Món ăn thuần túy, dân dã nhiều người ưa chuộng được chế biến từ nội tạng của lợn không chỉ xuất hiện nhiều trên bàn nhậu mà còn “có mặt” thường xuyên trên mâm cơm của các gia đình, tưởng là tốt nhưng lại làm cho không ít người phải “đổ đốn” vì bệnh tật. Cùng điểm danh những bộ phận của lợn không nên ăn quá nhiều, kẻo hại thân dưới đây nhé.

Lòng lợn

Trong Đông y, lòng lợn còn được gọi là trư đỗ, vị ngọt, tính ấm, có tác dụng kiện tỳ vị, ích thận bổ hư. Tuy là món khoái khẩu của nhiều người, nhưng nên nhớ, dù nội tạng động vật có ngon đến đâu thì cũng nên ăn món ăn này một cách chừng mực.

Bởi vì trong lòng lợn, tuy nhiều chất dinh dưỡng tốt như vitamin, protein, sắt và nhiều khoáng chất ... nhưng lại chứa rất nhiều chất đạm, hàm lượng cholesterol xấu cao có thể gây ra các bệnh nguy hiểm như khó tiêu, tăng nguy cơ mắc các bệnh nan y như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp, bệnh gút... rất khó điều trị. Ngoài ra, lòng lợn cũng là loại thực phẩm dễ bị ngâm, tẩm nhiều hóa chất tẩy rửa, khi ăn quá nhiều sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn cầu lợn, các loại vi khuẩn, kí sinh trùng gây hại cho sức khỏe như giun, sán, liên cầu lợn Streptococcus suis. Vì vậy, mặc dù là món ăn thơm ngon, kích thích vị giác nhưng ăn lòng lợn vẫn chứa nhiều rủi ro.

 Lòng lợn cũng là loại thực phẩm dễ bị ngâm, tẩm nhiều hóa chất tẩy rửa - Ảnh minh họa: Internet

Các chuyên gia khuyến cáo, lượng nội tạng động vật vừa đủ mà bạn nên ăn là 1 tuần 2 - 3 lần, mỗi lần chỉ từ 50 - 70g cho người lớn và 30 - 50g cho trẻ em. Nếu lượng nội tạng trong 1 lần ăn tăng lên thì bạn nên giảm số lần ăn trong một tuần lại.

Gan lợn

Gan lợn là món rất được lòng các chị em nội trợ, là một thực phẩm giàu vitamin A, B, D... Gan lợn rất giàu chất sắt, dễ hấp thu, chứa vitamin A cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em. Mặc dù vitamin A rất cần thiết cho cơ thể con người, nhưng nếu ăn quá nhiều sẽ dễ bị tích tụ và thậm chí gây ngộ độc. Với trẻ nhỏ, bổ sung quá nhiều vitamin A trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ gãy xương ngay cả khi trẻ ăn với liều lượng không lớn. Do đó, dù ngon nhưng chỉ nên ăn số lượng vừa phải thôi nhé.

Gan lợn là cơ quan chuyển hóa chất độc - Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra, gan lợn còn là cơ quan chuyển hóa chất độc, nên khi tiêu thụ nhiều cơ thể sẽ hấp thụ những chất độc có trong nội tạng của động vật. Trên thực tế, vì là nội tạng nên hàm lượng kim loại nặng trong gan lợn cũng cao hơn  so với trong cơ, thịt mà chúng ta ăn hàng ngày.

Vậy nên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, ta vẫn có thể ăn gan lợn để bổ sung những dưỡng chất cần thiết. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều mà chỉ nên ăn 2 – 3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 50 – 70g là phù hợp.

Lưu ý khi chọn gan nên chọn những miếng có màu đỏ sẫm, không nhiều nốt sần nổi trên bề mặt, lấy tay ấn vào miếng gan phải có độ đàn hồi mới là gan tươi ngon.

Óc lợn

Nhiều người cho rằng, óc lợn là món ăn chứa nhiều dưỡng chất nhất trên các bộ phận của lợn, còn khẳng định “ăn não sẽ bổ não”. Dưới góc độ y học, óc lợn là thực phẩm có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng nhất định trong việc bồi bổ xương khớp, hỗ trợ điều trị chứng đau đầu, chóng mặt, thần kinh suy nhược…

Theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, mặc dù hàm lượng dinh dưỡng có trong óc lợn rất phong phú, hoàn toàn không thua kém so với thịt lợn nhưng nếu ăn không đúng cách, ăn quá liều lượng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.

Óc lợn ăn không đúng cách, quá liều lượng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe - Ảnh minh họa: Internet

Óc lợn giàu Niacin, Phosphorus, B12, và Vitamin C. Tuy nhiên, theo thống kê, cứ 100g óc lợn có tới 2500 mg cholesterol, tức là gấp 8 lần nhu cầu cholesterol của một người một ngày. Còn chất đạm trong óc lợn chỉ có 9g/100g, thấp hơn rất nhiều so với các phần khác như thịt nạc. Vậy nên, thực phẩm này không giúp phát triển trí thông minh như nhiều người lầm tưởng mà còn gây béo phì cho người ăn, nhất là trẻ nhỏ, rối loạn mỡ máu, tim mạch và làm ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của nam giới... Ngoài ra, trong óc lợn còn chứa một lượng nhỏ độc tính, nếu như ăn quá nhiều sẽ dẫn đến ngộ độc.