Chứng “ái kỷ” – yêu bản thân quá mức là một chứng rối loạn nhân cách tồn tại trên một phạm vi khá phổ biến. Bất kỳ ai cũng có thể biểu hiện các dấu hiệu của ái kỷ, như thiếu sự đồng cảm và có xu hướng chỉ trích quá mức. Hiện nay có đến 6% dân số được chẩn đoán đang mắc dạng cực đoan nhất của chứng ái kỷ, rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder) hoặc gọi tắt là NPD.

Là cha mẹ, những người ái kỷ có thể bộc lộ những phẩm chất như quá coi trọng bản thân và xem con cái như một phần thuộc sở hữu của bản thân mình. Con cái của những người ái kỷ có thể không nhận ra hành động của cha mẹ chúng đã ảnh hưởng đến chúng nhiều như thế nào, mãi cho đến tận sau này khi đã lớn lên.

Meghan Marcum, nhà tâm lý học tại AMFM Healthcare, trong cuộc trò chuyện cùng với tờ Insider đã cho biết, bởi vì trẻ em không được dành nhiều thời gian bên cạnh nhiều người lớn khác nhau, lượng kinh nghiệm hạn chế khi ở cùng cha mẹ khiến cho chúng khó mà hiểu được rằng mối quan hệ với cha mẹ chúng gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến chúng như thế nào.

Bà Marcum nói: “Nếu một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình thường xuyên có những đặc điểm này, chúng không có được một hình mẫu nào khác để xem xét cách cha mẹ của chúng cư xử khác như thế nào so với các bậc cha mẹ khác.”

Nhưng theo Marcum, khi một đứa trẻ trưởng thành và bắt đầu so sánh trải nghiệm của chúng với những bạn bè cùng trang lứa, chúng sẽ có được nhận thức rõ ràng hơn về các dấu hiệu ái kỷ của cha mẹ mình, như đòi hỏi, kỳ vọng quá mức và lợi dụng người khác.

Sự giúp đỡ từ cha mẹ cảm thấy như là luôn đi kèm điều kiện

Những người ái kỷ - tự yêu bản thân quá mức, có cảm giác về tầm quan trọng của bản thân quá cao. Theo bà Marcum, trong tư cách là cha mẹ, họ xem con cái như một phần sở hữu của bản thân. Từ điều này, họ có thể thể hiện ra tình cảm và sự hỗ trợ với đứa trẻ, nhưng chỉ với điều kiện là khi việc đó khiến cho họ trông tốt đẹp hơn.

Bà cho biết điều này thường xảy ra ở các bà mẹ ái kỷ hơn so với các ông bố. Họ sử dụng các chiến thuật công khai hơn như tỏ ra giận dữ để khẳng định quyền hành của mình.

Theo Psychology Today, nếu bạn cảm thấy cha mẹ chú trọng nhiều vào ngoại hình của bạn hoặc những thành tích nhất định mà bạn đạt được, nhưng lại thường rất hà khắc phê bình, chỉ trích mình, điều đó khả năng cao cho thấy rằng họ là một người ái kỷ.

Bà Marcum cho biết những người ái kỷ sẽ dễ thấy ghen tỵ nếu ai đó trở thành trung tâm của sự chú ý, bao gồm cả con cái của họ, bởi vì như thế sẽ khiến họ không đáp ứng được nhu cầu cảm thấy mình quan trọng của bản thân.

Cha mẹ thường cho rằng cảm xúc của bạn là sai

Theo bà Marcum, vì những người ái kỷ thường quá tập trung vào bản thân, họ hay chối bỏ, không công nhận cảm xúc của những người khác, để lấy cảm xúc của mình là trung tâm.

Người ái kỷ cũng thiếu đi sự đồng cảm, vì vậy rất khó để hiểu được những cảm xúc của bạn, bao gồm cả những cảm xúc như sợ hãi, buồn bã hoặc thất vọng. Do đó, họ có thể sẽ gạt đi những rắc rối của bạn hoặc không muốn quan tâm, thay vì cho bạn sự cảm thông hoặc hỗ trợ.

Khi đã trưởng thành, bạn thường xuyên cảm thấy nghi ngờ bản thân

Bà Marcum cho biết, nếu một bậc cha mẹ ái kỷ liên tục không công nhận cảm xúc của con họ, đứa trẻ đó khi trưởng thành sẽ thường xuyên nghi ngờ bản thân.

Bà nói: "Chuyện này xảy ra là bởi vì môi trường có sự hỗ trợ và tình yêu thương cần thiết để bồi dưỡng sức khỏe tinh thần của trẻ đã không được đáp ứng."

Bạn luôn thấy mình cần phải là phiên bản tốt nhất của chính mình khi ở xung quanh họ

Theo bà Marcum, một dấu hiệu khác cho thấy cha mẹ bạn có thể là người ái kỷ đó là cảm giác như bạn phải luôn dè chừng, hành xử cẩn trọng khi ở xung quanh họ.

Bà Marcum cũng cho biết, điều này có thể khiến một đứa trẻ hình thành thói quen tự chỉ trích bản thân, hay né tránh xung đột với người khác và cảm thấy mình luôn phải tỏ ra hoàn hảo. Đó là những đặc điểm mà chúng có thể luôn mang theo trong các mối quan hệ tương lai của mình.

"Điều này sẽ dẫn đến các vấn đề về việc gắn kết với người khác trong tương lai và khiến bạn có một cái nhìn méo mó về những gì là điển hình và lành mạnh trong các mối quan hệ."