Bệnh tiểu đường vốn khiến những người mắc phải sợ hãi những trái cây ngọt. Tuy nhiên, điều đó chưa hoàn toàn đúng, đặc biệt nếu những loại trái cây ngọt có chỉ số đường huyết thấp, nhiều chất xơ… người bệnh tiểu đường có thể ăn với lượng thích hợp.

Đặc biệt hơn, khi chất xơ không tan trong một số loại trái cây này, giúp hạn chế sự tăng đường máu sau khi ăn ở bệnh nhân đái tháo đườnghiệu quả, phòng chống tăng cholesterol trong máu và phòng chống ung thư trực tràng.

Bạn đã biết những lợi ích từ trái cây ngọt. Ảnh: Internet

Dưới đây là 4 nhóm trái cây ngọt thích hợp cho người bệnh tiểu đường

Xoài

Xoài là loại quả xếp vào nhóm có chỉ số đường huyết thấp. Thậm chí có nghiên cứu cho thấy, xoài giúp cải thiện độ nhạy cảm của insulin, có lợi cho người bị đái tháo đường. Một quả xoài nặng 300 gam thì người bệnh đái tháo đường có thể ăn khoảng 50 gam tức tương đương khoảng 1/4 quả. Việc này giúp cơ thể dễ dàng hấp thu, chuyển hóa tốt hơn.

Theo nghiên cứu khoa học, một cốc sinh tố xoài sẽ cung cấp cho cơ thể 103 calo, nhiều loại vitamin như vitamin C, A, B cùng các khoáng chất thiết yếu cho cơ thể như kali, đồng, magie...

Ăn một quả xoài mỗi ngày không chỉ giúp bạn phòng chống bệnh ung thư, chống thoái hóa điểm vàng, tốt cho tiêu hóa... mà còn hỗ trợ làm đẹp da, giảm cân.

Xoài cung cấp vitamin thiết yếu. Ảnh: Internet

Trong quả xoài đồng thời còn nhiều chất chống oxy hóa như quercitrin, astragalin, isoquercitrin, axit gallic hay methyl gallate giúp cơ thể chống lại bệnh đại tràng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú hay bệnh bạch cầu. Ngoài ra, xoài giúp chống dị tật thai nhi, tăng cường bảo vệ mắt, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Chính vì vậy, bạn đừng quên bổ sung lượng xoài hợp lý vào khẩu phần dinh dưỡng mỗi ngày nhé.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, mỗi người chỉ nên ăn từ 200 – 250g/ngày là cách tốt nhất để cung cấp đủ dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể.

Đu đủ

Đu đủ là loại hoa quả tốt cho sức khỏe và chữa được nhiều bệnh khác nhau nếu dùng đúng cách, trong đó có bệnh đái tháo đường.

Lợi ích của đu đủ cung cấp các vitamin và khoáng chất tốt như: vitamin A, vitamin B, vitamin C, vitamin E, vitamin K, folate, magie, đồng, axit pantothenic…

Chất chống oxy hóa, bao gồm cả carotenoid được tìm thấy trong đu đủ, có thể trung hòa các gốc tự do. Việc giảm stress oxy hóa được cho là do hàm lượng lycopene của đu đủ và khả năng loại bỏ sắt dư thừa, một nguyên nhân sản sinh ra các gốc tự do.

Các loại trái cây ngọt nhưng ít ảnh hưởng đường huyết. Ảnh: Internet

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đu đủ có tác dụng hạ đường huyết trong cơ thể, làm giảm lượng đường trong máu. Đu đủ cũng có chỉ số đường huyết thấp, có thể giải phóng đường tự nhiên một cách từ từ và không làm tăng hàm lượng đường huyết. Vì vậy, đây cũng là loại trái cây người bệnh đái tháo đường có thể sử dụng.

Hai miếng đu đủ sẽ cung cấp 1 khẩu phần cacbon-hydrate, thêm 1 hộp sữa chua không đường cùng một món ăn chính là đủ cho một bữa sáng lý tưởng cho bệnh nhân đái tháo đường.

Bưởi đỏ

Những múi bưởi đỏ từng lá món khoái khẩu của nhiều người. Nhưng họ rất thắc mắc liệu bưởi ngọt có ảnh hưởng đến insulin? Theo đó, bưởi là lựa chọn rất lành mạnh cho bệnh nhân đái tháo đường. Bưởi chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như protein, vitamin C, kali, canxi, natri giúp ngăn ngừa táo bón, hỗ trợ người bệnh đái tháo đường không lo ảnh hưởng đến sức khỏe, đồng thời tốt cho tim.

Trong bưởi có chứa naringenin có tác dụng bảo vệ sức khỏe. Naringenin hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh tiểu đường, cải thiện độ nhạy cảm của cơ thể với insulin. Thường xuyên ăn bưởi sẽ có hiệu quả trong điều trị bệnh tiểu đường.

Ăn bưởi sẽ giúp giảm táo bón hiệu quả. Bệnh nhân nên chọn trái cây có một lớp vỏ mỏng, ăn cả bã trắng của bưởi, táo bón sẽ được cải thiện rõ rệt.

Bưởi đỏ tốt cho sức khỏe. Ảnh: Internet

Nếu bạn bị nóng miệng, nhợt nhạt, chán ăn, phân cứng, bạn có thể ăn 5 - 6 miếng bưởi để được nhuận tràng. Vì bưởi chứa nhiều chất xơ, kích thích đường ruột co bóp.

Chuyên gia dinh dưỡng nhận thấy rằng khi giữ nguyên thói quen ăn uống nhưng ăn nửa quả bưởi mỗi ngày rất có lợi cho sức khỏe.

Chuối

Với loại trái cây ngọt như chuối xiêm thì người bệnh cũng có thể ăn với lượng phù hợp.

Một quả chuối chứa 422 miligam kali mà cơ thể cần để hoạt động bình thường. Chất điện giải này, giúp cho chức năng thần kinh và việc vận chuyển các chất dinh dưỡng vào các tế bào và đưa các chất thải ra, điều hòa nhịp tim và điều chỉnh natri trong cơ thể.

Với lượng kali dồi dào trong chuối, khoáng chất quan trọng này có tác dụng làm giảm huyết áp, giảm nguy cơ đột qu do bệnh tim hay tiểu đường.

Chuối cũng chứa prebiotic, một loại chất xơ có thể lên men giúp vi khuẩn tốt trong ruột phát triển mạnh. Đó là một lợi ích to lớn cho sức khỏe tổng thể, cải thiện tiêu hóa, trị cảm lạnh và còn hỗ trợ giảm cân.

Người bệnh tiểu đường có thể ăn một lượng thích hợp hàng ngày. Nếu sợ, bạn có thể ăn loại chuối vừa chín tới, chưa vàng hẳn.

Thói quen ăn uống tốt cho người bệnh tiểu đường.

- Thời điểm tốt nhất để ăn trái cây là giữa hai bữa ăn. Theo nhiều khuyến cáo, bạn không nên ăn hoa quả ngay trước và sau bữa ăn. Thời điểm ăn hoa quả thích hợp là vào các bữa phụ, xen giữa bữa chính chẳng hạn như lúc 9h sáng, 3h chiều hay 9h tối. Điều này cũng giúp bạn duy trì đường huyết ở mức ổn định.

- Kiểm tra đường huyết thường xuyên. Chỉ số đường huyết của mỗi người bệnh tiểu đường là khác nhau. Dựa trên chỉ số đường huyết của cơ thể, chỉ số đường huyết của thực phẩm mà người bệnh có thể tự trả lời câu hỏi người tiểu đường không nên ăn hoa quả gì.

- Người bệnh cần ghi nhớ quy tắc một khẩu phần phù hợp là bằng một nắm tay. Nếu mỗi lần ăn số lượng trái cây nhiều hơn một nắm tay, có thể ảnh hưởng đến mức insulin.

- Lựa chọn trái cây đa dạng màu sắc giúp cung cấp nhiều dinh dưỡng cho cơ thể.

- Kiêng ăn chất béo, các loại tinh bột tinh chế nhiều lần cũng là cách giảm đường huyết. Theo đó, bạn có thể thay sữa nguyên béo, thịt mỡ - chứa nhiều chất béo bão hòa, bằng thịt gà và thịt nạc, tăng cường cá béo và dầu ô liu có thể giảm lượng chất béo bão hòa nạp vào cơ thể.

- Ăn nhiều trái cây tươi và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, đậu và các loại hạt. Một bữa ăn nên gồm: 1/2 là rau quả không chứa tinh bột; 1/4 là ngũ cốc nguyên hạt; 1/4 là đạm nạc như thịt nạc, cá và các loại đậu.

- Giảm muối là quan trọng nhất trong chế độ ăn uống. Điều này có thể giúp giảm huyết áp và bảo vệ thận. Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều muối. Vì vậy cần giảm lượng muối ăn vào.

- Tập thể dục mỗi ngày để duy trì và cân bằng sức khỏe.