Hiện nay, mỗi ngày Hà Nội ghi nhận hơn 1.000 ca mắc sốt xuất huyết, tại các trung tâm – khoa truyền nhiễm của bệnh viện quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dịch tễ, nhiệt độ xuống thấp sẽ khiến dịch sốt xuất huyết giảm.
Trao đổi với PV Infonet, PGS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, sốt xuất huyết lây truyền qua muỗi. Khi nhiệt độ xuống dưới 25 độ C, muỗi sẽ không sinh sôi nảy nở nên giảm tốc độ lây lan sốt xuất huyết.
PGS Phu cho biết, vẫn phải phòng vì chỉ còn một số con muỗi sống sót ở trong nhà với điều kiện nhiệt độ ấm áp vẫn có thể đốt và lây truyền sốt xuất huyết.
Qua theo dõi nhiều năm, khi đến mùa Thu Đông, mùa Xuân nhiệt độ cao khiến dịch bệnh dễ bùng phát vì vậy người dân cố gắng tránh để muỗi đốt.
Đặc biệt các tỉnh miền Nam, thời tiết luôn ấm áp là môi trường cho muỗi tồn tại và người dân vẫn phải phòng sốt xuất huyết.
Ngày 30/11, theo tin từ Bộ Y tế, thống kê của các địa phương cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 325.604 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó đã có 122 người tử vong.
Thống kê tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, tính riêng từ tháng 5/2022 đến nay đã ghi nhận 15 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó, ca ít tuổi nhất là 13 tuổi, nhiều tuổi nhất là 82 tuổi.
Điều đáng nói là đa số trường hợp tử vong do bệnh nhân nhập viện muộn, chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới Trung ương từ tuyến dưới, khi tới đây đã không thể cứu chữa.
Các bác sĩ cho rằng, diễn biến dịch sốt xuất huyết năm nay khác với mọi năm. Cụ thể, năm nay có nhiều ca bệnh đi vào sốc nhiễm trùng sớm từ ngày thứ 3 - 5 trong khi mọi năm thường là ngày thứ 5 - 7.
PGS Phu cho biết, sốt xuất huyết lưu hành tại Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước, nó từng là dịch bệnh gây chết hàng năm. Những năm gần đây, sốt xuất huyết giảm dần nhưng vẫn là dịch nan giải vì chưa có vắc xin phòng bệnh.
Bệnh theo chu kỳ vài năm lại có số ca mắc tăng đột biến. Số ca mắc tăng cao kéo theo số ca tử vong cao.
Sốt xuất huyết là bệnh sốt và chỉ nhiễm ở người. Muỗi gây sốt xuất huyết Dengue, hay còn gọi là muỗi “nhà vua” hoặc muỗi vằn bởi khả năng sinh sản cao và có tập tính đẻ ở nơi nước trong.
Bệnh nhân bị sốt xuất huyết sẽ ủ bệnh từ 7 đến 14 ngày, có dấu hiệu sốt, đau nhức cơ. Một số người chỉ sốt nhưng một số người lại có dấu hiệu suất huyết như nổi ban, xuất huyết đường tiêu hoá, chảy máu cam, phụ nữ bị rong kinh.
Khi có các dấu hiệu sốt trong thời điểm hiện nay, PGS Phu khuyến cáo bạn cần khám bác sĩ để theo dõi tình trạng sốt. Sốt xuất huyết dễ nhầm với các bệnh khác nên cần có chẩn đoán đúng để phòng và điều trị phù hợp, tránh biến chứng nguy hiểm và tử vong.
PGS Phu cho biết, để chẩn đoán sốt xuất huyết cần xét nghiệm mới biết được chính xác. Theo đó, có thể xét nghiệm kháng thể hoặc kháng nguyên NS1.
Người bị sốt không nên chủ quan với dấu hiệu đã hết sốt đặc biệt từ 3 đến 7 ngày. Nếu người bệnh vẫn mệt mỏi hoặc có dấu hiệu xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra đặc biệt tránh tình trạng giảm tiểu cầu và cô đặc máu, sốc do sốt xuất huyết.
Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh cần bù nước bằng cách uống orezol vì trong orezol có nước, khoáng, muối nhưng cần uống đúng tỷ lệ mới có tác dụng. Nếu pha đặc quá sẽ rút nước trong mạch máu, loãng quá lại tăng nước.
Bạn cũng có thể uống thêm nước hoa quả, nước dừa. Hạ sốt bằng cách sử dụng thuốc paracetamol, không uống asprin có thể gây tăng xuất huyết.