1. Khô da

Tiếp xúc với điều hoà trong thời gian dài có thể làm mất đi độ ẩm tự nhiên của da, dẫn tới da bị khô và kích ứng, gây bong tróc và khó chịu, nhất là với những người có da nhạy cảm.

Thường xuyên dưỡng ẩm cho da có thể giúp chống lại tác động này.

2. Mất nước

Không khí khô, lạnh trong phòng điều hoà có thể làm tăng mất nước khỏi cơ thể, dẫn tới các triệu chứng như khô miệng, mệt mỏi, đau đầu.

Do đó cần đảm bảo cấp đủ nước cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước.

3. Vấn đề đường hô hấp

Điều hoà có thể làm lưu thông bụi bẩn, nấm mốc và các tác nhân gây dị ứng khác nếu không được bảo dưỡng đúng cách.

Tiếp xúc với các tác nhân này về lâu dài có thể gây kích ứng đường thở, dẫn tới ho, nghẹt mũi hoặc làm nặng thêm bệnh hen suyễn. 

Thường xuyên vệ sinh bộ lọc của điều hoà có thể giảm thiểu nguy cơ này.

4. Kích ứng mắt

Không khí khô từ điều hoà có thể làm màng phim nước mắt khô nhanh hơn, dẫn tới mắt bị khô, ngứa, kích ứng, nhất là với người đeo kính áp tròng. 

Dùng máy tạo độ ẩm hoặc nước mắt nhân tạo để nhỏ mắt có thể giúp thuyên giảm. 

5. Đau khớp, đau cơ

Ở trong môi trường lạnh thời gian dài có thể gây căng cứng cơ bắp và khớp xương, dẫn tới khó chịu và đau đớn, nhất là ở những người bị bệnh viêm khớp và các tình trạng khớp khác.

Bạn có thể tập các bài giãn cơ và mặc nhiều lớp để giữ ấm.

6. Mệt mỏi nhiều hơn

Liên tục ở trong môi trường lạnh nhân tạo có thể khiến cơ thể giảm khả năng điều chỉnh thân nhiệt, dẫn tới cảm giác mệt mỏi và thiếu năng lượng.

Bạn nên có những khoảng thời gian nghỉ ngơi, ở ngoài thiên nhiên và môi trường ấm hơn để tăng mức năng lượng.

7. Đau đầu

Thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa trong nhà mát lạnh và ngoài trời nóng bức có thể kích thích các cơn đau đầu. Điều này thường là do sự co giãn của mạch máu.

Để giảm tình trạng này, bạn nên thay đổi dần dần giữa các môi trường thay vì đột ngột.

8. Nghẹt mũi

Không khí khô từ điều hoà có thể làm khô đường mũi, dẫn tới khó chịu và nghẹt mũi. Điều này cũng làm cho thành vách mũi dễ bị nhiễm trùng hơn.

 

Bạn nên dùng thuốc xịt mũi để duy trì độ ẩm trong đường mũi.

9. Chức năng miễn dịch suy giảm

Ở trong phòng điều hoà nhiều giờ liên tục cũng có thể làm giảm dần chức năng miễn dịch. Cơ thể sẽ dễ bị nhiễm lạnh, cúm và các bệnh nhiễm trùng khác hơn.

Bạn nên đảm bảo nghỉ ngơi, dinh dưỡng và cấp nước đầy đủ để tăng cường sức khoẻ hệ miễn dịch.

10. Vấn đề về xoang

Không khí khô và lạnh có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng xoang, gây đau và áp lực xoang. Điều này chủ yếu ảnh hưởng tới những người đã có bệnh về xoang.

Máy tạo độ ẩm có thể giúp duy trì đủ độ ẩm nhằm giảm các triệu chứng này.

11. Chất lượng không khí kém

Điều hoà có thể lưu thông các chất gây ô nhiễm trong căn phòng, ví dụ mạt bụi, lông chó mèo, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC).

Các chất này có thể làm giảm chất lượng không khí trong phòng và dẫn tới các vấn đề về đường hô hấp.

Dùng máy lọc không khí và thông gió thường xuyên cho phòng có thể giúp cải thiện chất lượng không khí.

12. Tăng nguy cơ nhiễm trùng

Môi trường trong phòng điều hoà có thể thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn, nấm mốc có hại nếu như không được bảo trì thường xuyên. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp và ngoài da.

Thường xuyên vệ sinh, bảo trì điều hoà là việc làm cần thiết để ngăn ngừa tình trạng này.

13. Giảm năng suất

Tiếp xúc liên tục với không khí lạnh có thể khiến cơ thể phải làm việc nhiều hơn để duy trì nhiệt độ vùng lõi. Điều này dẫn tới cảm giác mệt mỏi và giảm năng suất.

Nghỉ giải lao thường xuyên và dành thời gian ngoài trời có thể giúp giảm tình trạng này.

14. Giảm khả năng chịu nóng tự nhiên của cơ thể

Ở trong phòng điều hoà quá nhiều có thể làm giảm khả năng chịu nóng tự nhiên của cơ thể, khiến bạn khó thích nghi với nhiệt độ cao hơn khi cần thiết.

Làm quen dần với việc tiếp xúc nhiệt độ tự nhiên có thể giúp duy trì khả năng chịu nóng của cơ thể.

15. Tác động sức khoẻ tinh thần

Dành nhiều giờ trong phòng điều hoà có ít ánh sáng tự nhiên có thể góp phần tạo cảm giác bị cô lập và trầm cảm.

Thiếu tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên cũng gây rối loạn nhịp sinh học của cơ thể và ảnh hưởng giấc ngủ.