Chế độ ăn uống ít chất xơ, thường xuyên nhịn đi tiêu, uống ít nước, lười tập thể dục hay do tác dụng phụ của thuốc...là những nguyên nhân phổ biến gây ra chứng táo bón.
Người bị táo bón thường có cảm giác căng, đau tức bụng dưới và hậu môn gây cảm giác chán ăn, mệt mỏi, ngủ không ngon giấc. Táo bón lâu dần nếu không được điều trị dứt điểm sẽ gây mất máu, suy giảm sức khỏe, thậm chí dẫn đến bệnh trĩ.
Song song với các phương pháp điều trị bệnh táo bón thì một chế độ ăn uống lành mạnh, nhuận tràng cũng là điều hết sức cần thiết để hỗ trợ điều trị dứt điểm bệnh.
Thực phẩm giúp nhuận tràng
Nước lọc
Cơ thể chúng ta chiếm 70% là nước nên nó có vai trò quan trọng trong việc duy trì các chức năng của cơ thể và hỗ trợ quá trình tiêu hóa hoạt động nhịp nhàng hơn.
Trong quá trình phân được chuyến đến ruột già phải cần hấp thụ nhiều nước để quá trình bài tiết xảy ra trơn tru, dễ dàng hơn. Thiếu nước sẽ làm cho phân tích tụ lại trong ruột già lâu hơn và lượng nước đi kèm sẽ càng bị rút bớt dần đi, đến khi phân cứng lại đến mức khó có thể bài tiết ra ngoài. Tình trạng này chính là biểu hiện của triệu chứng táo bón.
Do đó, để quá trình bài tiết của cơ thể được diễn ra dễ dàng hơn, cơ thể cần phải bổ sung nhiều nước mỗi ngày.
Sữa chua
Trong ruột người có chứa đến hàng tỷ vi khuẩn bao gồm cả lợi lẫn hại. Khi vi khuẩn có hại nhiều hơn chúng sẽ dẫn đến chứng khó tiêu, chướng bụng và táo bón. Sữa chua là nguồn thực phẩm giàu lợi khuẩn cho đường ruột và hệ tiêu hóa. Dù bạn bị tiêu chảy hay táo bón, việc hấp thu lợi khuẩn sẽ giúp hỗ trợ hoạt động đường ruột diễn ra nhịp nhàng hơn.
Rau xanh
Chất xơ chính là dưỡng chất không thể thiếu để giúp nhuận tràng bằng cách kích thích quá trình kết phân ở ruột già, gây đầy bụng và tăng nhu cầu đi vệ sinh. Các loại rau giàu chất xơ như cải bó xôi, cải xoăn, bắp cải. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi người nên tiêu thụ đủ 25g chất xơ hàng ngày để ngăn ngừa táo bón hiệu quả.
Nha đam
Từ lâu, mọi người đã biết sử dụng nha đam để làm dịu các vết bỏng, cháy nắng và làm đẹp da. Tuy nhiên, ít ai biết rằng nha đam còn là thực phẩm nhuận tràng, ngừa táo bón tự nhiên.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nha đam có chứa anthraquinone, một chất có tính nhuận tràng vô cùng hiệu quả. Hợp chất này sẽ tăng cường lượng nước trong đường ruột, tăng sản sinh chất nhầy cho cơ thể từ đó thúc đẩy quá trình kết phân cho đường ruột.
Hạt lanh
Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, chỉ một thìa cà phê hạt lanh đã chứa đến 3g chất xơ, hàm lượng này chiếm 1/8 lượng chất xơ cần thiết cho một ngày. Trong hạt lanh có chứa một chất dẻo có khả năng phủ lên màng lót của hệ tiêu hóa, giúp chuyển động của đường ruột trở nên dễ dàng hơn.
Hạt lanh có thể kết hợp với các loại trái cây khác để làm món sinh tố bổ dưỡng hay thêm vào salad trộn để tăng hương vị cho món ăn và giúp nhuận tràng.
Dầu thực vật
Việc tiêu thụ một ít dầu ô-liu, dầu hạt lanh, thầu dầu để chế biến món ăn hàng ngày sẽ tạo ra lớp lót làm trơn dạ dày, đường ruột từ đó làm mềm phân, giảm đau khi cố gắng đi vệ sinh trong lúc bị táo bón.
Thực phẩm nên hạn chế tiêu thụ
Thịt đỏ
Thịt đỏ có nhiều chất béo do đó hệ tiêu hóa sẽ mất nhiều thời gian hơn để xử lý. Đồng thời, trong thịt đỏ còn chứa nhiều sắt, sợi protein gây khó tiêu và làm trầm trọng hơn tình trạng táo bón ở những người đang mắc bệnh.
Chuối xanh
Trong chuối xanh chứa nhiều tinh bột làm cho cơ thể khó tiêu hóa, gây nên táo bón. Ngoài ra, nó còn có nhiều pectin giúp hút nước từ thành ruột về lòng ruột. Vì vậy, người bệnh đang bị táo bón cần hạn chế ăn chuối xanh để tránh gây mất nước.
Uống nhiều sữa
Sữa là thức uống rất tốt cho sức khỏe nhưng với người bệnh táo bón thì cần hạn chế uống quá nhiều sữa trong ngày vì lượng đường lactose có trong sữa có thể làm tăng khí và gây đầy hơi.