Lá gan là cơ quan lớn nhất trong cơ thể. Tất cả các chất vào cơ thể đều qua gan vào máu và đến các nơi. Thống kê cho thấy, hiện nay trên thế giới có khoảng hơn 2 tỷ người mang những nguy cơ mắc bệnh về gan vì nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do uống quá nhiều rượu.
Để có một lá gan khỏe mạnh, chế độ dinh dưỡng là yếu tố cực kỳ quan trọng.
Sữa chua
Uống sữa và ăn sữa chua giúp làm giảm khả năng phát triển bệnh ung thư gan, đồng thời cải thiện cơ hội phục hồi từ căn bệnh nguy hiểm này.
Sữa chua giàu chất chống oxy hóa và các dạng vitamin nhóm B, như vitamin B12, B2 và B5. Các chất này có khả năng hỗ trợ chức năng gan bằng cách thúc đẩy quá trình chuyển hóa chất và giúp cơ quan này hoạt động tốt hơn.
Bên cạnh đó, đối với người bị men gan cao hay gan nhiễm mỡ thì sữa chua chính là nhân tố hạ men gan hàng đầu. Trong sữa chua có rất nhiều dưỡng chất cần cho quá trình thải độc gan.
Sữa chua là một nguồn cung cấp tốt của các vi khuẩn có lợi như Lactobacillus và Bifidobacterium. Những vi khuẩn này có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể và bảo vệ gan khỏi các tác nhân gây hại.
Các nghiên cứu cho thấy sữa chua có khả năng giảm tình trạng viêm gan. Viêm gan có thể gây ra tổn thương cho gan và ảnh hưởng đến chức năng gan. Sữa chua có tác dụng làm dịu viêm nhiễm và giúp phục hồi gan.
Nổi bật là sữa chua có thể giảm đáng kể tình trạng kháng insulin dựa vào cơ chế hạn chế mỡ tích tụ trong máu, kháng viêm tốt và chống oxy cao.
Một nghiên cứu của Thư viện Y khoa Mỹ cho thấy những người ăn 28g sữa chua mỗi ngày, có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn 18%. Và tình trạng kháng insulin sẽ góp phần dẫn đến gan nhiễm mỡ và hội chứng chuyển hóa, nên các tác giả đã đưa ra giả thuyết rằng, sữa chua sẽ làm giảm tình trạng kháng insulin ở bệnh nhân gan nhiễm mỡ và hội chứng chuyển hóa.
Tỏi
Tỏi được biết đến như một loại thảo dược sở hữu nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong Đông y, tỏi có vị cay, tính ôn, ăn vào khai kinh tỳ vị. Thực phẩm này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn, chữa khí hư, tiểu tiện khó, đầy hơi khó tiêu, giảm nhọt, đờm và hạch ở phổi.
Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, trong 100g tỏi có chứa 6,36g protein, 33g carbohydrates, 150 calo và các dưỡng chất như vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6), sắt, canxi, kali, mangan, magie, photpho...
Đáng chú ý, tỏi chứa arginine, loại axit amin giúp thư giãn mạch máu và giảm áp lực cho gan. Bên cạnh đó, vitamin B6 còn có tác dụng chống viêm, vitamin C bảo vệ cơ thể khỏi quá trình oxy hóa và tổn thương các tế bào. Ăn tỏi cũng giúp giảm viêm, tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện chức năng gan.
Bạn có thể sử dụng tỏi theo nhiều cách để tăng cường sức khỏe, nhưng lợi ích lớn nhất sẽ đến từ tỏi tươi chưa nấu chín.
Tỏi sống giữ lại nhiều allicin, là hợp chất chứa lưu huỳnh chịu trách nhiệm về nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe của tỏi.
Cân nhắc giảm lượng tiêu thụ hoặc ngừng tiêu thụ nếu bạn nhận thấy bất kỳ tác dụng phụ tiêu cực nào sau khi ăn tỏi sống. Chuyển sang tỏi nấu chín thay vì ăn sống cũng có thể giúp giảm bớt các tác dụng phụ về tiêu hóa như ợ chua hoặc trào ngược axit.
Nếu kết hợp tỏi trong chế độ ăn uống với rau họ cải, hoa quả, chất xơ và tập thể dục thường xuyên, nguy cơ mắc ung thư thậm chí có thể giảm xuống thấp hơn nữa.