Ảnh minh họa

Theo thông tin từ UBND xã Xuân La, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn trưa 18/12, một nhóm người tổ chức ăn lẩu tại gia đình ở thôn Thôm Mèo. Đang dùng bữa, 11 người đồng loạt xuất hiện tê lưỡi, choáng váng, buồn nôn.

7 người ngộ độc nặng hơn được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm, 4 người có biểu hiện nhẹ hơn được chăm sóc tại nhà.

Thông tin ban đầu cho biết, nhóm người này có cho củ ấu tẩu vào nồi lẩu để làm thức ăn và đây có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng ngộ độc.

Hiện Cơ quan chức năng đã phối hợp cùng y tế và chính quyền địa phương lấy mẫu thực phẩm để xác định nguyên nhân vụ việc.

Về phía các nạn nhân, thông tin từ trung tâm y tế huyện Pác Nặm cho hay do được cấp cứu kịp thời, sức khỏe của cả 11 người ngộ độc đã ổn định.

Củ ấu tàu còn gọi là ô đầu, ú tầu, gấu tầu, thường mọc hoang hoặc trồng ở vùng biên giới phía Bắc như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai. Thành phần độc tố chính của ấu tàu là aconitin (chất gây tê đầu lưỡi) và các alcalloid khác, có thể gây tử vong chỉ với một hàm lượng rất nhỏ.

Vào tháng 10, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã tiếp nhận bệnh nhân 73 tuổi, trú tại thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn nhập viện do ngộ độc củ ấu tàu. Theo thông tin từ gia đình, bệnh nhân tự nấu củ ấu tàu tại nhà, sau khi ăn được khoảng 30 phút thấy có dấu hiệu tê lưỡi và nôn, khó thở, vào viện trong tình trạng hôn mê, co giật, huyết áp tụt.