hàm mặt, trẻ sinh thiếu tháng, thiếu cân nặng... sẽ rất dễ bị các bệnh về viêm đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi.
Biểu hiện của viêm phổi ở trẻ
Biểu hiện của bệnh viêm phổi rất đa dạng, nhưng dấu hiệu xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi đó là ho và thở nhanh.
Khi trẻ bị viêm phổi nặng, cha mẹ sẽ thấy khi trẻ hít thở sẽ có triệu chứng rút lõm lồng ngực: Quan sát lồng ngực trẻ khi trẻ hít vào thì sẽ thấy phần dưới lồng ngực bị lõm vào sâu hơn bình thường. Cần cho trẻ nhập viện vì đây là triệu chứng cho biết trẻ đã bị viêm phổi nặng, cần điều trị tích cực để tránh biến chứng và tử vong.
Các dấu hiệu bệnh nặng khác cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay như:
- Trẻ tím tái, co giật, ngủ li bì - khó đánh thức, thở có tiếng rít...
- Bỏ bú hoặc bú kém, bú ít hơn một nửa lượng sữa bình thường với trẻ dưới 2 tháng tuổi, không uống được, với trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi.
- Đặc biệt trẻ dưới 2 tháng nếu có sốt hoặc hạ nhiệt độ, thở khò khè thì cũng là dấu hiệu bệnh nặng cần đưa trẻ đi khám ngay.
Khi trẻ có dù chỉ 1 trong các triệu chứng kể trên, cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay, vì có khả năng tính mạng trẻ đang bị đe dọa nghiêm trọng vì viêm phổi nặng hoặc bệnh nặng.
Cách phòng viêm phổi cho trẻ khi trời lạnh
Để phòng bệnh viêm phổi cho trẻ khi thời tiết lạnh, cha mẹ cần lưu ý như sau:
- Cần giữ ấm đường thở
Khi thời tiết trở lạnh, cha mẹ cần lưu ý giữ ấm cho trẻ bằng cách cho trẻ mặc đủ ấm, phù hợp với mức độ lạnh bên ngoài: Mặc thêm áo ấm, mũ len, mang thêm bao tay, tất, khăn, đeo khẩu trang khi ra đường, đội mũ kín tai, sử dụng nước ấm...
- Cần bổ sung đủ dinh dưỡng
Trẻ cần được ăn uống đầy đủ, nhất là những trẻ còn trong độ tuổi bú mẹ. Dinh dưỡng đầy đủ đóng vai trò quan trọng với miễn dịch chung cho toàn cơ thể trẻ. Một số vi chất thiết yếu trong cơ thể như vitamin, khoáng chất là không thể thiếu để giúp hệ miễn dịch của trẻ hoạt động một cách bình thường. Do đó, phụ huynh cần phải bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu cho trẻ trong một chế độ ăn cân đối.
Với các trẻ biếng ăn, cha mẹ nhất thiết nên bổ sung từ các nguồn thực phẩm bổ sung, các công thức thuốc bổ tổng hợp và các chế phẩm thảo dược chuẩn hóa, có tác dụng chống biếng ăn cho trẻ.
Bên cạnh đó cần chú ý cho trẻ uống đủ nước, nhiều khi trẻ không khát, nhưng thật ra vẫn cần đủ lượng nước. Nếu trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, khỏe mạnh thì bệnh sẽ rất khó tấn công.
- Cần giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống
Ngoài những biện pháp đặc hiệu kể trên, rửa tay cũng là 1 trong những cách hữu hiệu để phòng chống các bệnh hô hấp nói chung, đặc biệt là viêm tiểu phế quản và viêm phổi. Tuy là bệnh đường hô hấp nhưng đường lây quan trọng của các bệnh này là qua trung gian bàn tay nhiễm bẩn. Do đó, cần cho trẻ rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, hoặc sau khi tiếp xúc với các bề mặt có nguy cơ nhiễm khuẩn.
Mặt khác, cần tránh để trẻ tiếp xúc gần gũi với người lớn hay trẻ khác đang cảm ho – dù chỉ là cảm ho thông thường. Virus gây bệnh viêm phế quản – phổi là loại virus có khả năng lây lan cao và gây bệnh cho mọi người. Tuy nhiên, nếu trẻ lớn và người lớn nhiễm virus này thì chỉ có biểu hiện cảm ho thông thường, nhưng sẽ là nguồn lây bệnh nghiêm trọng cho trẻ nhỏ. Khi trẻ dưới 2 tuổi nhiễm virus này sẽ bị viêm tiểu phế quản, viêm phế quản hoặc viêm phổi. Ở trẻ càng nhỏ thì bệnh càng nặng.
- Cần tiêm vaccine phòng bệnh
Trên thực tế hầu hết những tác nhân virus – vi khuẩn gây viêm phổi thường gặp nhất ở trẻ em đều đã có vaccine phòng bệnh. Ngoài các loại vaccine thông thường bắt buộc phải tiêm cho trẻ, có một số loại vaccine mà các bậc cha mẹ nên bổ sung thêm cho trẻ để ngăn ngừa bệnh hô hấp như:
+ Vaccine phòng bệnh cúm.
+ Vaccine phòng bệnh sởi: Vì virus sởi cũng là 1 trong những tác nhân hay gây viêm phổi nặng. Mũi đầu thường tiêm khi trẻ 9 - 12 tháng tuổi, mũi nhắc lại nên được tiêm khi trẻ đủ 18 - 24 tháng.
+ Các loại vi khuẩn gây viêm phổi nặng có thể phòng ngừa được là phế cầu, HiB, lao, bạch hầu, ho gà… Vaccine lao cần được tiêm sớm khi trẻ đủ 30 ngày tuổi. Bạch hầu, ho gà, HiB là 3 thành phần trong vaccine 6 in 1, tiêm 3 mũi đầu tiên khi trẻ tương ứng được 2 – 3 - 4 tháng và nhắc lại khi trẻ đủ 18 - 24 tháng. Phế cầu là mũi vaccine dịch vụ, nên được tiêm cho trẻ từ đủ 2 tháng tuổi trở lên
Tóm lại: Viêm phổi là vấn đề thường gặp, có nhiều nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ, nhưng "thủ phạm" nguy hiểm và thường gặp nhất là vi khuẩn phế cầu Streptococcus Pneumoniae. Vi khuẩn này được lan truyền nhiều nhất qua đường hô hấp (ho, hắt hơi) và lây lan thông qua việc tiếp xúc với người bị bệnh hoặc người khỏe mạnh mang vi khuẩn phế cầu trong người. Vì vậy, khi thấy trẻ có biểu hiện nghi ngờ, cần đưa ngay tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....