Mục tiêu chính của chế độ ăn kiêng gan nhiễm mỡ là loại bỏ chất béo tích tụ ở vùng bụng. Nó giúp giảm sự tiến triển của chất béo trong gan. Ngoài ra, chế độ ăn kiêng gan nhiễm mỡ rất thích hợp cho những người bị vàng da. Đây là một biện pháp phòng ngừa để đảm bảo rằng tình trạng gan không trở nên tồi tệ hơn.
1. Giảm cân giúp giảm lượng mỡ trong gan
Gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ mỡ hay chất béo trong tế bào gan. Ở giai đoạn đầu, tình trạng nhiễm mỡ thường chưa ảnh hưởng nhiều đến chức năng gan nhưng theo thời gian, bệnh sẽ phát triển ngày càng nghiêm trọng và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Giảm cân nhằm mục đích giảm lượng calo cung cấp cho cơ thể hàng ngày là một phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh gan nhiễm mỡ. Giảm cân vừa phải, khoảng 3-5% trọng lượng cơ thể có thể làm giảm lượng mỡ trong gan, một số người giảm tới 10%.
Vì bệnh gan nhiễm mỡ thường liên quan đến béo phì, kháng insulin, hội chứng chuyển hóa và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nên giảm cân là một trong những mục tiêu chính và chế độ ăn uống có thể giúp giải quyết vấn đề này.
Chế độ ăn kiêng cho bệnh gan nhiễm mỡ bao gồm nhiều trái cây tươi và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh. Kiểm soát khẩu phần là một khía cạnh quan trọng khác của bất kỳ chế độ ăn kiêng gan nhiễm mỡ nào. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần cũng sẽ giúp đạt được mục tiêu giảm cân.
2. Chế độ ăn phù hợp với người bệnh gan nhiễm mỡ
Theo ThS. BS Nguyễn Ngọc Đại Lâm - Trưởng khoa Nội gan mật, Bệnh viện E, người bệnh gan nhiễm mỡ cần duy trì chế độ sinh hoạt điều độ, ăn uống lành mạnh với một số nguyên tắc dinh dưỡng:
Ăn nhiều rau xanh: Người bệnh gan nhiễm mỡ nên tăng cường ăn rau xanh và trái cây vì những thực phẩm này có chứa nhiều vitamin và chất xơ, có tác dụng kích thích nhu động ruột, giảm nguy cơ táo bón và hạn chế nguy cơ xơ vữa động mạch. Đặc biệt, vitamin A và vitamin E trong rau quả có thể làm giảm nguy cơ tích tụ mỡ trong gan. Bệnh nhân gan nhiễm mỡ nên bổ sung tối thiểu 300g rau xanh, 200g quả chín tươi mỗi ngày.
Ăn nhiều ngũ cốc và hạn chế đường: Ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt thay cho tinh bột trong bữa sáng là một thói quen có thể giúp giảm mỡ trong gan. Thói quen này có thể làm tăng đáng kể chất xơ và giảm chất béo và các thành phần gây viêm có trong nhiều loại carbs tinh chế.
Tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường một cách thường xuyên có thể góp phần làm tăng mỡ gan. Ngay cả khi chỉ ăn một lượng vừa phải vẫn có thể làm tăng sản lượng mỡ gan.
Vì vậy, vào buổi sáng, nếu cần cung cấp một chút ngọt cho cơ thể thì nên chọn trái cây thay vì bánh ngọt. Điều này sẽ vẫn cung cấp cho cơ thể một số chất xơ hữu ích và thỏa mãn cảm giác thèm ngọt mà không cần thêm đường.
Hạn chế tối đa các loại thịt đã qua chế biến: Gan nhiễm mỡ (không liên quan đến rượu) có nhiều khả năng xảy ra với mức cholesterol xấu cao và ở những người thừa cân hoặc béo phì. Việc tiêu thụ thường xuyên các loại thịt chế biến sẵn có thể góp phần làm tăng cholesterol và các vấn đề về tim mạch khác.
Các loại thịt đã qua chế biến như thịt xông khói và xúc xích có hàm lượng chất béo bão hòa và calo gây tắc nghẽn động mạch cao hơn. Vì vậy, thay bằng việc ăn những thực phẩm chế biến sẵn, hãy thử ăn nhiều trái cây và rau vào bữa sáng, chỉ thỉnh thoảng chọn một lượng rất nhỏ thịt chế biến.
Ăn đủ protein: Protein rất quan trọng đối với việc đảm bảo năng lượng cho cơ thể, tuy nhiên khi lá gan bị bệnh, quá trình chuyển hóa protein bị ảnh hưởng. Vì vậy, những người bị bệnh gan nhiễm mỡ nên ăn đủ lượng và lựa chọn nguồn protein phù hợp mà cơ thể cần để không ảnh hưởng xấu đến gan. Bên cạnh việc đảm bảo cơ thể có đủ năng lượng cho hoạt động hàng ngày mà vẫn có thể duy trì cân nặng hợp lý.
Tăng cường axit béo omega 3, chất béo không bão hòa: Người bệnh nên kiêng mỡ động vật vì sẽ tạo gánh nặng trong quá trình đào thải ở gan. Thay vào đó nên sử dụng các loại chất béo không bão hòa có tác dụng làm giảm cholesterol. Một số loại thực phẩm nên dùng là dầu thực vật, quả óc chó, hạt lanh, quả bơ...
Axit béo omega-3 có trong cá ngừ, cá hồi, cá thu, nhộng tằm… có tác dụng làm giảm nồng độ triglyceride trong máu. Đây là một trong những yếu tố gây nên bệnh gan nhiễm mỡ.
Không uống rượu: Những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ phải tránh uống rượu bia vì có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Uống rượu làm cho gan phải hoạt động nhiều hơn để có thể thải bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Từ đó, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh gan nhiễm mỡ.
3. 7 thực phẩm tốt cho bệnh gan nhiễm mỡ
3.1 Người bệnh gan nhiễm mỡ nên uống cà phê không đường
Không thêm đường hoặc sữa, cà phê đã được chứng minh là một trong những cách hiệu quả để cải thiện gan nhiễm mỡ.
Trong cà phê có chứa hàm lượng lớn caffeine, khi vào cơ thể sẽ làm giảm bớt hàm lượng enzyme gan bất thường và ngăn chặn khởi phát các bệnh lý về gan.
Hàm lượng protein zonulin trong cà phê có tác dụng làm giảm tính thẩm thấu của ruột, ngăn ngừa sự xuất hiện của tác nhân gây gan nhiễm mỡ, tránh để bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn. Đồng thời, một số hoạt chất trong cà phê còn có khả năng ngăn ngừa sự hình thành sẹo gan, giúp phòng ngừa bệnh xơ gan.
3.2 Trà xanh
Trà xanh rất giàu các chất chống ôxy hóa có lợi cho sức khỏe. Uống trà xanh thường xuyên giúp đốt cháy chất béo trong cơ thể. Nước trà xanh cũng giúp phòng chống bệnh gan nhiễm mỡ hiệu quả, đặc biệt đối với người có bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Những lợi ích của trà xanh:
Cản trở sự hấp thụ chất béo.
Tăng cường hiệu quả chuyển hóa chất béo thành năng lượng hoạt động cho gan.
Loại bỏ chất béo trong gan.
3.3 Tỏi
Tỏi là thực phẩm có hàm lượng allicin và hợp chất sulfur dồi dào, giúp ức chế tổng hợp cholesterol xấu và đào thải chúng ra khỏi cơ thể. Hai hoạt chất này cũng giúp ức chế sự tổng hợp cholesterol ở gan và ức chế men fructose để lipid ở các tế bào gan không bị lắng đọng. Chính vì vậy, ăn tỏi thường xuyên, đặc biệt là tỏi sống giúp hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ hữu hiệu.
3.4 Dầu ô liu
Một số loại dầu có thể cung cấp chất béo lành mạnh, chẳng hạn như dầu ô liu và dầu bơ. Trong đó, dầu ô liu chứa hàm lượng axit béo omega-3 dồi dào, có tác dụng giúp mang lại cảm giác no và giảm nồng độ men gan, qua đó giúp phòng ngừa gan nhiễm mỡ. Các loại dầu khác có nhiều chất béo không bão hòa đơn bao gồm dầu vừng, lạc, hướng dương, hạt cải...
3.5 Đậu nành
Một số bằng chứng cho thấy rằng các sản phẩm từ đậu nành, chẳng hạn như sữa đậu nành hoặc đậu phụ, có thể cải thiện gan nhiễm mỡ. Đó là do protein thực vật có trong đậu nành hay sữa chua đậu nành... góp phần làm giảm gánh nặng tích tụ mỡ ở gan mà vẫn đủ năng lượng cung cấp cho cơ thể. Vì vậy, người bệnh gan nhiễm mỡ nên tăng cường sử dụng các sản phẩm từ đậu nành.
3.6 Cá béo
Các loại cá béo như cá hồi, cá mòi, cá ngừ có nhiều axit béo omega-3 giúp cải thiện mức chất béo trong gan và làm giảm viêm. Vì vậy, bổ sung cá trong các bữa ăn hàng ngày để vừa hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ vừa cải thiện sức khỏe tổng thể.
3.7 Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt, đặc biệt là những loại có chỉ số đường huyết thấp hơn, chẳng hạn như yến mạch nguyên hạt rất giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ. Chúng hỗ trợ cảm giác no và tiêu hóa khỏe mạnh và là sự thay thế tuyệt vời cho các loại carbohydrate tinh chế, màu trắng.
Yến mạch là thực phẩm chứa nhiều chất xơ giúp giảm cân hiệu quả. Giảm cân nặng cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong điều trị gan nhiễm mỡ. Carbohydrate từ ngũ cốc nguyên hạt như bột yến mạch cung cấp năng lượng cho một ngày hoạt động của cơ thể.