BS Nguyễn Văn Thái (chuyên khoa Ung bướu và Phẫu thuật thẩm mỹ, làm việc tại Hà Nội) cho biết, phụ nữ bị bệnh lý tuyến giáp nhiều gấp 4-5 lần so với đàn ông. Nguyên nhân chủ yếu đến từ vấn đề nội tiết. Nội tiết phức tạp khiến phụ nữ bị bệnh tuyến giáp ngày càng nhiều. Suy giáp là một phần trong những bệnh lý tuyến giáp thường gặp ở phụ nữ.
Có 9 nguyên nhân gây suy giáp được chuyên gia cảnh báo
1. Nguyên nhân bẩm sinh
Đứa trẻ khi ra đời có khiếm khuyết nào đó, dẫn đến teo tuyến giáp, tuyến giáp không hình thành. Điều này cho thấy một người có thể bị suy tuyến giáp ngay từ nhỏ.
Theo BS Thái, đó là một trong những lý do, hiện nay trẻ sinh ra được lấy máu gót chân để làm xét nghiệm hormone tuyến giáp. Các chuyên gia sẽ đánh giá tuyến giáp của trẻ bình thường hay không bình thường, từ đó có biện pháp can thiệp sớm.
2. Bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp
Bệnh nhân ung thư tuyến giáp bắt buộc phải cắt toàn bộ tuyến giáp.
"Sau khi cắt toàn bộ tuyến giáp, bệnh nhân sẽ được điều trị i-ốt phóng xạ. Tuy nhiên, có những trường hợp do bệnh nhân hoặc bác sĩ giải thích không kỹ sau mổ, quên đi khám lại sau mổ, dẫn tới không được bù hormone đầy đủ. Điều này gây nên tình trạng thiếu hormone tuyến giáp và gây suy giáp", BS Thái giải thích.
3. Bệnh nhân bị cắt một nửa tuyến giáp trong trường hợp bị u một bên
Trong trường hợp có u một bên, bệnh nhân cắt một thùy tuyến giáp. Trong trường hợp này, người bệnh tuyến giáp có thể thiếu hoặc đủ hormone. Điều quan trọng là bệnh nhân cần được khám định kỳ, theo dõi chỉ số hormone tuyến giáp.
Thông thường, trong trường hợp cắt tuyến giáp một bên, bệnh nhân nếu bị thiếu hormone tuyến giáp thì cũng không ở mức quá nhiều. Tức là, tình trạng suy giáp không nặng nề. BS Thái khuyên vẫn nên đi khám định kỳ để xác định rõ tình trạng, kiểm tra đúng chỉ số hormone tuyến giáp.
4. Bệnh nhân bị basedow (cường giáp)
Bệnh nhân bị cường giáp nếu điều trị bằng i-ốt phóng xạ sẽ làm chết các tế bào tuyến giáp. Điều này vô tình gây nên tình trạng suy giáp.
"Hình thái tuyến giáp thì còn nhưng chức năng của tuyến giáp thì đã mất. Đây là một trong những biến chứng sau điều trị bệnh cường giáp bằng i-ốt phóng xạ. Tỷ lệ này gặp tương đối nhiều, khoảng 43% ở bệnh nhân basedow điều trị bằng i-ốt phóng xạ", BS Thái cho hay.
Đây cũng là điều bác sĩ phải cân nhắc trước khi điều trị i-ốt phóng xạ cho bệnh nhân cường giáp.
5. Viêm tuyến giáp do mắc bệnh tự miễn
Lúc này, tự cơ thể người bệnh tạo ra kháng thể chống lại hoạt động của tuyến giáp. Từ đó gây viêm tuyến giáp với triệu chứng cứng, chắc, sờ giống khối u nổi trên cổ; đôi khi có sốt, đau khiến bệnh nhân khó chịu. Tuy nhiên đi siêu âm lại không có khối u. Đặc biệt khi sờ vào cổ và nuốt, cả vùng tuyến giáp đều di chuyển.
Bệnh này còn có tên gọi khác là viêm tuyến giáp Hashimoto.
6. Viêm tuyến giáp do virus
Trong y khoa, tuyến giáp bị viêm dẫn đến chức năng suy giảm, khả năng tổng hợp hormone cho cơ thể kém. Từ đó gây ra tình trạng thiếu hormone. Viêm tuyến giáp do virus có thể dẫn đến suy giáp qua cơ chế này.
7. Sử dụng thuốc gây ảnh hưởng chức năng tuyến giáp
Những loại thuốc như amiodarone, lithium, interferon alpha... có thể cản trở hoạt động của tuyến giáp. Điều này dẫn tới suy giáp không mong muốn ở người dùng.
8. Cung cấp thiếu i-ốt trong chế độ ăn hàng ngày
Nếu cơ thể không được cung cấp đủ i-ốt mỗi ngày sẽ không đủ nguyên liệu để tạo ra hormone tuyến giáp. Từ đó có thể dẫn tới suy giáp.
9. Tổn thương tuyến yên
Tuyến yên kích thích tuyến giáp bài tiết hormone tuyến giáp. Khi tuyến yên bị tổn thương do khối u, bức xạ hoặc phẫu thuật, tuyến giáp có thể giảm hoặc ngừng sản xuất hormone.
BS Thái cảnh báo, suy giáp khó điều trị khỏi hoàn toàn. Điều quan trọng là cần đi khám định kỳ, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cá thể hóa, giúp bệnh nhân suy giáp kiểm soát bệnh, sống khỏe mạnh, ngăn chặn nguy cơ phát triển thành bệnh cường giáp...